Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thùy - Bác sĩ Nội thận – Lọc máu – Ghép thận - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Suy giảm chức năng thận gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng và ảnh hưởng tới nhiều chức năng khác của hệ thống các cơ quan. Đặc biệt trong đó có ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc.
1. Chức năng thận
Thận là một cơ quan trong hệ tiết niệu, có hình hạt đậu và nằm trong khoang bụng sau phúc mạc. Mỗi người có hai quả thận đối xứng với nhau qua cột sống, ngang đốt sống ngực T11 đến đốt thắt lưng L3.
Thận đảm nhiệm nhiều chức năng bao gồm:
- Hằng định nội môi: điều chỉnh các chất điện giải, duy trì ổn định axit-bazơ, điều chỉnh huyết áp,...
- Thận còn đóng vai trò là một bộ lọc máu tự nhiên, tạo nước tiểu và các chất thải sẽ theo niệu quản dẫn đến bàng quang để thải ra ngoài, bài tiết các chất như amoniac, ure, acid uric,...
- Sản xuất các hormone: renin (điều hòa huyết áp), calcitriol (vitamin D hoạt hóa) và erythropoietin (kích thích tạo hồng cầu)
2. Suy giảm chức năng thận
Chức năng thận yếu đi tức là thận không còn hoạt động được hiệu quả. Người bệnh thường có những biểu hiện như:
- Khó ngủ
- Nhức đầu, mệt mỏi
- Suy nhược cơ thể
- Da khô kèm theo ngứa ngáy
- Miệng có mùi hôi và có vị kim loại
- Khó thở
- Sưng mắt cá chân, bàn tay và bàn chân
- Đau lưng
- Bọng mắt
- Cao huyết áp
- Thay đổi về tần suất đi tiểu và tính chất nước tiểu
Khi chức năng thận kém, bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm đánh giá mức độ suy giảm chức năng thận, để bác sĩ có thể điều chỉnh liều lượng thuốc trong quá trình điều trị.
3. Ảnh hưởng của chức năng thận đến việc dùng thuốc
Chức năng thận suy yếu sẽ ảnh hưởng tới việc sử dụng thuốc như:
- Giảm bài xuất thuốc và chất chuyển hóa còn hoạt tính, dẫn tới tăng kéo dài nồng độ thuốc trong máu và có nguy cơ tăng độc tính
- Ứ trệ tuần hoàn dẫn tới tăng thể tích phân bố của các thuốc tan nhiều trong nước. Kéo dài thời gian bán thải, tăng nguy cơ tích lũy thuốc.
- Giảm lượng protein huyết tương dẫn tới tăng tỷ lệ thuốc tự do. Đặc biệt là khi các thuốc có tỷ lệ liên kết với protein huyết tương, gây tăng độc tính.
- Ảnh hưởng đến tác dụng dược lý của một số thuốc.
4. Hiệu chỉnh liều thuốc ở bệnh nhân suy giảm chức năng thận
Ở bệnh nhân suy giảm chức năng thận cần lưu ý đến việc sử dụng thuốc. Bác sĩ có thể hiệu chỉnh lại liều thuốc bao gồm:
- Giảm liều thuốc: cho phép giảm nồng độ thuốc trong máu. Từ đó giảm được nguy cơ tăng độc tính nhưng xảy ra nguy cơ không đạt nồng độ điều trị mong muốn. Áp dụng với thuốc có khoảng điều trị hẹp và thời gian bán thải ngắn, không tăng lên trên bệnh nhân suy thận.
- Tăng khoảng cách giữa các lần sử dụng thuốc: Được áp dụng đối với những thuốc có phạm vi điều trị rộng, và tác dụng của thuốc phụ thuộc vào nồng độ đỉnh đạt được. Tăng khoảng cách giữa các lần dùng thuốc sẽ tránh độc tính hoặc khi thời gian bán thải của thuốc được tăng lên.
- Kết hợp cả giảm liều và tăng khoảng cách giữa hai lần dùng thuốc: phương pháp này thường được áp dụng nhiều hơn. Bởi vì nó đảm bảo được nồng độ điều trị.
Tóm lại, chức năng thận suy giảm sẽ gây ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc. Do đó, người bệnh không được tự ý sử dụng thuốc mà cần uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, cần thăm khám định kỳ để được đánh giá mức độ suy giảm, từ đó bác sĩ có thể hiệu chỉnh liều thuốc sao cho phù hợp.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là cơ sở y tế chất lượng cao tại Việt Nam với đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn, được đào tạo bài bản, chuyên sâu trong nước và nước ngoài, giàu kinh nghiệm.
Hệ thống thiết bị y tế hiện đại, tối tân, sở hữu nhiều máy móc tốt giúp phát hiện ra nhiều căn bệnh khó, nguy hiểm trong thời gian ngắn, hỗ trợ việc chẩn đoán, điều trị của bác sĩ hiệu quả nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.