Thuốc Azithromycin là một kháng sinh được dùng phổ biến trong điều trị các bệnh viêm đường hô hấp (viêm phổi, viêm tai mũi họng,...). Tuy nhiên, trong một vài nghiên cứu về tác dụng phụ của Azithromycin, người ta nhận thấy rằng bệnh nhân có một số yếu tố nguy cơ sẽ có thể bị rối loạn nhịp tim khi sử dụng Azithromycin.
1. Rối loạn nhịp tim là gì?
Nhịp tim bình thường bắt nguồn từ nút xoang và đập một cách nhịp nhàng tạo thành các chu kỳ và tương đối đều đặn. Ở người bình thường khỏe mạnh, tần số tim khi nghỉ ngơi từ 60 - 100 lần/ phút. Nhịp tim bình thường sẽ không gây ra bất cứ triệu chứng gì, đôi khi người bệnh cảm thấy hồi hộp, cảm giác tim đập nhanh trong vài tình huống như sợ hãi, lo lắng, sốt,... và tình trạng này sẽ nhanh chóng trở về bình thường.
Rối loạn nhịp tim là tình trạng bất thường khi nhịp quá nhanh (> 100 lần/ phút) hoặc quá chậm (< 60 lần/ phút) hoặc không đều, lúc nhanh lúc chậm. Rối loạn nhịp tim có thể không có triệu chứng gì hoặc người bệnh cảm thấy hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh,...
Rối loạn nhịp tim có thể do nhiều nguyên nhân như cơn đau tim xảy ra bất ngờ, sẹo mổ tim, bệnh cơ tim, bệnh mạch vành, huyết áp cao, cường giáp, suy giáp, đái tháo đường, một số loại thuốc, dùng chất kích thích như rượu bia, cà phê, hút thuốc,...
2. Tác dụng phụ của thuốc Azithromycin
Thuốc Azithromycin là một kháng sinh nhóm Macrolid, được sử dụng rộng rãi trong điều trị nhiễm khuẩn. Cơ chế tác dụng của thuốc Azithromycin là nhắm vào quá trình tổng hợp protein của tế bào vi khuẩn dẫn đến kìm hãm sự phát triển và sinh sôi của vi khuẩn. Thuốc Azithromycin dễ dàng ngấm vào các mô ở phổi, phế quản, tai mũi họng,... và có tác dụng trên các vi khuẩn như tụ cầu, liên cầu, phế cầu,...
Ngoài tác dụng điều trị, thuốc Azithromycin còn gây ra một số tác dụng phụ, như phát ban, dị ứng, khó thở, khó nuốt, đau bụng buồn nôn,... và tác dụng phụ đáng lo ngại nhất là tác dụng trên hệ tim mạch. Thuốc Azithromycin có thể gây rối loạn nhịp tim, mặc dù tỉ lệ nhỏ nhưng cần cảnh giác.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học đến từ Trường đại học Vanderbilt (bang Tennessee, Hoa Kỳ) trên 348.000 đơn thuốc Azithromycin trong giai đoạn 1992 - 2006. Vấn đề đáng quan tâm của nghiên cứu là biểu hiện lạ thường và tác dụng ở bệnh nhân dùng thuốc. Để loại trừ yếu tố nhiễu, các nhà nghiên cứu đã sử dụng các công cụ tính toàn dịch tễ học. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỉ lệ tử vong vì bệnh tim mạch cao hơn 2,5 lần ở những người dùng kháng sinh Azithromycin so với những người không dùng.
3. Azithromycin và rối loạn nhịp tim
Năm 2013, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã đưa ra cảnh báo an toàn về việc thuốc Azithromycin có nguy cơ gây rối loạn nhịp tim có thể tử vong ở một số bệnh nhân, cảnh báo này dựa trên một nghiên cứu vào năm 2012.
Theo ý kiến của tiến sĩ Gianluca Trifirò (Erasmus University Medical Center, Rotterdam, the Netherlands and University of Messina, Italy) thì kết quả của các nghiên cứu cho thấy mối liên quan giữa Azithromycin và rối loạn nhịp tim gần như do tình trạng sức khỏe suy yếu của bệnh nhân hơn là do thuốc. Nguy cơ gây rối loạn nhịp tim của thuốc Azithromycin là không đáng kể khi so với các kháng sinh khác, dù trên bệnh nhân có nguy cơ cao (lớn tuổi, có tiền sử bệnh tim mạch,...).
Để làm rõ những mâu thuẫn về mối liên quan giữa Azithromycin rối loạn nhịp tim, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu ARMITO phân tích dữ liệu của trên 28 triệu bệnh nhân ở các nước châu Âu từ năm 1997 - 2010 (Đan Mạch, Hà Lan, Đức, Ý, Anh).
Theo nghiên cứu, có 12.874 bệnh nhân đã có xuất hiện loạn nhịp thất, mỗi bệnh nhân được ghép với 100 bệnh nhân đối chứng (cùng tuổi, giới, ngày bắt đầu dùng kháng sinh). Khi so sánh với nhóm chứng, các bệnh nhân có xuất hiện loạn nhịp thất hầu như gặp phải là rung thất, bệnh cơ tim, bệnh mạch vành, rối loạn điện giải, tăng huyết áp, bệnh động ngoại biên, dùng thuốc chống loạn nhịp trước đó, đái tháo đường, béo phì, bệnh hô hấp mãn tính, rối loạn mỡ máu, dùng thuốc gây hạ kali máu, thuốc kéo dài khoảng QT.
Trong số các bệnh nhân có loạn nhịp thất, có 1221 bệnh nhân có dùng kháng sinh lúc đó: Azithromycin (30 bệnh nhân), amoxicillin (165 bệnh nhân), hoặc kháng sinh khác (1026 bệnh nhân). Theo đó, việc dùng thuốc Azithromycin có gây rối loạn nhịp thất so với người không dùng kháng sinh, nhưng nguy cơ này không đáng kể khi so với người dùng Amoxicillin (sau khi đã hiệu chỉnh các yếu tố gây nhiễu).
4. Hiểu đúng về cách dùng thuốc Azithromycin
Trước khi được kê đơn thuốc Azithromycin, hãy thông báo với bác sĩ nếu người bệnh có các tình trạng sau:
- Dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc Azithromycin hoặc bất kỳ dị ứng nào khác.
- Tiền sử bệnh gan, thận, bệnh về cơ như nhược cơ.
Đồng thời, cho bác sĩ biết về tất cả các thuốc đang sử dụng, bao gồm thuốc kê đơn và không kê đơn, các sản phẩm thảo dược, vitamin, khoáng chất,...
Thuốc Azithromycin có thể làm kéo dài khoảng QT gây ra nhịp tim nhanh, không đều và các triệu chứng khác như chóng mặt, ngất xỉu,... Nguy cơ kéo dài khoảng QT tăng lên ở bệnh nhân đang dùng các thuốc kéo dài khoảng QT khác hoặc có một số bệnh lý.
Những đối tượng sau đây cần thận trọng khi sử dụng thuốc Azithromycin:
- Người lớn tuổi.
- Trẻ sơ sinh.
- Phụ nữ mang thai.
- Bà mẹ cho con bú
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.