Ho gà là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp rất dễ lây lan. Hầu hết ở mọi người, nó được đánh dấu bằng cơn ho dữ dội và có hơi thở gấp gáp nghe như “tiếng kêu”. Trước khi vắc-xin ho gà được tìm ra thì bệnh này được coi là bệnh thời thơ ấu. Người đầu tiên tìm ra vắc-xin phòng bệnh ho gà là bác sĩ nhi khoa Leila Denmark.
Tuy nhiên, những năm sau đó Pearl Kendrick và Grace Eldering cũng đã phát triển và thực hiện nghiên cứu với quy mô lớn về loại vắc-xin kết hợp bạch hầu, ho gà và uốn ván. Ngày nay, loại vắc-xin này đều được Tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ khuyến cáo tiêm chủng.
1. Bệnh ho gà là gì?
Ho gà là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp nghiêm trọng được gây ra do vi khuẩn Bordetella pertussis bởi những người nhiễm bệnh thông qua ho hoặc hắt hơi. Nhiễm trùng này gây ra những cơn ho dữ dội, không kiểm soát được có thể gây khó thở cho người bệnh. Mặc dù, ho gà có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi, nhưng nó có thể gây tử vong cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Khi bị nhiễm bệnh ho gà, phải mất khoảng bảy đến mười ngày để xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng hoặc có thể lâu hơn nữa. Ban đầu là những triệu chứng nhẹ giống như cảm lạnh: sổ mũi, nghẹt mũi, mắt đỏ, ho và sốt. Sau một hoặc hai tuần, các dấu hiệu và triệu chứng bắt đầu trở nên xấu hơn. Lúc này, các chất nhầy dày tích tụ bên trong đường thở gây ra ho không kiểm soát. Các cơn ho nặng và kéo dài kèm theo nôn. Ở thanh thiếu niên hay người lớn thì dấu hiệu duy nhất của bệnh là ho dai dẳng. Còn với trẻ sơ sinh thì có thể không có dấu hiệu ho nhưng trẻ thường vật lộn để thở hoặc thậm chí tạm thời ngừng thở.
Ho gà không gây ra biến chứng nghiêm trọng nào cho thanh thiếu niên hoặc người lớn. Đôi khi chỉ là tác dụng phụ của ho khan như: xương sườn bầm tím, thoát vị bụng, các mạch máu bị vỡ trong da... Tuy nhiên, với trẻ sơ sinh đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi thì các biến chứng do bệnh ho gà có thể nghiêm trọng như: viêm phổi, thở chậm hoặc ngừng thở, mất nước, sụt cân, co giật hoặc có thể tổn thương não.
2. Vắc-xin ho gà được tìm ra như thế nào?
Năm 1932, một đợt bùng phát bệnh ho gà đã tấn công Atlanta, Georgia. Điều này đã khiến bác sĩ nhi khoa Leila Denmark (Leila Alice Denmark) bắt đầu nghiên cứu về căn bệnh này. Trong sáu năm tiếp theo, nghiên cứu của cô đã được công bố trên tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ. Cùng với sự hợp tác của đại học Emory và công ty Eli Lilly, cô đã phát triển ra vắc-xin ho gà đầu tiên. vắc-xin của cô bao gồm toàn bộ tế bào đã giết chết vi khuẩn Bordetella pertussis.
Năm 1942, các nhà khoa học Mỹ Grace Eldering, Loney Gordon và Pearl Kendrick đã kết hợp vắc-xin ho gà toàn tế bào với bệnh bạch hầu và uốn ván để tạo ra vắc-xin kết hợp DTaP đầu tiên. Tiếp sau đó, để giảm thiểu các tác dụng phụ thường gặp do thành phần của vắc-xin ho gà gây ra, nhà khoa học Nhật Bản Yuji Sato đã phát triển ra một loại vắc-xin ho gà không bào và được sử dụng ở Nhật bản từ năm 1981.
Vắc-xin ho gà có hai loại chính là vắc-xin ho gà toàn bào và vắc-xin ho gà vô bào. Vắc-xin toàn tế bào có hiệu quả khoảng 78% trong khi vắc-xin vô bào có hiệu quả từ 71-85%. Hiệu quả của vắc-xin ho gà toàn tế bào dường như đều giảm từ 2-10% mỗi năm sau khi tiêm và giảm nhanh hơn so với vắc-xin ho gà vô bào. Do đó, các vắc-xin ho gà không bào được sử dụng phổ biến hơn ở các nước phát triển do ít tác dụng phụ (có thể sưng cánh tay trong một thời gian ngắn), còn với vắc-xin toàn tế bào có khoảng 10-50% người tiêm bị đỏ da tại chỗ tiêm hoặc sốt.
Tiêm chủng vắc-xin nói chung và tiêm vắc-xin phòng ho gà nói riêng là hoạt động kích hoạt bộ nhớ của hệ thống miễn dịch mà không gây bệnh cho người tiêm. Bởi vì, khi cơ thể tiếp xúc với nhiễm trùng, hệ thống miễn dịch sẽ nhớ lại các vi khuẩn đã đồng thời kích hoạt một loạt phản ứng vô hiệu hoá và hạn chế tác hại của chúng.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện đang cung cấp Chương trình tiêm chủng trọn gói với nhiều loại vắc-xin đa dạng cho các đối tượng khác nhau, từ trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người lớn, phụ nữ trước và trong khi mang thai.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: mayoclinic.org