Ngoài khoảng thời gian 40 - 50 giờ/ tuần, người lao động còn bị các yếu tố khác dẫn đến kiệt sức, bao gồm đoạn đường di chuyển, trách nhiệm, môi trường làm việc, sự công nhận và hài lòng trong công việc. Rõ ràng, làm việc quá nhiều hại sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần.
1. Tác hại do tìm đến bia rượu để thư giãn
Làm việc quá nhiều hơn 40 giờ mỗi tuần có thể tạo điều kiện cho bạn uống nhiều bia rượu. Hình thức thư giãn này làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe, thậm chí là bạn đối mặt với tình trạng đe dọa tính mạng nếu uống quá nhiều.
Thay vì tìm đến bia rượu để thư giãn, bạn có thể tận dụng thời gian di chuyển trên đường đi làm để nghỉ ngơi. Cố gắng tránh chăm chú màn hình điện tử trên đường về nhà để tiếp tục xử lý công việc hàng ngày. Thay vào đó, hãy nghe danh sách bài hát yêu thích của mình, sách nói hoặc podcast.
2. Năng suất làm việc bị đình trệ
Nếu bạn đã tăng số giờ làm việc mà vẫn không có kết quả đáng kể thì năng suất của bạn có thể đang bị giảm. Một bài nghiên cứu cho thấy những người làm việc quá nhiều khoảng 70 giờ mỗi tuần không thực sự hoàn thành được nhiều nhiệm vụ hơn người làm 56 giờ/ tuần. Bộ não của chúng ta không có đủ năng lực để làm việc hiệu quả từng phút mỗi ngày. Vì vậy, nhiều thời gian hơn không có nghĩa là làm được nhiều việc hơn.
Để tránh bị quá tải, bạn nên hạn chế giải quyết mọi thứ cùng một lúc. Làm nhiều việc cùng lúc thực sự có thể khiến bạn hoàn thành ít công việc hơn. Thay vào đó, các chuyên gia gợi ý nên tập trung giải quyết 3 nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu mỗi ngày. Sử dụng phương pháp tổ chức và quản lý thời gian có thể giúp bạn đạt được hiệu quả và năng suất.
3. Ngủ không đủ giấc và mệt mỏi vào ban ngày
Rõ ràng, thức muộn dẫn đến ngủ ít hơn và mệt mỏi hơn vào ban ngày. Nếu bạn làm việc suốt cả ngày trong một khoảng thời gian dài thì sẽ rất khó để tĩnh tâm vào giờ đi ngủ. Giấc ngủ kém không chỉ khiến bạn trở nên khó chịu mà còn làm giảm năng suất và tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như: Tiểu đường type 2 và bệnh tim.
Hãy cho bản thân nghỉ ngơi bằng cách cân bằng thời gian sinh hoạt (work-life balance) với 52 phút làm việc liên tục và 17 phút giải lao. Nên dành 17 phút giải lao trong ngày để đi bộ ra ngoài, nói chuyện với 1 người bạn hoặc tập 1 vài động tác kéo giãn cơ thể nhẹ nhàng. Những hoạt động đơn giản này có thể giúp bạn vượt qua cơn buồn ngủ vào ban ngày, cũng như hạn chế được tác hại của làm việc quá nhiều.
4. Buồn bã, trầm cảm
Bạn có cảm thấy mình chỉ thật sự sống vào những ngày cuối tuần (ngày không phải đi làm)? Làm việc quá nhiều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của bạn. Một nghiên cứu cho thấy, những người làm việc 11 giờ mỗi ngày có nhiều khả năng phải đối mặt với bệnh trầm cảm cao hơn những người làm việc từ 7 - 8 giờ/ ngày.
Thiền chánh niệm giúp tâm trí của bạn không bị rối bời hay “đi theo 100 hướng”. Phương pháp này giống như nhấn 1 nút tái khởi động (restart) bản thân. Nếu không tiện tham gia hội thảo thiền định hoặc gặp chuyên gia trị liệu, bạn thậm chí cũng có thể sử dụng ứng dụng thiền trên đường đi làm về (đối với người không tự lái xe).
5. Trái tim cũng phải làm việc ngoài giờ
Bạn có thể không thực sự nhận thấy điều này nhưng căng thẳng trong công việc có thể giải phóng cortisol - loại hormone khiến tim của bạn hoạt động khó khăn hơn. Điều này có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, bệnh mạch vành, tiểu đường loại 2 và thậm chí là ung thư.
Giải pháp cho việc ngồi quá nhiều là sử dụng bàn đứng trong văn phòng. Ngoài ra, hãy thử tổ chức các cuộc họp đứng nhiều hơn hoặc lên kế hoạch nghỉ giải lao với đồng nghiệp bằng cách đi bộ nhanh bên ngoài. Bạn cũng có thể lên kế hoạch ăn trưa ở khu vực khác thay vì ngồi tại bàn làm việc. Nên nhớ rằng mỗi bước đều có giá trị, hạn chế làm việc quá nhiều hại sức khỏe.
6. Lưng và cổ bị đau
Hoạt động lặp đi lặp lại không phải lúc nào cũng tốt. Một nghiên cứu cho thấy khi mọi người làm việc quá nhiều giờ thì nguy cơ bị đau lưng càng cao. Đối với phụ nữ, cơn đau có xu hướng xuất hiện ở cổ, còn cơn đau của nam giới thường gặp ở lưng dưới. Các chuyên gia cho biết đây là một dấu hiệu phổ biến của sự căng thẳng do căng cơ.
Nếu bạn đang thực sự phải chịu đựng tình trạng căng thẳng, hãy tìm đến các liệu pháp hỗ trợ. Đau lưng hoặc khó ngủ là điều không bình thường. Do vậy hãy trình bày hoàn cảnh cá nhân của bạn với chuyên gia tâm lý để được hướng dẫn cách tận hưởng cuộc sống nhiều hơn.
7. Các mối quan hệ bị ảnh hưởng
Không chỉ mất đi thời gian nuôi dưỡng các mối quan hệ, mà sự căng thẳng, mệt mỏi và trầm cảm bạn đang trải qua do công việc cũng có thể ảnh hưởng đến người xung quanh.
Công việc có thể chiếm lấy nhiều thời gian của bạn, đặc biệt nếu bạn đang tự kinh doanh. Để giảm bớt áp lực, hãy đưa các hoạt động không liên quan đến công việc vào danh sách việc cần làm hàng ngày, ví dụ như tập thể dục, nghe nhạc hoặc đi chơi với bạn bè. Cố gắng ưu tiên những nội dung thú vị trong lịch trình mỗi tuần hoặc mỗi ngày nếu có thể.
Cuối cùng, nếu bạn đang làm việc nhiều giờ liền mà không thấy hiệu quả hoặc không được công nhận, hãy suy nghĩ về những thành tích và đóng góp của bạn cho công ty, cũng như những tác hại của làm việc quá nhiều, sau đó đến gặp cấp trên để trình bày. Có được những thành viên làm việc hiệu quả và vui vẻ là điều quan trọng trong một tổ chức. Tuy nhiên, cân bằng được giữa công việc và cuộc sống sẽ làm tăng khả năng trung thành và cống hiến của nhân viên.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com