“Ngộ độc thực phẩm nên ăn gì?” đang là câu hỏi của rất nhiều người bệnh. Khi bị ngộ độc thực phẩm, cơ thể của người bệnh trở nên rất mệt mỏi và mất sức. Vì thế, để sức khoẻ được hồi phục nhanh và không ảnh hưởng đến hệ tiêu hoá, người bệnh cần phải chú ý đến những loại thực phẩm tốt cho tình trạng của bản thân. Vậy, sau khi bị ngộ độc thực phẩm nên ăn gì là tốt nhất?
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Viễn Phương, chuyên ngành Nội soi tiêu hóa , tại Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
1. Khi bị ngộ độc thực phẩm nên ăn gì và làm gì?
Ngộ độc thực phẩm thường xảy ra khi thức ăn hoặc nước uống bị nhiễm các tác nhân gây bệnh, hay còn gọi là mầm bệnh. Đây cũng là một tình trạng khá phổ biến ở thời điểm hiện tại.
Sau khi bị ngộ độc thực phẩm, việc đầu tiên mà bệnh nhân cần làm là để dạ dày được nghỉ ngơi và ổn định. Khi xuất hiện các triệu chứng như nôn mửa, tiêu chảy hay đau bụng, các chuyên gia khuyên rằng bệnh nhân nên tạm thời ngưng ăn uống trong vài giờ để dạ dày có thời gian hồi phục. Ngoài ra, bệnh nhân cần phải chú ý một vài điều sau:
1.1 Giữ đủ nước cho cơ thể
Việc bổ sung chất lỏng là yếu tố quan trọng giúp cơ thể chống lại các ảnh hưởng của tình trạng ngộ độc do thực phẩm. Nôn mửa và tiêu chảy có thể dẫn đến mất nước, vì vậy việc ngậm đá bào hoặc uống từng ngụm nước nhỏ là những việc nên được thực hiện đầu tiên.
Ngoài ra, các loại nước uống thể thao chứa chất điện giải cũng có thể giúp ngăn ngừa mất nước trong giai đoạn phục hồi. Các loại chất lỏng được khuyến nghị bao gồm:
- Các loại nước ngọt không chứa caffeine như Sprite, 7UP hoặc bia gừng.
- Các loại trà không chứa caffeine.
- Nước luộc gà hoặc nước luộc rau.
- Những thức ăn nhẹ nhàng cho dạ dày.
Khi cảm thấy rằng mình có thể ăn, người bệnh hãy chọn các thực phẩm nhẹ nhàng, dễ tiêu hoá. Các thực phẩm này sẽ không gây áp lực lên dạ dày của người bệnh. Những thực phẩm ít chất béo, ít chất xơ thường được khuyên dùng vì chất béo có thể làm dạ dày khó tiêu hóa hơn, đặc biệt khi cơ thể đang trong tình trạng khó chịu. Khi không biết bị ngộ độc thực phẩm nên ăn gì, người bệnh có thể tham khảo một số loại như sau:
- Chuối.
- Ngũ cốc.
- Lòng trắng trứng.
- Mật ong.
- Cháo yến mạch.
- Bơ đậu phộng.
- Khoai tây (có thể là khoai tây nghiền).
- Cơm.
- Nước muối.
- Bánh mì nướng.
- Nước sốt táo.
Dưới đây là một số lưu ý về thực phẩm mà người bệnh nên tiêu thụ:
- Đồ ăn nhạt: Các món ăn nhạt, nhẹ nhàng sẽ giúp xoa dịu đường ruột của người bệnh.
- Đồ uống chứa pedialyte: Người bệnh có thể bổ sung các đồ uống chứa pedialyte để tránh mất nước.
- Trà: Một số loại trà như trà bạc hà, trà hoa cúc hoặc trà gừng có thể xoa dịu dạ dày rất tốt.

1.2 Thử áp dụng các biện pháp tự nhiên
Trong quá trình bị ngộ độc do thực phẩm, cơ thể cần thực hiện các phản ứng tự nhiên để làm sạch và thanh lọc hệ tiêu hóa, loại bỏ vi khuẩn có hại. Do đó, việc sử dụng thuốc tiêu chảy không kê đơn (OTC) thường không được bác sĩ khuyến nghị để điều trị tình trạng này.
Trong giai đoạn triệu chứng đạt đỉnh, bệnh nhân có thể sử dụng trà gừng để giúp làm dịu dạ dày. Gừng được biết đến với tác dụng giảm buồn nôn và giúp xoa dịu dạ dày. Sau khi tình trạng sức khỏe đã được cải thiện, việc bổ sung các vi khuẩn có lợi cho đường ruột là rất quan trọng.
Nếu bệnh nhân không biết sau khi bị ngộ độc thực phẩm nên ăn gì, người bệnh có thể dùng viên nang probiotic hoặc sữa chua tự nhiên để cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột. Sử dụng trong ít nhất 2 tuần để có được kết quả tốt nhất.
Điều này sẽ giúp khôi phục sự cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, vốn đã bị mất đi trong quá trình thanh lọc cơ thể. Đồng thời, các thực phẩm này cũng hỗ trợ hệ tiêu hoá và hệ miễn dịch quay trở lại trạng thái bình thường.
1.3 Một số mẹo khác
Bệnh nhân khi mắc ngộ độc do thực phẩm nên tránh đánh răng sau khi nôn. Lúc này, axit dạ dày bị tống ra ngoài bằng đường miệng sẽ dễ khiến axit làm hỏng men răng của bệnh nhân, đánh răng ngay lúc này có thể khiến men răng mòn thêm. Thay vào đó, hãy súc miệng bằng hỗn hợp nước và muối nở.
Tắm cũng là một phương pháp giúp làm sạch cơ thể khỏi vi khuẩn có hại. Bệnh nhân cũng nên nghỉ ngơi nhiều để cơ thể có thể khôi phục nhanh chóng.
2. Bị ngộ độc thực phẩm không nên ăn gì?
Ngoài tìm hiểu bị ngộ độc thực phẩm nên ăn gì, bệnh nhân cũng cần ưu tiên tránh xa các thực phẩm gây ra ngộ độc. Loại bỏ ngay các thực phẩm nghi ngờ bị nhiễm bẩn và bỏ vào thùng rác kín để ngăn ngừa thú cưng tiếp cận. Bệnh nhân nên tránh các thực phẩm, đồ uống và chất có thể gây kích ứng dạ dày như:
- Rượu.
- Thực phẩm chứa caffeine: Soda, nước tăng lực, nước ngọt hoặc cà phê.
- Thức ăn cay.
- Thực phẩm giàu chất xơ.
- Sản phẩm từ sữa.
- Thức ăn nhiều chất béo.
- Đồ chiên.
- Nước ép trái cây.
Ngoài ra, bệnh nhân nên tránh sử dụng thuốc tiêu chảy không kê đơn. Hãy tuân thủ các lời khuyên này và bệnh nhân có thể thấy tình trạng của mình cải thiện nhanh chóng.

3. Nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm
Có năm nguyên nhân chính gây ra tình trạng này, bao gồm:
- Norovirus: Thường xuất hiện trong các loại thực phẩm như hàu, trái cây và rau sống.
- Salmonella: Thường hiện diện trong trứng, thịt và các sản phẩm từ sữa.
- Clostridium perfringens: Thường được tìm thấy trong thịt và gia cầm.
- Campylobacter: Chủ yếu có trong thịt chưa được nấu chín và nước bị nhiễm bẩn.
- Staphylococcus: Thường có mặt trong các sản phẩm từ động vật như kem, trứng, sữa.
Trong số 5 nguyên nhân này, salmonella và norovirus là nguyên nhân chính gây ngộ độc thực phẩm. Tuy vậy, vẫn có những tác nhân khác gây ra tình trạng này như:
- Vi khuẩn.
- Ký sinh trùng.
- Chất độc.
- Các chất gây ô nhiễm.
- Chất gây dị ứng.
Bên cạnh đó, thịt chưa được nấu chín kỹ và thực phẩm chế biến không đúng cách cũng là những nguyên nhân phổ biến khác. Để giảm nguy cơ ngộ độc, người bệnh cần rửa tay và dụng cụ và đĩa giữa các giai đoạn thực phẩm sống và đã chế biến chín.
Một số triệu chứng thường gặp của tình trạng ngộ độc do thực phẩm bao gồm:
- Khó chịu ở bụng.
- Nôn mửa.
- Tiêu chảy.
Các triệu chứng này thường giảm dần sau khoảng 48 giờ. Đối với những bệnh nhân từng bị mất nước, bệnh tim mạch, tắc mạch hoặc các vấn đề về sức khỏe khác, cần nhanh chóng cấp cứu y tế và đảm bảo uống đủ nước.
Những triệu chứng nghiêm trọng hơn của ngộ độc do thực phẩm bao gồm có máu trong phân, đau quặn bụng dữ dội, nhìn mờ và tiêu chảy kéo dài hơn 3 ngày. Những dấu hiệu này cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.
4. Ai dễ gặp biến chứng khi ngộ độc thực phẩm hơn?
4.1 Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Ngộ độc thực phẩm khá phổ biến ở mọi lứa tuổi và là một tình trạng khá đáng lo ngại. Tuy nhiên đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi rất dễ mắc phải tình trạng này. Tình trạng ngộ độc thịt ở trẻ rất hiếm gặp, tuy nhiên có thể gây bại liệt hoặc tử vong nếu không được phát hiện sớm.
Không chỉ vậy, trẻ cũng rất dễ có các phản ứng nghiêm trọng với vi khuẩn E.coli. Bất kỳ trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ nào bị ngộ độc thực phẩm đều cần phải được khám bởi các chuyên gia y tế nhằm loại bỏ tình trạng ngộ độc và mất nước ở trẻ. Trẻ nhỏ cũng dễ bị mất nước hơn người lớn, vì thế cần phải theo dõi chặt chẽ, vấn đề cần quan tâm không chỉ riêng việc trẻ bị ngộ độc thực phẩm nên ăn gì, mà còn là sức khoẻ tổng thể của trẻ.
4.2 Phụ nữ mang thai
Khi bà bầu bị ngộ độc do thực phẩm, việc điều trị cũng phải được tiến hành rất thận trọng. Ngộ độc do vi khuẩn Listeria đã được chứng minh là gây ra các tác hại cho sự phát triển của thai nhi.
Vì thế, việc lập ra danh sách ngộ độc thực phẩm nên ăn gì đối với thai phụ là điều rất cần thiết. Điều này sẽ giúp thai nhi phát triển một cách an toàn nhất trong thời kỳ này. Do vậy, bất kỳ dấu hiệu nào của ngộ độc do thực phẩm ở thai phụ cũng cần phải được chẩn đoán bởi các chuyên gia y tế.

4.3 Người cao tuổi
Người cao tuổi cũng rất dễ dàng mắc phải biến chứng do ngộ độc thực phẩm gây ra. Đặc biệt, một vài chủng vi khuẩn E.Coli có thể gây xuất huyết và suy thận. Do đó, người trên 60 tuổi nếu xuất hiện các triệu chứng của bệnh, hãy liên hệ với các bác sĩ ngay lập tức để được tư vấn kịp thời.
4.4 Những người bị bệnh mãn tính
Những người mắc các bệnh mạn tính như HIV, bệnh gan hoặc tiểu đường có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng nghiêm trọng hơn từ tình trạng ngộ độc này.
Tương tự, những người bệnh đang điều trị bằng các liệu pháp ức chế hệ miễn dịch, chẳng hạn như hóa trị cũng đối mặt với khả năng dễ gặp biến chứng hơn.
5. Khi nào cần gặp bác sĩ?
Các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm thường không kéo dài quá 48 giờ. Nếu đã qua 2 ngày kể từ khi triệu chứng đầu tiên xuất hiện, bệnh nhân nên tìm sự tư vấn từ chuyên gia y tế.

Cần lưu ý rằng các triệu chứng nghiêm trọng như phân có máu, chóng mặt, yếu cơ và đau bụng dữ dội phải được xử lý ngay lập tức. Mọi người không nên chờ đợi những triệu chứng này tự thuyên giảm mà hãy đến gặp bác sĩ.
Để phòng tránh, bệnh nhân nên ăn chín uống sôi, chọn thực phẩm tươi sống, có nguồn gốc rõ ràng. Khi ăn ngoài, mọi người cần lựa chọn những địa điểm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và có không gian sạch sẽ.
Hiện tại, chuyên khoa Nội tiêu hóa của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã phát triển thành thạo các kỹ thuật nội soi tiêu hóa để phục vụ chẩn đoán, can thiệp cấp cứu và điều trị kịp thời cho các trường hợp ngộ độc do thực phẩm. Quá trình thăm khám tại Bệnh viện được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao và nhiều năm kinh nghiệm.
Mọi dịch vụ khám, tư vấn và điều trị tại bệnh viện đều tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế, mang đến sự an tâm tuyệt đối cho khách hàng khi chọn thăm khám tại đây.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Tài liệu tham khảo
- Foodborne germs and illnesses. (2019).
- Lete I, et al. (2016). The effectiveness of ginger in the prevention of nausea and vomiting during pregnancy and chemotherapy. DOI:
- Mayo Clinic Staff. (2017). Food poisoning.
- What you need to know about foodborne illnesses. (2018).