Sầu riêng là loại trái cây nhiệt đới, được mệnh danh là vua các loại quả. Nhờ vào thành phần dinh dưỡng phong phú, việc ăn sầu riêng có thể đem lại nhiều lợi ích sức khỏe như tăng cường hệ tiêu hoá, bảo vệ tim mạch, hỗ trợ thai kỳ khỏe mạnh. Tuy nhiên, đối với những người đang giảm cân cần cân nhắc và trao đổi với chuyên gia dinh dưỡng về lượng sầu riêng phù hợp cho bản thân.
1. Quả sầu riêng là gì?
Sầu riêng được mệnh danh là “vua” của các loại trái cây bởi kích thước cũng như mùi vị đặc trưng riêng của nó. Đây là một loại trái cây nhiệt đới, được trồng phổ biến ở các nước Đông Nam Á. Loại quả này có một lớp vỏ gai bên ngoài vô cùng đặc biệt, có vị ngọt và mùi hăng nồng. Nhiều người ví mùi của sầu riêng như mùi trứng thối. Nguyên nhân của mùi hương đặc trưng này là do sự kết hợp của các loại hóa chất tự nhiên có trong quả sầu riêng.
Do mùi vị hăng nồng mà ở một số vùng thuộc Châu Á đã cấm không cho đem theo sầu riêng trên các phương tiện giao thông công cộng, một số khách sạn và các địa điểm khác. Tuy nhiên, với thành phần dinh dưỡng ấn tượng cùng với hương vị khác biệt đã giúp sầu riêng trở thành một lựa chọn thú vị cho những ai yêu thích ẩm thực ở khắp mọi nơi trên thế giới.
Ngoài giàu thành phần dinh dưỡng, các bộ phận của sầu riêng như vỏ, múi, rễ và lá đều có thể được sử dụng để làm thuốc chữa một số bệnh, bao gồm:
- Cao huyết áp
- Bệnh gan
- Căng thẳng
- Suy nhược cơ thể
- Khó tiêu
- Tăng ham muốn tình dục
- Mất ngủ
- Làm lành các vết thương
- Các bệnh ngoài da
2. Giá trị dinh dưỡng của sầu riêng
Theo các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, trong 243g (một cốc) sầu riêng tươi hoặc đông lạnh cắt nhỏ sẽ chứa các thành phần dinh dưỡng sau đây:
- Calo: 357
- Chất béo: 13g
- Chất xơ: 9,2g
- Chất đạm: 3,6g
- Carbohydrate: 66g
- Natri: 4,9mg
Vậy với hàm lượng dinh dưỡng trên, liệu ăn sầu riêng có mập không?
2.1 Carb trong trái sầu riêng
Một cốc sầu riêng sẽ cung cấp khoảng 357 lượng calo. Hầu hết lượng calo trong sầu riêng đều đến từ carbohydrate. Trong khẩu phần một cốc sầu riêng có chứa 66g carbs. Với hơn 9 gam mỗi khẩu phần, chỉ số đường huyết của sầu riêng là 49, thấp hơn so với các loại trái cây nhiệt đới khác như đu đủ, dưa hấu và dứa.
2.2 Chất béo trong sầu riêng
Khi nói đến trái cây tươi, sầu riêng là loại có nhiều chất béo hơn cả, với 13 gram chất béo trong khẩu phần một cốc. Chất béo trong sầu riêng góp phần cung cấp lượng calo và cải thiện khả năng cơ thể hấp thụ được các loại vitamin tan trong chất béo, chẳng hạn như vitamin A.
2.3 Chất đạm trong sầu riêng
Loại trái cây nhiệt đới này chỉ cung cấp một lượng nhỏ protein (chất đạm), với khoảng 3,6 gram protein trong một khẩu phần sầu riêng.
2.4 Vitamin và các khoáng chất trong sầu riêng
Có thể nói, sầu riêng là một nguồn thực phẩm cung cấp vô cùng dồi dào các loại vitamin C, vitamin B6, riboflavin, thiamin, folate và niacin. Một số khoáng chất nổi bật trong sầu riêng, bao gồm sắt, kali, magie, đồng, mangan và một lượng nhỏ kẽm, phốt pho cũng như canxi.
3. Ăn sầu riêng có tốt không?
Dựa trên nhiều nghiên cứu ở động vật cũng như phòng thí nghiệm, kết quả nghiên cứu cho thấy với hàm lượng chất dinh dưỡng phong phú đã giúp sầu riêng trở thành loại thực phẩm đầy hứa hẹn đối với sức khỏe con người.
3.1. Cải thiện sức khỏe tim mạch
Sầu riêng có chứa hàm lượng kali rất cao và luôn đứng đầu khi so sánh với các loại trái cây khác. Kali được biết đến với khả năng làm giảm tình trạng cao huyết áp một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh tim mạch.
Ngoài ra, sầu riêng cũng rất giàu chất xơ và các chất béo không bão hoà, đây là hai chất dinh dưỡng quan trọng cho sức khỏe tim mạch của bạn. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã cho thấy việc ăn sầu riêng có thể làm giảm mức cholesterol toàn phần, cholesterol LDL xấu và chất béo trung tính.
3.2. Hỗ trợ thai kỳ khỏe mạnh
Sầu riêng là một loại trái cây nhiệt đới với hàm lượng vitamin B và folate vô cùng dồi dào. Đặc biệt, phụ nữ mang thai trong giai đoạn đầu là những đối tượng có nguy cơ dễ bị thiếu hụt chất folate nhất, có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe cho cả mẹ và bé trong thai kỳ.
Folate thực sự cần thiết cho sự phát triển ống thần kinh của thai nhi. Ở các nước Đông Nam Á, sầu riêng được tiêu thụ khá phổ biến và đang đóng vai trò là một nguồn cung cấp flote có ý nghĩa quan trọng đối với nữ giới ở độ tuổi sinh nở.
3.3. Ngăn ngừa đau khớp
Sầu riêng rất giàu vitamin C, đặc biệt khi bạn ăn sống chúng. Một cốc sầu riêng tươi hoặc đông lạnh sẽ cung cấp khoảng 48 gam vitamin C, trong khi đó người lớn sẽ cần trung bình khoảng 75 – 90 gam vitamin C mỗi ngày.
Khi bị thiếu hụt vitamin C, cơ thể bạn sẽ có các triệu chứng điển hình như đau khớp, bởi vì vitamin C là một tiền chất giúp tổng hợp nên collagen. Do đó, việc bổ sung vitamin C qua thực phẩm, chẳng hạn như ăn sầu riêng, được xem là một cách an toàn giúp bạn ngăn ngừa tình trạng đau khớp.
3.4. Thúc đẩy hệ tiêu hoá khoẻ mạnh
Sầu riêng rất giàu đường tự nhiên lên men sau khi tiếp xúc với các vi khuẩn đường ruột trong quá trình tiêu hoá. Loại quả này hoạt động như một prebiotic, cung cấp vi khuẩn axit lactic có lợi cho hệ vi sinh vật đường ruột, giúp hỗ trợ chức năng tiêu hoá và sức khoẻ của ruột kết. Hơn nữa, thành phần chất xơ cao trong sầu riêng giúp phân mềm hơn và dễ đi tiêu hơn.
3.5. Ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng ở người lớn tuổi
Suy dinh dưỡng là một mối quan tâm chung đối với hầu hết những người lớn tuổi. Người cao tuổi có nguy cơ giảm cân và thiếu hụt chất dinh dưỡng cao hơn so với những người khác. Điều này bắt nguồn từ một số yếu tố như: Kém hấp thu thức ăn, giảm cảm giác thèm ăn và hạn chế tiếp cận với nhiều loại thực phẩm.
Sầu riêng là một loại quả rất giàu các vi chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể. Đây là một loại thực phẩm giàu năng lượng, giúp cung cấp các loại vitamin quan trọng như thiamin (có liên quan đến bệnh Alzheimer). Thông qua việc tiêu thụ sầu riêng với một lượng vừa phải sẽ giúp những người cao tuổi bổ sung được các chất dinh dưỡng bị thiếu hụt trong cơ thể.
4. Ăn sầu riêng có mập không?
Nhiều người băn khoăn rằng, liệu ăn sầu riêng có mập không? Sầu riêng là một loại trái cây có chứa hàm lượng chất béo cao, khoảng 13g mỗi cốc. Một số chất béo được coi là cần thiết cho sức khoẻ, tuy nhiên nếu bạn hấp thụ một lượng lớn các chất béo dư thừa trong chế độ ăn uống của mình có thể tác động xấu đến kế hoạch ăn kiêng giảm cân của bạn, thậm chí là gây tăng cân.
Bên cạnh đó, sầu riêng cũng rất giàu carbs. Trong một cốc sầu riêng được thái nhỏ sẽ chứa khoảng 66g carbs. Mặc dù carbohydrate được xem là một chất có lợi cho việc cung cấp năng lượng của cơ thể đối với các hoạt động thể chất hàng ngày, tuy nhiên khi tiêu thụ quá nhiều carbs sẽ khiến bạn gặp khó khăn trong việc giảm mỡ và giảm cân khi ăn kiêng.
Tốt nhất, để đạt được những lợi ích sức khỏe từ sầu riêng, bạn nên cố gắng ăn chúng một cách điều độ. Bạn có thể trao đổi với chuyên gia dinh dưỡng về lượng sầu riêng phù hợp dành cho kế hoạch ăn kiêng của mình.
5. Các tác dụng phụ khi ăn sầu riêng
Mặc dù tác dụng phụ khi ăn sầu riêng là hiếm gặp, tuy nhiên trong một số trường hợp dị ứng sầu riêng có thể gây ra tình trạng viêm da tiếp xúc.
Ăn sầu riêng loại bỏ hạt được cho là an toàn tuyệt đối, ngay cả khi bạn ăn chúng kèm theo các loại thức ăn khác. Tuy nhiên, việc tiêu thụ hạt sầu riêng có thể không an toàn đối với sức khỏe, trừ khi được nấu chín. Hạt sầu riêng thô có chứa các hóa chất được cho là độc hại và có khả năng gây ung thư.
Đối với những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi ăn sầu riêng. Việc ăn sầu riêng thường xuyên có thể làm tăng lượng đường trong máu (đường huyết) nhiều hơn so với các loại trái cây khác, chẳng hạn như xoài hoặc chuối.
Mặt khác, hàm lượng kali cao trong sầu riêng có thể gây nguy hiểm cho những người mắc bệnh thận giai đoạn cuối. Do đó, những người bị bệnh thận phải thận trọng khi tiêu thụ loại quả này.
Khi đã trả lời được cho câu hỏi, ăn sầu riêng có tốt không, bạn hoàn toàn có thể tự lên cho mình một kế hoạch ăn uống lành mạnh, phù hợp với tình trạng sức khỏe hiện tại.
Thường xuyên truy cập website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để biết thêm nhiều thông tin về sức khỏe mới nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com - verywellfit.com