9 lợi ích sức khỏe của nấm bờm sư tử và tác dụng phụ

Nấm bờm sư tử (còn gọi là nấm hầu thủ hoặc yamabushitake) là loại nấm lớn, có màu trắng và xù xì giống bờm sư tử. Có thể ăn sống, nấu chín, sấy khô hoặc ngâm nấm hầu thủ như một loại trà. Chiết xuất của chúng được sử dụng cho các loại thực phẩm chức năng. Nó có vị giống hải sản (cua hoặc tôm hùm) và chứa nhiều hoạt chất sinh học có tác dụng tốt đối với cơ thể, đặc biệt là não, tim và ruột.

1. 9 lợi ích sức khỏe của nấm hầu thủ và chiết xuất

1.1 Bảo vệ cơ thể chống lại chứng mất trí nhớ

Khả năng hình thành và phát triển các kết nối mới của não thường giảm dần theo tuổi tác. Điều này có thể giải thích vì sao hoạt động trí óc trở nên trì trệ hơn ở nhiều người lớn tuổi. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nấm hầu thủ có chứa 2 hợp chất đặc biệt có thể kích thích sự phát triển của tế bào não là hericenones và erinacines. Ngoài ra, các nghiên cứu trên động vật cũng phát hiện rằng loại nấm này có thể giúp cơ thể chống lại bệnh Alzheimer - một bệnh thoái hóa não gây mất trí nhớ tiến triển.

Trên thực tế, nấm bờm sư tử và chiết xuất của nó được chứng minh là có tác dụng làm giảm các triệu chứng mất trí nhớ ở chuột, ngăn ngừa tổn thương tế bào thần kinh do mảng amyloid - beta tích tụ trong não ở bệnh nhân Alzheimer. Và hiện mặc dù chưa có nghiên cứu phân tích liệu nấm hầu thủ có lợi cho bệnh Alzheimer ở người hay không, nhưng nó có tác dụng tăng cường hoạt động trí óc.

Một nghiên cứu ở người lớn tuổi bị suy giảm nhận thức nhẹ cho thấy việc tiêu thụ 3g nấm bờm sư tử dạng bột mỗi ngày trong 4 tháng giúp cải thiện đáng kể chức năng thần kinh. Tuy nhiên, những lợi ích này biến mất ngay khi ngừng bổ sung nấm hầu thủ. Như vậy, nó thúc đẩy sự phát triển thần kinh và bảo vệ não khỏi những tổn thương liên quan tới bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là hầu hết các nghiên cứu đều được thực hiện trên động vật hoặc trong ống nghiệm. Do vậy, cần có thêm nhiều nghiên cứu trên người để khẳng định lợi ích này của nấm bờm sư tử.

1.2 Giảm nhẹ các triệu chứng trầm cảm và lo âu

Có tới 30% số người sống ở các nước phát triển gặp phải các triệu chứng lo âu và trầm cảm. Mặc dù có nhiều nguyên nhân gây lo âu và trầm cảm, nhưng chứng viêm mãn tính có thể là một trong những nguyên nhân chính. Và các nghiên cứu trên động vật đã phát hiện ra rằng chiết xuất từ nấm bờm sư tử có tác dụng giúp tái tạo tế bào não, cải thiện hoạt động của vùng hải mã - vùng não chịu trách nhiệm xử lý ký ức và cảm xúc. Việc cải thiện chức năng của hồi hải mã giúp làm giảm các hành vi lo lắng và trầm cảm (nghiên cứu trên chuột thí nghiệm).

Một nghiên cứu nhỏ thực hiện ở những phụ nữ mãn kinh cho thấy ăn bánh quy có chứa nấm hầu thủ hằng ngày trong 1 tháng có thể làm giảm cảm giác lo lắng và kích thích.


Nấm bờm có tác dụng kiểm soát tình trạng lo âu và căng thẳng
Nấm bờm có tác dụng kiểm soát tình trạng lo âu và căng thẳng

1.3 Tăng tốc độ phục hồi sau chấn thương hệ thần kinh

Hệ thần kinh con người bao gồm não, tủy sống và các dây thần kinh đi khắp cơ thể. Chúng phối hợp với nhau để gửi và truyền các tín hiệu điều khiển hầu hết mọi chức năng của cơ thể. Tổn thương não hoặc tủy sống có thể gây tê liệt hoặc mất chức năng thâm thần, mất nhiều thời gian để phục hồi.

Tuy nhiên, nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chiết xuất nấm hầu thủ có thể giúp tăng tốc độ phục hồi của các chấn thương thần kinh bằng cách kích thích sự phát triển, tự hồi phục các tế bào thần kinh. Thực tế, chiết xuất nấm bờm sư tử đã được chứng minh là có thể làm giảm 23 - 41% thời gian phục hồi trên những con chuột bị chấn thương hệ thần kinh.

Ngoài ra, chiết xuất nấm bờm sư tử cũng có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của tổn thương não sau đột quỵ. Trong một nghiên cứu, việc sử dụng chiết xuất nấm hầu thủ liều cao cho chuột ngay sau khi bị đột quỵ giúp làm giảm viêm, giảm 44% kích thước chấn thương não liên quan tới đột quỵ. Dù vậy, vẫn chưa có nghiên cứu được thực hiện trên người để đánh giá được tác dụng này của nấm bờm sư tử.

1.4 Chống lại các vết loét trong đường tiêu hóa

Các vết loét có thẻ hình thành ở bất kỳ vị trí nào dọc theo đường tiêu hóa, bao gồm dạ dày, ruột non và ruột già. Loét dạ dày thường do 2 nguyên nhân: Sự phát triển quá mức của vi khuẩn H.pylori và tổn thương lớp niêm mạc dạ dày do sử dụng lâu dài các thuốc chống viêm không steroid (NSAID).

Chiết xuất từ nấm hầu thủ có thể bảo vệ cơ thể chống lại sự phát triển của các vết loét dạ dày bằng cách ức chế sự phát triển của vi khuẩn H.pylori và bảo vệ niêm mạc dạ dày khỏi bị tổn thương. Ngoài ra, một nghiên cứu trên động vật cũng cho thấy chiết xuất từ nấm hầu thủ có hiệu quả hơn thuốc giảm axit truyền thống trong việc ngăn ngừa loét dạ dày do rượu. Đồng thời, nó cũng không có bất kỳ tác dụng phụ tiêu cực nào. Bên cạnh đó, chiết xuất từ nấm bờm sư tử còn giúp giảm viêm, ngăn ngừa tổn thương mô ở các khu vực khác của ruột. Thực tế, chúng có thể hỗ trợ điều trị các bệnh viêm ruột như viêm loét đại tràng và bệnh Crohn. Một nghiên cứu ở những bệnh nhân viêm loét đại tràng cho thấy việc uống bổ sung các sản phẩm chứa 14% chiết xuất từ nấm bờm sư tử sau 3 tuần có thể làm giảm đáng kể các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, cần có thêm nhiều nghiên cứu để khẳng định tác dụng của nó.


Một lợi ích của nấm bờm là cải thiện các vết loét trong đường tiêu hóa
Một lợi ích của nấm bờm là cải thiện các vết loét trong đường tiêu hóa

1.5 Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim gồm: Béo phì, chất béo trung tính cao, lượng lớn cholesterol bị oxy hóa và xu hướng tăng hình thành cục máu đông. Nghiên cứu cho thấy chiết xuất từ nấm hầu thủ có thể ảnh hưởng tới những yếu tố này, từ đó làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

Các nghiên cứu trên chuột đã phát hiện ra rằng chiết xuất từ nấm hầu thủ giúp cải thiện quá trình chuyển hóa chất béo và làm giảm mức chất béo trung tính. Vì béo phì và chất béo trung tính cao là các yếu tố nguy cơ của bệnh tim nên đây là cách giải thích vì sao nấm hầu thủ tốt cho sức khỏe tim mạch.

Các nghiên cứu trong ống nghiệm cũng phát hiện ra rằng chiết xuất từ nấm hầu thủ có thể ngăn chặn quá trình oxy hóa cholesterol trong máu. Thực tế, các phân tử cholesterol bị oxy hóa sẽ có xu hướng gắn vào thành động mạch, khiến chúng trở nên cứng lại, làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ. Do vậy, tác dụng làm giảm quá trình oxy hóa cholesterol của nấm hầu thủ cũng có lợi cho sức khỏe tim mạch.

Hơn nữa, nấm bờm sư tử còn chứa hợp chất hericenone B - có tác dụng làm giảm tốc độ đông máu, giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ. Tuy nhiên, cần có thêm nhiều nghiên cứu về tác dụng này của nấm bờm sư tử.

1.6 Kiểm soát các triệu chứng của bệnh tiểu đường

Tiểu đường là bệnh lý xảy ra khi cơ thể mất khả năng kiểm soát lượng đường trong máu. Và kết quả là lượng đường trong máu tăng cao. Đường trong máu cao mãn tính có thể gây ra các biến chứng như: Bệnh thận, tổn thương dây thần kinh ở bàn tay và bàn chân, suy giảm thị lực,... Nấm hầu thủ có lợi cho việc kiểm soát bệnh tiểu đường vì nó giúp kiểm soát lượng đường trong máu, giảm một số biến chứng của bệnh.

Một số nghiên cứu trên động vật cho kết quả: Nấm bờm sư tử có thể làm lượng đường trong máu của chuột thấp hơn (cả với chuột khỏe mạnh và chuột mắc bệnh tiểu đường). Đó là do nó ngăn chặn hoạt động của enzyme alpha-glucosidase - một loại enzyme làm nhiệm vụ phân hủy carbs trong ruột non. Khi enzyme này bị chặn, cơ thể sẽ không thể tiêu hóa và hấp thụ carbs một cách hiệu quả, làm lượng đường trong máu thấp hơn.

Ngoài lợi ích làm giảm lượng đường trong máu, chiết xuất từ nấm bờm sư tử còn có thể làm giảm triệu chứng đau dây thần kinh ở bàn tay và bàn chân do tiểu đường. Một nghiên cứu cho những con chuột bị tổn thương dây thần kinh do tiểu đường được sử dụng chiết xuất nấm hầu thủ hằng ngày trong 6 tuần đã cho kết quả: Giảm cơn đau đáng kể, giảm lượng đường trong máu và tăng mức độ chống oxy hóa. Tuy vậy, cần có nghiên cứu thêm để xác định chính xác tác dụng của nó trên con người.

1.7 Chống lại bệnh ung thư

Ung thư xảy ra khi DNA bị hư hỏng, khiến các tế bào phân chia, nhân rộng ngoài tầm kiểm soát. Một số nghiên cứu cho thấy nấm hầu thủ có khả năng chống ung thư nhờ một số hợp chất của nó. Khi chất chiết xuất từ nấm bờm sư tử được trộn với các tế bào ung thư của người trong ống nghiệm, chúng sẽ khiến tế bào ung thư chết với tốc độ nhanh hơn. Tác dụng này được chứng minh với một số loại tế bào ung thư như ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư đại tràng và ung thư máu.

Ngoài tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư, chiết xuất từ nấm bờm sư tử còn được chứng minh là có khả năng làm chậm sự lây lan của bệnh ung thư. Một nghiên cứu trên chuột bị ung thư đại tràng cho thấy việc uống chiết xuất từ nấm bờm sư tử giúp giảm tới 69% sự lây lan ung thư đến phổi. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy chiết xuất từ nấm bờm sư tử có hiệu quả hơn các loại thuốc điều trị ung thư truyền thống trong việc làm chậm sự phát triển khối u ở chuột và có ít tác dụng phụ hơn. Tuy nhiên, tác dụng chống ung thư của nấm hầu thủ chưa được thử nghiệm trên người nên cần phải được nghiên cứu thêm.

1.8 Giảm viêm và stress oxy hóa

Tình trạng viêm mãn tính và stress oxy hóa được xem là căn nguyên của nhiều bệnh lý hiện đại, bao gồm bệnh tim mạch, ung thư và rối loạn tự miễn dịch. Nghiên cứu cho thấy nấm hầu thủ chứa các hợp chất chống viêm và chống oxy hóa mạnh, giúp giảm tác động tiêu cực của những căn bệnh trên.

Thực tế, một nghiên cứu kiểm tra khả năng chống oxy hóa của 14 loài nấm khác nhau và đã phát hiện ra rằng nấm hầu thủ có hoạt tính chống oxy hóa cao thứ 4. Do đó, nó được coi là một nguồn chất chống oxy hóa rất tốt nên thêm vào chế độ ăn uống. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu trên động vật cũng phát hiện ra rằng chiết xuất từ nấm bờm sư tử làm giảm các triệu chứng viêm và stress oxy hóa ở loài gặm nhấm, có hiệu quả tốt trong kiểm soát bệnh viêm ruột, tổn thương gan và đột quỵ.

Ngoài ra, nấm hầu thủ còn có thể làm giảm một số nguy cơ sức khỏe liên quan tới béo phì vì chúng giúp làm giảm tình trạng viêm do mô mỡ tiết ra. Tuy nhiên, cần có nhiều nghiên cứu hơn trên người để xác định những lợi ích sức khỏe của loại nấm này.


Nấm hầu thủ đem lại lợi ích stress oxy hóa
Nấm hầu thủ đem lại lợi ích stress oxy hóa

1.9 Tăng cường hệ thống miễn dịch

Một hệ thống miễn dịch mạnh mẽ có thể bảo vệ cơ thể khỏi vi khuẩn, virus và các mầm bệnh khác. Mặt khác, hệ miễn dịch kém sẽ khiến cơ thể có nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm. Nghiên cứu trên động vật cho thấy nấm hầu thủ có thể tăng cường khả năng miễn dịch bằng cách tăng hoạt động của hệ thống miễn dịch đường ruột, giúp bảo vệ cơ thể khỏi các mầm bệnh xâm nhập vào ruột qua đường miệng hoặc mũi.

2. Nấm bờm sư tử có tác dụng phụ không?

Chưa có nghiên cứu nào trên người đánh giá về tác dụng phụ của nấm hầu thủ hoặc chiết xuất của nó. Nhưng nó được coi là loại thực phẩm có độ an toàn cao. Cụ thể, không có tác dụng phụ nào được ghi nhận ở chuột, ngay cả với liều lượng sử dụng nấm hầu thủ cao là 5g/kg trọng lượng cơ thể/ngày trong 1 tháng hoặc liều lượng thấp hơn trong 3 tháng. Tuy nhiên, những ai bị dị ứng hoặc nhạy cảm với nấm thì nên tránh sử dụng nấm bờm sư tử. Đã có tài liệu ghi nhận có người bị khó thở hoặc phát ban trên da sau khi tiếp xúc với nấm hầu thủ (có thể do dị ứng).

Nấm bờm sư tử và chiết xuất của nó được chứng minh là có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, cần có thêm nhiều nghiên cứu trên người để khẳng định về những tác dụng thực tế của loại nấm này.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe