Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Võ Khắc Khôi Nguyên - Bác sĩ chấn thương chỉnh hình, Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Chuột rút là một rối loạn cơ xương đặc trưng bởi cơn đau đột ngột xuất hiện, đau liên tục, co thắt không chủ ý của bắp chân, gân cơ kheo hoặc cơ bụng chân. Chuột rút xảy ra về đêm gây ra rối loạn giấc ngủ, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Các triệu chứng chuột rút và tỷ lệ mắc tăng dần theo độ tuổi.
1. Chuột rút - Bệnh phổ biến không của riêng ai?
Một cuộc điều tra dịch tễ học cấp độ dân số quy mô lớn cho thấy: 30% người trưởng thành bị chuột rút ít nhất 5 lần mỗi tháng, trong số đó có 6% người bị ít nhất 15 lần mỗi tháng. Điều này cho thấy chuột rút là một vấn đề y tế phổ biến trong cộng đồng, nhưng dễ bị bỏ qua.
Chuột rút cơ bắp có thể xảy ra bất cứ lúc nào suốt ngày hay đêm. Chuột rút ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi, song hiện tượng này không phổ biến ở trẻ em < 8 tuổi. Các cơn đau co cơ thường xảy ra ở chân, đặc biệt là cơ bắp chân.
Hầu hết các trường hợp chuột rút tự khỏi trong vòng 10 phút nhưng có khi kéo dài đến một giờ. Trong hầu hết các trường hợp, chuột rút xảy ra bất thình lình, thường xuất hiện và biến mất một cách tự nhiên, đôi khi không cần đến phương pháp điều trị đặc hiệu.
2. Ai dễ bị chuột rút?
Không có sự thống nhất giữa các nhà khoa học về căn nguyên gây ra chuột rút. Nhưng đối tượng bị chuột rút thì đủ mọi độ tuổi, dù là cơ địa khỏe mạnh hay có bệnh lý đi kèm.
Cho đến nay, mọi lý giải về nguyên nhân chuột rút chỉ là giả thuyết. Các nguyên nhân giả thuyết này rất đa dạng và đôi khi chuột rút là vô căn. Có nhiều rối loạn sinh lý bệnh tiềm ẩn gây ra chuột rút như hạ canxi máu, hạ kali máu, đái tháo đường, suy giáp, suy thận, rối loạn chức năng gan, suy động mạch, giãn tĩnh mạch và bệnh thần kinh. Chuột rút cơ bắp đã được báo cáo có liên quan đến nhiều rối loạn chuyển hóa và rối loạn điện giải.
Đặc biệt, chúng xảy ra ở khoảng hai phần ba bệnh nhân đái tháo đường, nhất là người mắc đái tháo đường type 2 và liên quan đến biến chứng thần kinh do tiểu đường.
Một nghiên cứu về nhân khẩu học được thực hiện trên người đái tháo đường ở Canada cho thấy, 75,5% bệnh nhân đái tháo đường týp 2 và 57,5% bệnh nhân đái tháo đường týp 1 bị chuột rút cơ bắp. Chuột rút cũng xảy ra ở khoảng một nửa số người mắc bệnh thận mạn.
Chuột rút xảy ra trong khi tập thể dục là vấn đề thường thấy ở người chơi thể thao nghiệp dư lẫn vận động viên chuyên nghiệp. Các cơn đau này xảy ra trong hoặc ngay sau khi tập thể dục, phổ biến ở các vận động viên tập các môn liên quan sức bền.
Có thống kê cho thấy 95% sinh viên giáo dục thể chất đã từng bị chuột rút khi tập luyện. Tập thể dục trong điều kiện nóng và ẩm làm trầm trọng thêm tình trạng mất nước và chất điện giải, do đó tạo điều kiện cho chuột rút.
Khách hàng có thể tham khảo thêm:
Chuột rút cũng khá phổ biến trong một số điều kiện sinh lý bình thường như mang thai và ở người cao tuổi không có bệnh đồng mắc. Khoảng 50% phụ nữ mang thai đã từng bị chuột rút. Phụ nữ mang thai thường bị chuột rút vào 3 tháng cuối thai kỳ và thường bị về đêm. Các bà mẹ cũng cần hiểu rằng chuột rút khi mang thai không liên quan đến các vấn đề tăng trưởng của thai nhi.
Chuột rút xảy ra phổ biến ở người lớn tuổi. Người lớn tuổi thường có sức khỏe tổng thể kém và nhiều bệnh nội khoa, đây chính là các yếu tố nguy cơ gây nên chuột rút. Người già mắc các bệnh lý nội khoa liên quan đến chuột rút là suy gan, suy thận mạn tính (chạy thận nhân tạo), bệnh lý tim, mạch máu, thiếu magie hoặc canxi, mất nước và giãn tĩnh mạch. Có ý kiến cho rằng chiều dài cơ bị rút ngắn ở những người già ít hoạt động thể chất là một yếu tố thúc đẩy bị chuột rút.
Tóm lại, chuột rút cơ bắp là một cơn co cơ không tự ý. Nó chỉ xảy ra tạm thời nhưng dữ dội và đau đớn, Chuột rút có thể xuất hiện trong nhiều tình huống khác nhau, ở nhiều đối tượng khác nhau.
Mặc dù cho đến nay, nguyên nhân và cách chữa cho chứng chuột vẫn còn nhiều bàn luận, nhưng đây là vấn đề y tế phổ biến có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.