Bà bầu không tiêm phòng uốn ván có sao không?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Mai Hương - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Uốn ván là bệnh lý cấp tính có tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt nguy hiểm với bà bầu và trẻ sơ sinh. Do đó tất cả phụ nữ khi mang thai đều cần tiêm phòng vắc-xin uốn ván để bảo vệ cả mẹ và bé. Vậy bà bầu không tiêm uốn ván có sao không? Hãy cùng tìm hiểu về vấn đề này trong bài viết dưới đây.

1. Uốn ván nguy hiểm như thế nào?

Uốn ván là bệnh nhiễm trùng cấp tính do trực khuẩn uốn ván Clostridium tetani gây ra, đây là một căn bệnh rất nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao, đối tượng có nguy cơ mắc phải bệnh là những người có vết thương hở ngoài da, phụ nữ trong quá trình chuyển dạ sinh nở, trẻ sơ sinh qua đường cắt rốn...Trực khuẩn uốn ván phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí, sau đó giải phóng ngoại độc tố vào máu và tấn công vào các bản vận động thần kinh cơ làm cho bệnh nhân bị co cứng cơ, đồng thời trên nền cơ co cứng đó sẽ dẫn đến tình trạng xuất hiện các cơn co giật. Cơn co giật thường xuất hiện khi có kích thích nhưng cũng có thể xuất hiện một cách tự nhiên. Tùy theo mức độ bị nhiễm độc, vị trí vết thương, độ rộng vết thương cũng như điều kiện yếm khí tại vết thương mà bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng có thể là uốn ván khu trú như: uốn ván thể đầu, uốn ván thể giật một chi... hay uốn ván toàn thể.

Thời kỳ ủ bệnh khoảng 4 – 21 ngày. Khi mắc bệnh uốn ván tỷ lệ tử vong rất cao 25 – 90%. Đặc biệt là uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh, tỷ lệ tử vong trên 95%.


Bệnh uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh gây tử vong trên 95%
Bệnh uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh gây tử vong trên 95%

2. Bà bầu không tiêm phòng uốn ván có sao không?

Đối với các mẹ bầu, bệnh uốn ván gây ra do nhiễm vi khuẩn uốn ván trong lúc sinh nở, vi khuẩn vào theo đường sinh dục, gây uốn ván tử cung. Còn đối với trẻ nhỏ, vi trùng sẽ xâm nhập vào nơi cắt và buộc dây rốn, dẫn đến nhiễm trùng rốn sơ sinh. Ngoài ra, bệnh còn khiến trẻ suy hô hấp, rối loạn thần kinh thực vật và tim ngừng đập.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tất cả phụ nữ đang trong độ tuổi sinh sản (có thai hoặc không có thai) đều cần được tiêm phòng uốn ván để tạo ra kháng thể giúp bảo vệ cả mẹ và bé trong trường hợp không may bị vi khuẩn uốn ván xâm nhập. Hiện nay, phần lớn phụ nữ mang thai chưa từng được tiêm vắc-xin uốn ván, do đó không có miễn dịch với bệnh. Vì vậy tiêm phòng uốn ván là bước cực kỳ quan trọng để bảo vệ cả mẹ và bé.

3. Vắc-xin uốn ván có ảnh hưởng gì đến thai nhi không?

Nhiều bà bầu ngần ngại tiêm ngừa uốn ván vì lo ngại vắc-xin này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến thai nhi, tuy nhiên các mẹ bầu có thể hoàn toàn yên tâm vì vắc-xin uốn ván được chứng minh vô hại với thai nhi.


Vắc-xin ngừa uốn ván không gây ảnh hưởng đến thai nhi
Vắc-xin ngừa uốn ván không gây ảnh hưởng đến thai nhi

4. Phụ nữ có thai cần tiêm phòng uốn ván vào thời điểm nào?

Nếu bà bầu chưa được tiêm ngừa uốn ván thì phải tiêm 2 mũi vắc-xin uốn ván theo nguyên tắc: tiêm 2 mũi cách nhau ít nhất 1 tháng và trước sinh ít nhất 15 ngày. Mũi đầu được tiêm vào tháng thứ 4 hoặc thứ 5 của thai kỳ và mũi thứ hai tiêm sau đó 1 tháng. Nếu bà bầu đã tiêm phòng đủ 2 mũi hoặc mới tiêm 1 mũi trước đây thì cần tiêm 1 mũi vào tháng thứ 4 hoặc thứ 5.Dưới đây là lịch tiêm phòng uốn ván chi tiết cho bà bầu:Đối với người chưa tiêm uốn ván hoặc không rõ tiền sử tiêm vắc-xin hoặc chưa tiêm đủ 3 mũi vắc-xin có chứa thành phần uốn ván liều cơ bản:

  • Lần 1: tiêm sớm khi có thai lần đầu
  • Lần 2: ít nhất 1 tháng sau lần 1
  • Lần 3: ít nhất 6 tháng sau lần 2 hoặc kỳ có thai lần sau
  • Lần 4: ít nhất 1 năm sau lần 3 hoặc kỳ có thai lần sau
  • Lần 5: ít nhất 1 năm sau lần 4 hoặc kỳ có thai lần sau.

Đối với những người đã tiêm phòng đủ 3 mũi vắc-xin có chứa thành phần uốn ván liều cơ bản:

  • Lần 1: Tiêm sớm khi có thai lần đầu
  • Lần 2: ít nhất 1 tháng sau lần 1
  • Lần 3: ít nhất 1 năm sau lần 2

Đối với những người đã tiêm phòng đủ 3 mũi vắc-xin có chứa thành phần uốn ván liều cơ bản và 1 liều nhắc lại:

  • Lần 1: tiêm sớm khi có thai lần đầu.
  • Lần 2: ít nhất 1 năm sau lần 1

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe