Áp xe ngoài màng tủy dễ gây tàn phế

Áp xe ngoài màng tủy đến nay vẫn là một tình trạng hiếm gặp, tuy nhiên, nếu không được phát hiện sớm và có các điều trị tích cực, người bệnh hoàn toàn có nguy cơ bị tàn phế. Vậy áp xe ngoài màng tủy là bệnh lý gì và cần phải khắc phục nó ra sao?

1. Tìm hiểu về áp xe ngoài màng tủy

Áp xe ngoài màng tủy là một loại nhiễm trùng nghiêm trọng xảy ra ở không gian ngoài màng cứng, có thể dẫn đến các tổn thương lớn ở thần kinh và gây tử vong. Cho đến nay, áp xe ngoài màng tủy vẫn được xem là hiếm gặp, nhưng trong vòng 2 thập kỷ qua, tỷ lệ bệnh nhân mắc loại bệnh này này đã tăng lên gấp đôi.

Các chuyên gia cho rằng, vấn đề của áp xe ngoài màng cứng không nằm ở điều trị, mà nằm ở việc chẩn đoán sớm và nhờ đó có giải pháp can thiệp phù hợp, hạn chế nguy cơ phát triển các triệu chứng thần kinh lớn.

2. Các yếu tố nguy cơ gây ra áp xe ngoài màng tủy

Hầu hết các áp xe này đều xảy ra vô căn. Một số yếu tố nguy cơ và nguồn lây nhiễm sau có thể làm tăng khả năng nhiễm bệnh:

2.1 Các nhiễm trùng cục bộ hoặc nhiễm trùng toàn thân (44%)


Nhiễm trùng huyết gây áp xe ngoài màn tủy
Nhiễm trùng huyết gây áp xe ngoài màn tủy

2.2 Suy giảm miễn dịch (29%)

Hệ thống miễn dịch có thể bị suy yếu do nhiều nguyên nhân và bệnh lý như:

  • Đái tháo đường;
  • Bệnh xã hội;
  • Lạm dụng thuốc tiêm đường tĩnh mạch;
  • Lạm dụng rượu và chất kích thích.

2.3 Do phẫu thuật hoặc các điều trị xâm lấn (22%)

Một số thủ thuật như gây tê ngoài màng cứng, phẫu thuật cột sống, tiêm corticosteroid, tiêm paravertebral... cũng có thể là nguyên nhân gây ra áp xe ngoài màng tủy.

2.4 Các nguyên nhân khác

Do chấn thương cột sống, bệnh cột sống mãn tính, viêm loét đại tràng, bệnh Crohn, suy thận mãn tính...

3. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh áp xe ngoài màng tủy

Hầu hết các triệu chứng của bệnh đều không biểu hiện rõ ràng, đặc biệt là ở giai đoạn đầu. Vì vậy, rất nhiều bệnh nhân đã chủ quan. Các dấu hiệu này bao gồm:

  • Đau cổ và đau mỏi lưng thông thường;
  • Có khoảng 30% trường hợp bị áp xe ngoài màng tủy có biểu hiện sốt;
  • Cảm giác tê bì chân tay và dần dần mất cảm giác;
  • Liệt tay chân hoặc thậm chí là tàn phế ở giai đoạn muộn hơn;
  • Rối loạn đại tiểu tiện;
  • Rối loạn hô hấp.

4. Chẩn đoán bệnh áp xe ngoài màng tủy như thế nào?

Việc chẩn đoán áp xe ngoài màng cứng có thể dựa trên nhiều tiêu chuẩn hình ảnh. Trong đó, các chẩn đoán bằng hình ảnh từ X-quang thường ít có giá trị chẩn đoán mà chỉ cho thấy hình ảnh cột sống/đốt sống... từ đó xác định có viêm nhiễm xảy ra hay không.

Vì vậy, để chẩn đoán chính xác hơn áp xe ngoài màng tủy, các bác sĩ thường chỉ định:

  • Chụp cắt lớp vi tính CT có bơm thuốc cản quang: hình ảnh rõ ràng cho phép nhận thấy tủy có bị chèn ép hay không.
  • Chụp cộng hưởng từ MRI: loại kỹ thuật này cho giá trị chẩn đoán cao đối với bệnh áp xe ngoài màng tủy do cho phép nhận thấy các tổn thương thông qua hình ảnh, vì vậy hỗ trợ chẩn đoán bệnh sớm.
  • Kiểm tra nồng độ bạch cầu, protein CRP, tốc độ máu lắng...: những kiểm tra này sẽ giúp nhận biết có nhiễm trùng hay không, tuy nhiên, không có xét nghiệm đặc hiệu cho áp xe ngoài màng tủy.

Nếu bệnh nhân bị nghi ngờ áp xe ngoài màng cứng, việc chọc dò tủy sống là không được phép thực hiện. Điều này làm tăng nguy cơ viêm màng não cũng như nhiễm trùng màng cứng khi kim đi qua áp xe.


Chụp MRI giúp chẩn đoán hình ảnh áp xe ngoài màng tủy
Chụp MRI giúp chẩn đoán hình ảnh áp xe ngoài màng tủy

5. Điều trị áp xe ngoài màng tủy như thế nào?

5.1 Phẫu thuật (điều trị ngoại khoa)

Cho đến nay, liệu pháp điều trị áp xe ngoài màng tủy tốt nhất và hạn chế nguy cơ tàn phế cho loại bệnh lý này mang lại là loại bỏ khối áp xe, đồng thời tiêu diệt các ổ nhiễm trùng/vi sinh vật/tác nhân gây nhiễm trùng.

Trong đó, giải phẫu cắt bỏ mô nhiễm trùng là phương pháp hàng đầu được lựa chọn. Các phẫu thuật này phải tiến hành càng sớm càng tốt ngay sau khi phát hiện bệnh.

Tiếp theo, bác sĩ sẽ tiêm kháng sinh đường tĩnh mạch trong khoảng 4 – 6 tuần. Tùy theo giai đoạn bệnh khi phát hiện mà tốc độ phục hồi của từng bệnh nhân có thể khác nhau.

5.2 Điều trị nội khoa

Không phải bệnh nhân nào cũng có thể đáp ứng tốt điều kiện để phẫu thuật. Vì vậy, liệu pháp kháng sinh sẽ được sử dụng nhưng không thể đảm bảo kết quả toàn diện so với phẫu thuật.

Ở những bệnh nhân có thần kinh nguyên vẹn (chưa bị tổn thương), các bác sĩ sẽ điều trị bảo tồn bằng cách tiêm kháng sinh đường tĩnh mạch. Điều trị được đánh giá là thành công khi kết quả chụp cộng hưởng từ MRI trong 4 – 6 tuần có những thay đổi trong mô mềm.

Nguồn tham khảo: ncbi.nlm.nih.gov

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe