Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hải Hà - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Hiện nay, thay vì đưa trẻ đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế được cấp phép tiêm chủng, không ít người chọn hình thức tiêm vắc-xin cho con ở nhà bằng cách gọi người đến nhà để tiêm. Với suy nghĩ tự tiêm ở nhà an toàn, sạch sẽ hơn, tránh lây nhiễm bệnh từ trẻ khác nhiều ông bố bà mẹ đang tự đẩy con mình đối diện với mối nguy hại lớn về sức khoẻ.
Bác sĩ Nguyễn Hải Hà, Phụ trách Trung tâm Vắc-xin, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City – Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec khuyến cáo bố mẹ không nên chọn tiêm chủng vắc-xin tại nhà cho con, bởi "việc làm này ẩn chứa rất nhiều nguy cơ không an toàn cho sức khỏe của trẻ".
3 nguy cơ khi đối với dịch vụ tiêm vắc-xin tại nhà
Vắc-xin không đảm bảo chất lượng : Vắc-xin chỉ đảm bảo chất lượng khi được bảo quản theo dây chuyền lạnh, trong tủ lạnh chuyên dụng, luôn duy trì nhiệt độ từ 2 – 8°C. Vắc-xin dịch vụ được đưa vào thùng đá để mang đến tận nhà. Như thế, nhiệt độ bảo quản vắc-xin có thể bị thay đổi, thấp hơn 2°C khi đá mới cho vào thùng và lớn hơn 8°C khi đá để lâu, đã tan chảy hết hoặc khi thời tiết quá nóng vào mùa hè. Khi nhiệt độ thay đổi, chất lượng vắc-xin sẽ không đảm bảo, ảnh hưởng đến khả năng sinh kháng thể và hiệu quả phòng bệnh, đồng thời tăng nguy cơ tai biến khi tiêm.
Không được thăm khám sức khỏe theo đúng quy trình: Theo quy định về an toàn tiêm chủng thì cần khám sàng lọc cho mọi đối tượng trước khi tiêm chủng để đảm bảo đủ điều kiện tiêm chủng. Người đến tiêm tại nhà có thể không đủ năng lực thăm khám và thẩm quyền kết luận về tình trạng sức khỏe của trẻ trước khi tiêm chủng. Nếu trẻ không đảm bảo sức khỏe mà vẫn tiêm thì nguy cơ tai biến là hoàn toàn có thể xảy ra.
Không đủ phương tiện và năng lực cấp cứu nếu xảy ra sốc phản vệ: Mặc dù tỷ lệ sốc phản vệ sau tiêm chủng là rất hiếm, khoảng 1/1.000.000 liều, nhưng không ai có thể chắc chắn không xảy ra, đặc biệt khi quy trình tiêm chủng không được tuân thủ đầy đủ. Hơn nữa, tại gia đình, rất khó có đủ các phương tiện y tế và người tiêm cũng khó đảm bảo chuyên môn xử trí để cấp cứu cho trẻ nếu xảy ra sốc phản vệ tại nhà. Cấp cứu muộn là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến tử vong cho trẻ.
Dấu hiệu nhận biết có hiện tượng phản vệ sau tiêm chủng của trẻ
Phản ứng sau tiêm chủng xảy ra với những trẻ có cơ địa mẫn cảm, thể tạng dị ứng, phản ứng quá mức hoặc trẻ không đủ khỏe mà vẫn tiêm. Phản vệ sau tiêm chủng được chia ra làm 4 mức độ:
- Nhẹ: Chỉ có các triệu chứng da, tổ chức dưới da và niêm mạc (mày đay, ngứa, phù mạch).
- Nặng: có từ 2 biểu hiện ở nhiều cơ quan:
- Mày đay, phù mạch xuất hiện nhanh.
- Khó thở nhanh nông, tức ngực, khàn tiếng, chảy nước mũi.
- Đau bụng, nôn, ỉa chảy.
- Huyết áp chưa tụt hoặc tăng, nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp..
- Nguy kịch: ở nhiều cơ quan với:
- Đường thở: tiếng rít thanh quản, phù thanh quản.
- Thở: thở nhanh, khò khè, tím tái, rối loạn nhịp thở.
- Rối loạn ý thức: vật vã, hôn mê, co giật, rối loạn cơ tròn.
- Tuần hoàn: sốc, mạch nhanh nhỏ, tụt huyết áp.
- Ngừng tuần hoàn: Biểu hiện ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn
- Cần theo dõi sát trẻ để phát hiện sớm các dấu hiệu nghi ngờ phản vệ như:
- Mày đay, phù mạch nhanh.
- Khó thở, tức ngực, thở rít.
- Đau bụng hoặc nôn.
- Tụt huyết áp hoặc ngất.
- Rối loạn ý thức.
Khi nào không nên đưa trẻ đi tiêm chủng?
- Trẻ cần được tạm hoãn tiêm chủng nếu đang sốt, mắc các bệnh cấp tính, đặc biệt là bệnh nhiễm trùng. Trẻ đang suy chức năng các cơ quan (suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy gan...) sẽ tiêm chủng khi trẻ ổn định
- Trẻ mắc các bệnh tim bẩm sinh hoặc mạn tính kèm theo tăng áp lực động mạch phổi (≥40mmHg).
- Trẻ vừa điều trị IVIG cần hoãn tiêm chủng tối thiểu 3 tháng (trừ huyết thanh kháng viêm gan B); Trẻ đang hoặc mới kết thúc điều trị corticoid (uống, tiêm) liều cao (tương đương prednison ≥2mg/kg/ngày), hóa trị, xạ trị cần hoãn tiêm vắc-xin sống giảm độc lực (vắc-xin BCG, sởi, sởi –quai bị - rubella, thủy đậu, viêm não Nhật bản Imojev...) trong vòng 14 ngày.
- Trẻ đẻ non có tuổi <28 tuần (tính cả tuổi thai), mẹ không bị nhiễm virus viêm gan B cần hoãn tiêm vắc-xin phòng viêm gan B đến 28-34 tuần và hoãn vắc-xin BCG phòng lao đến 34 tuần (tính cả tuổi thai). Trường hợp mẹ bị nhiễm viêm gan B thì trẻ cần được tiêm vắc-xin và huyết thanh kháng viêm gan B ngay sau sinh, nên tiêm trong vòng 24h sau sinh, nhất là 12 giờ sau sinh.
Hạn chế tai biến sau tiêm chủng cho trẻ
- Tuyệt đối không sử dụng dịch vụ tiêm tại nhà. Hãy cho con tiêm chủng tại các cơ sở y tế đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện tiêm chủng.
- Trẻ cần được khám sàng lọc trước khi tiêm chủng.
- Trẻ được tiêm chủng phải đảm bảo sức khỏe, đủ điều kiện sử dụng vắc-xin.
- Cha mẹ cần cho trẻ ở lại cơ sở tiêm chủng tối thiểu 30 phút để theo dõi phản ứng sau tiêm. Sau đó tiếp tục theo dõi tại nhà 24 – 48 giờ để phát hiện các dấu hiệu bất thường. Nếu trẻ sốt nhẹ có thể chườm ấm (nhiệt độ nước chườm thấp hơn nhiệt độ cơ thể 1-20 C) và dùng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ nếu trẻ sốt ≥ 38.50 C.
- Đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất nếu có biểu hiện: sốt cao trên 390 C, dùng thuốc hạ sốt không đỡ, trẻ co giật, khóc thét, li bì, khó thở, tím tái, mệt lả, bỏ bú, bú kém... hoặc phản ứng thông thường nhưng kéo dài hơn 2 ngày.
- Không đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm như chanh, khoai tây thái lát theo lời truyền miệng vì có thể khiến trẻ nhiễm trùng, áp-xe tại vị trí tiêm.
Đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ là việc làm hết sức cần thiết của các bậc cha mẹ có con nhỏ. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cung cấp cho quý khách hàng chương trình tiêm chủng trọn gói từ trẻ em đến người lớn với đầy đủ quyền lợi và dịch vụ kèm theo.
- Vinmec sử dụng nguồn vắc-xin chất lượng cao, có xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn từ khâu kiểm nhập, bảo quản đến khi sử dụng;
- Vinmec bảo quản vắc-xin bằng dây chuyền bảo quản lạnh (Cold chain) đạt tiêu chuẩn GSP với hệ thống kho lạnh hiện đại, cho phép các loại vắc-xin luôn được bảo quản trong điều kiện tốt
- Đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng nhi giàu kinh nghiệm, có thể tư vấn và xử lý các tình huống tiêm chủng phức tạp;
- Quy trình chặt chẽ: Trước khi tiêm phòng, tất cả trẻ được khám sàng lọc trước tiêm với các bác sĩ chuyên khoa nhi - vắc-xin để giúp trẻ đảm bảo sức khỏe tốt khi tiêm chủng. Bác sĩ sẽ tư vấn cho gia đình các loại vắc-xin phòng bệnh tốt, phù hợp với từng lứa tuổi theo khuyến cáo mới nhất của Bộ Y tế & Tổ chức Y tế Thế giới cũng như cách theo dõi phản ứng sau tiêm vắc-xin;
- Với lợi thế đa chuyên khoa, Vinmec có thể theo dõi và xử trí hiệu quả các vấn đề sau tiêm chủng (nếu có);
- Cơ sở vật chất hiện đại: Phòng theo dõi sau tiêm chủng được trang bị đầy đủ các phương tiện cấp cứu; Đội ngũ bác sĩ - điều dưỡng được đào tạo về xử trí cấp cứu phản vệ nhằm đảm bảo xử lý kịp thời, đúng phác đồ khi có sự cố xảy ra. Phòng tiêm chủng thoáng mát, giúp trẻ có cảm giác thoải mái và có tâm lý tốt trước và sau khi tiêm chủng.
Để được tư vấn chi tiết về các chương trình tiêm chủng tại Vinmec, khách hàng vui lòng đặt hẹn trên website để được phục vụ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.