Mồ hôi ban đêm, còn được gọi là hyperhidrosis khi ngủ. Đổ mồ hôi đêm ảnh hưởng đến khoảng 3% dân số và có thể là dấu hiệu của một căn bệnh nghiêm trọng. Mặc dù phần lớn các nguyên nhân gây ra mồ hôi ban đêm không đe dọa đến tính mạng nhưng cần có sự tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa để xác định nguyên nhân cơ bản. Trong bài viết này sẽ cung cấp thông tin về 8 nguyên nhân cơ bản gây tiết mồ hôi ban đêm thường gặp.
1. Tiết mồ hôi ban đêm là gì?
Tiết mồ hôi ban đêm hay đổ mồ hôi ban đêm còn được gọi là hội chứng hyperhidrosis khi ngủ khiến cho quần áo ngủ, chăn, gối, ga trải giường bị ướt mà nguyên nhân không liên quan đến vấn đề nhiệt độ trong phòng ngủ quá nóng. Như đã đề cập ở phần đầu, khoảng 3% dân số trên toàn thế giới mắc phải hội chứng đổ mồ hôi ban đêm.
Đổ mồ hôi là cách làm mát tự nhiên của cơ thể. Vùng dưới đồi của não đảm nhận nhiệm vụ điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể. Trong điều kiện thời tiết quá nóng, vùng dưới đồi kích thích khoảng hơn hai triệu tuyến mồ hôi tiến hành bài tiết mồ hôi nhằm hạ nhiệt độ cơ thể trước khi nhiệt độ cao ảnh hưởng xấu đến sự hoạt động của các cơ quan.
Khi mồ hôi được bài tiết, chúng giúp giải phóng một lượng nhiệt lớn để làm mát cơ thể. Nhiệt độ thời tiết hay quá trình luyện tập thể dục, thể thao không phải là những nguyên nhân duy nhất dẫn đến tình trạng này. Một số yếu tố khác bao gồm cả những vấn đề về sức khỏe cũng có thể khiến tuyến mồ hôi tăng cường hoạt động và khiến một người tiết nhiều mồ hôi hơn vào ban đêm.
Một số nguyên nhân gây ra hội chứng đổ mồ hôi ban đêm có thể được phòng ngừa nếu bạn tuân thủ một số cách sau:
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá và caffeine, đặc biệt là ngay trước khi đi ngủ.
- Giữ cho phòng ngủ luôn ở một điều kiện nhiệt độ phù hợp, mát mẻ và thoải mái.
- Không tập thể dục, ăn những đồ ăn quá cay hoặc uống những đồ uống quá nóng trước giờ đi ngủ.
- Phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý mắc phải nói chung và các bệnh lý nhiễm trùng nói riêng.
Trong trường hợp tình trạng đổ mồ hôi ban đêm diễn ra bất thường và không cho thấy sự suy giảm kể cả khi đã áp dụng những phương pháp trên, bạn nên đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây ra chứng đổ mồ hôi ban đêm mình đang mắc phải.
2. 8 nguyên nhân gây tiết mồ hôi ban đêm
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra chứng tiết mồ hôi ban đêm. Để tìm ra nguyên nhân, các bác sĩ sẽ khai thác tiền sử bệnh chi tiết của người bệnh hoặc chỉ định một số xét nghiệm để chẩn đoán chính xác nguyên nhân nào chịu trách nhiệm cho chứng đổ mồ hôi ban đêm của người bệnh. Một số yếu tố đã được chứng minh có thể gây ra chứng đổ mồ hôi ban đêm bao gồm:
2.1. Thời kỳ mãn kinh
Đây là nguyên nhân rất phổ biến của tình trạng đổ mồ hôi ban đêm ở phụ nữ. Những cơn bốc hỏa trong thời kỳ mãn kinh có thể xảy ra ngay cả trong lúc ngủ khiến cơ thể bài tiết nhiều mồ hôi vào thời gian này. Những phụ nữ trẻ đã phải thực hiện các thủ thuật cắt bỏ 2 buồng trứng hoặc trải qua quá trình hóa trị điều trị ung thư dẫn đến ngừng kinh nguyệt cũng có thể mắc phải chứng đổ mồ hôi ban đêm. Bên cạnh đó, bệnh trầm cảm hay tình trạng lo lắng quá mức trong thời kỳ mãn kinh cũng như chán nản hoặc uống nhiều rượu mỗi ngày cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới hội chứng này.
2.2. Đổ mồ hôi ban đêm vô căn
Đổ mồ hôi ban đêm vô căn là tình trạng các tuyến mồ hôi trong cơ thể tăng cường hoạt động một cách bất thường mà không do bất kỳ một nguyên nhân hay một vấn đề sức khỏe nào tác động.
2.3. Nhiễm trùng
Tình trạng nhiễm trùng có thể khiến bệnh nhân đổ nhiều mồ hôi, đặc biệt là vào ban đêm. Một số bệnh nhiễm trùng như viêm nội tâm mạc do vi khuẩn (nhiễm trùng lớp lót bên trong của tim và van tim) và viêm tủy xương (nhiễm trùng xương) có thể gây ra tình trạng này. Những bệnh nhiễm trùng khác hiếm gặp hơn đôi khi cũng dẫn đến chứng đổ mồ hôi vào ban đêm.
Sốt, đau, sưng hạch bạch huyết và đau nhức các khớp là những triệu chứng phổ biến của bệnh nhân mắc HIV/AIDS và chúng có thể dẫn đến chứng ra mồ hôi ban đêm. Theo thống kê cứ 10 bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS thì có 1 người mắc chứng này. Một số những bệnh nhiễm trùng cơ hội liên quan đến AIDS như mycobacterium avium và cytomegalovirus cũng có thể khiến người bệnh đổ nhiều mồ hôi hơn vào ban đêm.
Ngoài ra, nhiều nghiên cứu đã cho thấy khoảng hơn một nửa số người mắc bệnh lao bị đổ mồ hôi ban đêm. Vi khuẩn lao phát triển trong phổi khiến người bệnh ho kéo dài, ho ra máu, sốt, mệt mỏi, chán ăn....
2.4. Ung thư
Đổ mồ hôi ban đêm là triệu chứng sớm của một số bệnh ung thư, nhưng phổ biến nhất là ung thư hạch, bắt đầu từ hệ thống miễn dịch của cơ thể như hạch bạch huyết, lá lách, tủy xương và tuyến ức.... Khoảng một 25% số người mắc bệnh ung thư hạch Hodgkin bị sốt và đổ mồ hôi vào ban đêm. Họ cũng cảm thấy mệt mỏi, ngứa ngáy và đau ở khu vực khối u phát triển. Tuy nhiên những người bị ung thư mà không được phát hiện sớm và chẩn đoán kịp thời cũng có thể xuất hiện các triệu chứng khác, chẳng hạn như sốt và giảm cân không rõ nguyên nhân.
2.5. Thuốc
Rất nhiều loại thuốc được sử dụng đề điều trị các bệnh lý khác có thể gây ra chứng đổ mồ hôi ban đêm, trong đó thuốc chống trầm cảm là loại thuốc phổ biến nhất dẫn đến tình trạng này. Theo thống kê có khoảng 8 – 22% số người sử dụng thuốc chống trầm cảm bị đổ mồ hôi ban đêm. Ngoài ra các loại thuốc tâm thần khác cũng có thể dẫn đến tình trạng này.
Một số loại thuốc hạ sốt như acetaminophen, aspirin và ibuprofen cũng gây đổ mồ hôi ban đêm những thường không nghiêm trọng. Bên cạnh đó liệu pháp điều trị thay thế hormone và steroid như cortisone hay prednison cũng bị nghi ngờ gây ra tình trạng đổ mồ hôi ban đêm.
Một số loại thuốc trị tăng nhãn áp và khô miệng cũng kích thích tuyến mồ hôi của người bệnh hoạt động mạnh mẽ hơn, đặc biệt là vào ban đêm.
2.6. Hạ đường huyết
Lượng đường trong máu thấy có thể gây ra chứng đổ mồ hôi. Những người đang sử dụng insulin trong điều trị bệnh đái tháo đường hoặc các loại thuốc điều trị tiểu đường khác có thể bị hạ đường huyết kèm theo đổ nhiều mồ hôi vào ban đêm.
2.7. Rối loạn nội tiết tố
Đổ mồ hôi hoặc thi thoảng xuất hiện những cơn đỏ bừng mặt có thể bắt gặp ở những bệnh nhân rối loạn nội tiết tố bao gồm pheochromocytoma, hội chứng carcinoid và bệnh cường giáp.
Pheochromocytoma hay u tủy thượng thận là tình trạng xuất hiện những khối u tương đối hiếm gặp ở tuyến thượng thận tuy nhiên chúng không phải là ung thư. U tủy thượng thận khiến cơ thể sản xuất quá nhiều hormone, làm tăng huyết áp và gây ra tình trạng đổ mồ hôi ban đêm, đau đầu cũng như mạch đập nhanh. Hầu hết những người mắc u tủy thượng thận đều thuộc độ tuổi từ 20 đến 50 tuổi. Những nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc u tủy thượng thận là những người tăng huyết áp hoặc mắc một số rối loạn liên quan đến di truyền.
2.8. Một số bệnh lý liên quan đến hệ thần kinh
Mặc dù không phải là nguyên nhân hàng đầu tuy nhiên các bệnh lý liên quan đến hệ thần kinh bao gồm chứng khó đọc, tình trạng syringomyelia sau chấn thương, đột quỵ và bệnh lý thần kinh tự trị có thể khiến tuyến mồ hôi tăng cường hoạt động và gây ra chứng đổ mồ hôi ban đêm.
Đổ mồ hôi ban đêm có thể gây khó chịu và làm gián đoạn giấc ngủ của những người mắc phải tình trạng này. Trong hầu hết các trường hợp, đổ mồ hôi ban đêm không gây ra những ảnh hưởng đến tính mạng, nhưng đôi khi chúng có thể là dấu hiệu sớm của một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cần được điều trị. Bác sĩ có thể hỗ trợ chẩn đoán nguyên nhân gây ra đổ mồ hôi đêm và đề xuất một số giải pháp ngăn ngừa hoặc điều trị tình trạng này. Tùy thuộc vào các nguyên nhân, bác sĩ có thể chỉ định thay đổi lối sống, sử dụng thuốc hoặc áp dụng các phương pháp điều trị khác để ngăn ngừa tình trạng này.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: medicalnewstoday.com, webmd.com