Quả sung là một trong những cây cổ nhất thế giới, cây có thể được bắt nguồn từ các tài liệu lịch sử sớm nhất và các đặc điểm nổi bật trong Kinh thánh. Quả sung có nguồn gốc từ Trung Đông và Địa Trung Hải và được người Hy Lạp coi trọng đến mức luật đã từng được tạo ra để ngăn cản việc xuất khẩu chúng. Vậy ăn quả sung có tốt không ? Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.
1. Tổng quan
Quả sung là quả của cây sung, thuộc họ dâu tằm (Moraceae), có hình dáng giống như giọt nước, có kích thước bằng ngón tay của bạn. Thịt quả màu hồng, có vị ngọt nhẹ đặc trưng, mềm, dai và có hạt hơi giòn, ăn được. Quả sung tươi rất mỏng và dễ hỏng nên thường được phơi khô để bảo quản. Điều này tạo ra một loại trái cây sấy khô ngọt ngào và bổ dưỡng, có thể thưởng thức quanh năm. Có nhiều loại quả sung, tất cả đều khác nhau về màu sắc và kết cấu. Đặc điểm độc đáo của chúng là một lỗ nhỏ giống như nụ được gọi là ostiole ở đầu giúp quả phát triển. Vị ngọt tự nhiên của chúng có nghĩa là, trước thời của đường tinh luyện, chúng thường được sử dụng như một chất tạo ngọt.
Quả sung và lá của chúng có chứa nhiều chất dinh dưỡng và đem lại nhiều lợi ích sức khỏe tiềm năng. Chúng thúc đẩy tiêu hóa khỏe mạnh. Giảm nguy cơ mắc bệnh tim và giúp bạn kiểm soát được lượng đường trong máu.
Dưới đây là một số thông tin cơ bản về quả sung.
2. Giá trị dinh dưỡng
Quả sung tươi giàu chất dinh dưỡng trong khi tương đối ít calo, đây được coi là một sự bổ sung tuyệt vời cho một chế độ ăn lành mạnh.
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, hàm lượng dinh dưỡng trong 100 gam quả sung tươi và khô là
Quả sung tươi | Quả sung khô | |
Lượng calo | 74 kcal | 249 kcal |
Chất đạm | 0,75 g | 3,3 g |
Lipid | 0,3 g | 0,93 g |
Chất xơ | 2,9 g | 9,8 g |
Đường | 16,26 g | 47,92 g |
Canxi | 35 mg | 162 mg |
Magie | 17 mg | 68 mg |
Phốt pho | 14 mg | 67 mg |
Kali | 232 mg | 680 mg |
Vitamin C | 2 mg | 1,2 mg |
Folate (vitamin B9) | 6 mcg | 9 mcg |
Choline | 4,7 mg | 15,8 mg |
Vitamin A | 7 mcg | 0 mcg |
Beta-carotene | 85 mcg | 6 mcg |
Lutein và zeaxanthin | 9 mcg | 32 mcg |
Vitamin K | 4,7 mcg | 15,6 mcg |
Quả sung chứa một lượng đường tự nhiên, một số người lại thích ăn sung như một món ăn nhẹ hoặc bổ sung vào bữa ăn chính, ít calo. Quả sung khô có chứa nhiều đường và giàu calo, vì đường sẽ trở lên cô đặc khi quả được sấy khô.
Quả sung cũng chứa nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt là đồng và vitamin B6. Đồng là một khoáng chất quan trọng liên quan đến một số quá trình của cơ thể bạn, bao gồm quá trình trao đổi chất và sản xuất năng lượng, cũng như sự hình thành các tế bào máu, các mô liên kết và chất dẫn truyền thần kinh.
Vitamin B6 là một loại vitamin quan trọng cần thiết để giúp cơ thể bạn phá vỡ protein trong chế độ ăn uống và tạo ra các protein mới. Nó cũng đóng một vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe của não
3. Lợi ích sức khỏe của quả sung
3.1. Tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa
Quả sung từ lâu đã được sử dụng với một phương thuốc tại nhà hoặc một phương pháp điều trị thay thế cho các vấn đề tiêu hóa như táo bón.
Chúng chứa nhiều chất xơ, có thể giúp tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa bằng cách làm mềm và bổ sung lượng lớn chất xơ vào phân, giảm táo bón và đóng vai trò như một loại tiền sinh học - hoặc nguồn thức ăn cho vi khuẩn lành mạnh cư trú trong đường ruột của bạn.
Trong các nghiên cứu trên động vật, chất xơ từ quả sung giúp tăng tốc độ di chuyển của thức ăn qua đường tiêu hóa, giảm táo bón và cải thiện các triệu chứng rối loạn tiêu hóa, chẳng hạn như viêm loét đại tràng.
Một nghiên cứu với 150 người bị hội chứng ruột kích thích kèm theo táo bón (IBS-C) cho thấy những người tiêu thụ khoảng 4 quả sung khô (45 gam) hai lần mỗi ngày giảm đáng kể các triệu chứng - gồm có đau, đầy hơi và táo bón - so với đối chứng nhóm.
Hơn nữa, một nghiên cứu tương tự ở 80 người cũng cho thấy rằng việc bổ sung khoảng 300 gram bột trái vả mỗi ngày trong 8 tuần làm giảm đáng kể về tình trạng táo bón, so với nhóm đối chứng
3.2. Có thể cải thiện sức khỏe mạch máu và tim của bạn
Quả sung có thể giúp cải thiện huyết áp và lượng mỡ trong máu, giúp cải thiện sức khỏe mạch máu và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch chuyển hóa.
Một nghiên cứu cho thấy chiết xuất quả sung làm giảm huyết áp tù những con chuột có huyết áp bình thường, cũng như những con có huyết áp cao.
Các nghiên cứu trên động vật cho thấy sự cải thiện mức cholesterol toàn phần, cholesterol HDL(tốt) và chất béo trung tính khi bổ sung chiết xuất lá cây sung.
Tuy nhiên, trong một nghiên cứu kéo dài đến 5 tuần ở 83 người có cholesterol LDL (có hại) cao, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng những người bổ sung khoảng 14 quả sung khô (120gram) vào chế độ ăn uống hàng ngày không có sự thay đổi về mức độ mỡ trong máu, so với nhóm đối chứng.
Cần có thêm nhiều nghiên cứu trên người để giúp hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa quả sung và sức khỏe tim mạch.
3.3. Đặc tính chống ung thư tiềm năng
Nhiều nghiên cứu tại phòng thí nghiệm rất hứa hẹn đã cho thấy tác dụng của lá sung với các tế bào ung thư.
Lá và nhựa (mủ) từ cây sung đã được chứng minh là có hoạt tính kháng u chống lại ung thư đại trực tràng ở người, ung thư vú, ung thư cổ tử cung và những tế bào ung thư gan.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là ăn lá sung hay uống trà lá sung sẽ có tác dụng tương tự. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm rất khả quan nhưng các nghiên cứu trên người là cần thiết để đánh giá mức độ ảnh hưởng của việc ăn lá sung hoặc lá sung ảnh hưởng đến sự phát triển của ung thư .
3.4. Sức khỏe làn da
Quả sung có một số tác dụng có lợi cho da, đặc biệt là ở những người bị viêm da dị ứng hoặc da khô, ngứa do dị ứng.
Một nghiên cứu ở 45 trẻ em bị viêm da cho thấy một loại kem làm từ chiết xuất quả vả khô bôi hai lần mỗi ngày trong 2 tuần có hiệu quả điều trị các triệu chứng viêm da hơn so với kem hydrocortisone, phương pháp điều trị tiêu chuẩn
Hơn nữa, sự kết hợp của các chiết xuất từ trái cây trong đó có chiết xuất từ quả sung đã được chứng minh là có tác dụng chống oxy hóa trên tế bào da, giảm sự phân hủy collagen và cải thiện được sự xuất hiện nếp nhăn của bạn. Các nghiên cứu này được tiến hành trong phòng thí nghiệm và trên động vật
Bởi vậy, rất khó để xác định xem những tác động tích cực này đến từ chiết xuất quả sung hay một trong những chiết xuất khác đang được nghiên cứu. Cần nhiều nghiên cứu hơn để xác định về tác dụng của quả sung đối với sức khỏe làn da.
Một tác dụng khác của quả sung là phương pháp áp lạnh đối với các mụn cóc thông thường được công bố trên Tạp chí Da liễu Quốc tế. Trong nghiên cứu, 25 người tham gia bị mụn cóc thông thường ở cả hai bên cơ thể của họ bôi mủ cây sung ở một bên và bên đối diện các bác sĩ đã sử dụng phương pháp áp lạnh.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, trong 44% số người tham gia, mủ cây sung đã giải quyết hoàn toàn mụn cóc. Tuy nhiên, liệu pháp áp lạnh có hiệu quả hơn, dẫn đến sự đảo ngược hoàn toàn ở 56% số người tham gia
Các nhà nghiên cứu vẫn chưa hiểu tại sao là quả sung có thể giúp giải quyết mụn cóc, nhưng mủ cây sung có thể cung cấp một phương pháp điều trị an toàn và dễ sử dụng mà ít gây ra hoặc không có tác dụng phụ nào.
3.5. Giúp kiểm soát đường huyết
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gợi ý rằng mọi người có thể sử dụng các cây trồng truyền thống để giúp điều trị bệnh tiểu đường. Trong số đó, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận tác dụng bảo vệ gan và giảm glucose của quả sung.
Nghiên cứu về chủ đề này còn rất hạn chế. Tuy nhiên, một nghiên cứu nhỏ từ năm 1998 cho thấy ở 8 người tham gia, lượng đường sau bữa ăn đã giảm khi họ dùng chất chiết xuất từ lá sung. Những người tham gia nghiên cứu cũng cần một liều lượng insulin thấp hơn khi họ bổ sung chiết xuất từ lá sung.
Trong một nghiên cứu sử dụng chuột mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 , các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng chiết xuất lá sung có thể cải thiện mức insulin và giảm lượng đường trong máu.
Trong một nghiên cứu khác trên những con chuột mắc bệnh tiểu đường, các nhà nghiên cứu tiết lộ rằng chiết xuất từ lá sung có thể ngăn chặn hoặc làm chậm quá trình sản xuất glucose có trong gan của bạn.
3.6. Sức khỏe tóc
Rất ít nghiên cứu đã xem xét về mối liên hệ giữa quả sung và sức khỏe của tóc. Tuy nhiên, quả sung rất giàu sắt – một khoáng chất quan trọng để giúp duy trì một mái tóc khỏe mạnh.
Nhưng trước khi bạn sử dụng quả sung hoặc chiết xuất của quả sung cho sức khỏe mái tóc của bạn, thì bạn nên tham khảo bác sĩ để đảm bảo rằng nó an toàn với bạn.
3.7. Tác dụng hạ sốt
Cần có thêm nhiều nghiên cứu để kiểm tra tác dụng của quả sung đối với cơn sốt . Tuy nhiên, một nghiên cứu trên chuột cho thấy một liều chiết xuất rượu sung làm giảm nhiệt độ cơ thể duy trì được trong 5 giờ.
Tuy nhiên, các nghiên cứu sâu hơn là cần thiết để xác nhận những phát hiện này, vì các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể giải thích tác dụng hạ nhiệt độ cơ thể của quả sung.
4. Những rủi ro có thể gặp phải khi bạn sử dụng quả sung
4.1. Tương tác với thuốc
Cả quả sung tươi và khô đều chứa hàm lượng vitamin K cao. Những người dùng thuốc làm loãng máu như warfarin cần phải giữ mức vitamin K trong chế độ ăn uống của họ phù hợp, vì vậy họ có thể muốn tránh ăn sung.
4.2. Triệu chứng về tiêu hóa
Vì quả sung có hàm lượng chất xơ cao, nên ăn quá nhiều quả sung đặc biệt là quả sung khô có thể gây tiêu chảy.
4.3. Dị ứng
Một số người bị dị ứng với quả sung.
Các nhà nghiên cứu ở Vienna phát hiện ra rằng tỷ lệ cao những người dị ứng với phấn hoa bạch dương có kết quả xét nghiệm dị ứng da dương tính với quả sung tươi.
Cụ thể, mặc dù 78% những người tham gia bị dị ứng phấn hoa bạch dương có kết quả kiểm tra da dương tính với quả sung tươi, nhưng hầu hết quả sung khô đều dung nạp được.
5. Thêm sung vào chế độ ăn của bạn
Tùy vào sở thích và hoàn cảnh của bạn mà bạn có thể lựa chọn loại quả sung nào cho phù hợp.
- Quả sung khô chứa nhiều calo, đường, chất xơ, vitamin và khoáng chất hơn quả sung tươi. Có thể điều trị táo bón hiệu quả.
- Quả sung tươi có nhiều vitamin C, vitamin A và beta-carotene. Sung tươi có hàm lượng calo thấp và là món ăn nhẹ tuyệt vời, bằng cách thêm nó vào món salad hay món ăn nhẹ tráng miệng.
- Lá sung: Ở Việt Nam, lá sung được dùng chung với các món nem để khiến chúng đỡ ngán hơn đồng thời tăng thêm hương vị của món ăn, còn ở nước ngoài chúng thường được sử dụng để cuốn chung với thịt.
Bạn có thể thưởng thức quả sung theo nhiều cách khác nhau, nhưng do hàm lượng đường cao, nên bạn chỉ nên ăn quả sung khô ở mức độ vừa phải hoặc sử dụng chúng như một phương pháp điều trị táo bón ở nhà.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com, medicalnewstoday.com