Ai có thể bị dị ứng đậu nành?

Dị ứng đậu nành là loại dị ứng thực phẩm thường gặp. Đối tượng mắc phải chủ yếu là trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi. Bệnh nhi có biểu hiện quá mẫn với đậu nành và các thực phẩm liên quan như sữa đậu nành, mầm đậu nành.

1. Dị ứng đậu nành là gì?

Dị ứng đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành là một loại dị ứng thực phẩm phổ biến. Đa số các trường hợp dị ứng đậu nành xảy ra ở trẻ sơ sinh, được bố mẹ phát hiện khi thấy trẻ phản ứng quá mẫn với sữa bột đậu nành. Hầu hết bệnh nhi dị ứng với đậu nành đều sẽ hết dần theo thời gian, song một số trường hợp có thể dị ứng đến tuổi trưởng thành.

Những triệu chứng của dị ứng đậu nành nhẹ bao gồm phát ban da, ngứa trong và xung quanh miệng. Một số trường hợp hiếm có thể xảy ra phản ứng sốc phản vệ nghiêm trọng, đe dọa tính mạng.

Nếu nhận thấy trẻ có dấu hiệu dị ứng sữa đậu nành hoặc dị ứng mầm đậu nành, hãy đưa trẻ đến bác sĩ để được thăm khám chính xác. Bác sĩ sẽ cho trẻ thực hiện các xét nghiệm để kết luận trẻ có bị dị ứng đậu nành hay không.

Bị dị ứng với đậu nành có nghĩa là phải tránh tất cả các sản phẩm có nguồn gốc từ đậu nành. Hiện nay có nhiều loại thực phẩm có thể chứa đậu nành, chẳng hạn như các sản phẩm sữa đậu nành, đậu phụ, thịt, bánh, kẹo và các loại ngũ cốc ăn sáng.

2. Những dấu hiệu của dị ứng đậu nành


Hầu hết các trường hợp dị ứng đậu nành đều gây ra không ít khó chịu, nhưng thường không mấy nghiêm trọng
Hầu hết các trường hợp dị ứng đậu nành đều gây ra không ít khó chịu, nhưng thường không mấy nghiêm trọng

Hầu hết các trường hợp dị ứng đậu nành đều gây ra không ít khó chịu, nhưng thường không mấy nghiêm trọng. Hiếm khi những phản ứng dị ứng này trở nên nguy hiểm hay thậm chí đe dọa tính mạng. Nói chung, các dấu hiệu và triệu chứng của dị ứng thực phẩm thường xuất hiện trong vòng vài phút đến vài giờ sau khi ăn phải loại thực phẩm gây dị ứng hoặc có chứa chất gây dị ứng.

Những triệu chứng phổ biến của dị ứng đậu nành là:

  • Ngứa ran trong miệng;
  • Phát ban da, ngứa, xuất hiện vảy da (chàm);
  • Sưng môi, mặt, lưỡi, cổ họng hoặc các bộ phận khác trên cơ thể;
  • Thở khò khè, chảy nước mũi hoặc khó thở;
  • Đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn và nôn;
  • Da đỏ bừng.

Phản ứng dị ứng nghiêm trọng (sốc phản vệ) là tương đối hiếm gặp với dị ứng đậu nành. Tuy nhiên, nguy cơ sốc phản vệ tăng cao ở những người có bệnh hen suyễn hoặc những người bị dị ứng với các thực phẩm khác ngoài đậu nành, như đậu phộng.

Sốc phản vệ gây ra các triệu chứng rất trầm trọng, bao gồm:

  • Khó thở do tình trạng sưng phù cổ họng;
  • Sốc, kèm theo sụt giảm huyết áp nghiêm trọng;
  • Mạch đập nhanh;
  • Chóng mặt, choáng váng, bất tỉnh.

3. Khi nào bạn cần khám bác sĩ?

Nên đưa bệnh nhân đi khám bác sĩ chuyên khoa dị ứng nếu nhận thấy triệu chứng dị ứng thực phẩm xuất hiện ngay sau khi ăn. Bệnh nhân cần được đưa đi cấp cứu nếu xuất hiện dấu hiệu của sốc phản vệ, bao gồm:

  • Khó thở;
  • Mạch nhanh và yếu;
  • Chóng mặt, hoa mắt hoặc nặng đầu;
  • Chảy nước dãi và mất khả năng nuốt;
  • Toàn bộ cơ thể trở nên nóng và đỏ.

4. Nguyên nhân gây ra dị ứng đậu nành

Nguyên nhân gây dị ứng sau khi uống đậu nành là do phản ứng của hệ miễn dịch. Theo đó, hệ thống miễn dịch cho rằng protein từ đậu nành là chất có hại cho cơ thể, do đó kích hoạt sản sinh kháng thể immunoglobulin E (IgE) để chống lại protein đậu nành (là tác nhân gây dị ứng). Những lần sau đó, khi tiếp xúc với đậu nành, các kháng thể IgE sẽ nhận diện chúng và truyền tín hiệu cho hệ thống miễn dịch gây phóng thích ra histamin và các chất trung gian hóa học vào máu.

Histamin và các chất trung gian hóa học này gây ra một loạt những triệu chứng dị ứng. Histamin là tác nhân quan trọng nhất của phản ứng dị ứng, bao gồm những biểu hiện như chảy nước mũi, ngứa mắt, khô cổ họng, nổi mẩn ngứa, phát ban da, buồn nôn, tiêu chảy, khó thở và nguy hiểm nhất là sốc phản vệ.

Dấu hiệu dị ứng thực phẩm có thể đến muộn hơn, gọi là Hội chứng viêm ruột do protein thực phẩm (FPIES). Bất kỳ loại thực phẩm nào cũng có thể là nguyên nhân làm kích hoạt phản ứng dị ứng loại này, nhưng đối với trẻ em nhỏ thì đậu nành là một trong những loại phổ biến nhất. Biểu hiện muộn của dị ứng đậu nành, chủ yếu là nôn mửa và tiêu chảy, thường xảy ra trong vòng vài giờ sau khi ăn (thay vì vài phút đối với biểu hiện sớm).

Không giống như các loại dị ứng thực phẩm khác, FPIES thường tự hết qua thời gian. Cách phòng ngừa đối với những trường hợp này tốt nhất vẫn là tránh các thức ăn có chứa đậu nành.


Nguyên nhân gây dị ứng sau khi uống đậu nành là do phản ứng của hệ miễn dịch
Nguyên nhân gây dị ứng sau khi uống đậu nành là do phản ứng của hệ miễn dịch

5. Ai là đối tượng dễ bị dị ứng với đậu nành?

Nguy cơ dị ứng đậu nành thường cao hơn ở những nhóm đối tượng sau đây:

  • Tiền sử gia đình: Nguy cơ dị ứng sữa đậu nành hoặc dị ứng thực phẩm nói chung tăng lên nếu trong gia đình có người thường bị dị ứng, như sốt, hen suyễn, phát ban hoặc chàm;
  • Trẻ em nhỏ: Dị ứng đậu nành phổ biến nhất ở đối tượng trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi;
  • Mắc đồng thời các dị ứng khác: Những người bị dị ứng với các thực phẩm khác, chẳng hạn như lúa mì, đậu, sữa,... cũng có thể dị ứng với đậu nành.

6. Cách điều trị dị ứng đậu nành

Để làm giảm các dấu hiệu và triệu chứng của dị ứng mầm đậu nành, có thể dùng các thuốc kháng histamin. Uống thuốc kháng histamin sau khi ăn phải đậu nành có tác dụng kiểm soát triệu chứng và giảm bớt sự khó chịu. Cho dù cố gắng hạn chế đến mức nào, bạn vẫn có nguy cơ vô tình ăn phải đậu nành. Nếu xảy ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng, bệnh nhân cần được tiêm thuốc epinephrine khẩn cấp và đưa đi cấp cứu càng sớm càng tốt.

7. Ngăn ngừa dị ứng đậu nành

Cách duy nhất để ngăn ngừa dị ứng đậu nành là tránh ăn, uống các loại thực phẩm có chứa protein đậu nành, như mầm đậu nành, sữa đậu nành,... Đối với trẻ sơ sinh, mẹ hãy cho con bú thay vì sử dụng công thức sữa có thành phần từ đậu nành.

Đọc nhãn thực phẩm để tìm thành phần đậu nành. Đậu nành thường có mặt trong các loại thực phẩm mà bạn không ngờ tới, bao gồm đồ đóng hộp, như cá hộp, thịt hộp, các loại đồ nướng, bánh quy, sản phẩm bổ sung năng lượng, bơ đậu phộng ít béo, súp đóng hộp, phô mai, sữa chua và dầu thực vật.

Nếu bị dị ứng đậu nành, bạn có thể chủ động làm giảm triệu chứng khó chịu bằng cách chuẩn bị sẵn các thuốc kháng histamin không kê toa và thuốc tiêm epinephrine để sử dụng kịp thời khi nhận thấy dấu hiệu sốc phản vệ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Mayoclinic.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe