6 câu hỏi cần biết về bệnh quai bị

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ. Bác sĩ Nguyễn Thị Nhật - Bác sĩ Chuyên khoa truyền nhiễm - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng. Bác sĩ đã có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thận nhân tạo, và trong lĩnh vực truyền nhiễm, khám và quản lý các bệnh nhân mắc bệnh thận và các bệnh truyền nhiễm.

Quai bị là bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra bởi virus paramyxovirus. Triệu chứng kinh điển của bệnh quai bị là viêm tuyến mang tai và một số biểu hiện không đặc hiệu khác. Sau đây là 6 câu trả lời về những thắc mắc liên quan đến bệnh quai bị được nhiều người quan tâm.

Câu hỏi 1: Vắc-xin MMR là gì?

Hiện nay, vắc xin quai bị đơn trị liệu không còn được sử dụng rộng rãi ở các cơ sở y tế. Thay vào đó, các chuyên gia khuyến cáo nên tiêm phòng cả 2 liều vắc-xin sống MMR kết hợp cho trẻ em để phòng ngừa 3 bệnh sởi - quai bị - rubella.

  • Liều đầu tiên: Trẻ từ 12 - 15 tháng tuổi;
  • Liều thứ 2: Trẻ em tuổi đến trường từ 4 - 6 tuổi.

Một số nhân viên y tế tiếp xúc trực tiếp và lâu dài với bệnh nhân được khuyến cáo tiêm thêm liều thứ 3 để tăng cường bảo vệ chống quai bị cũng như các biến chứng nguy hiểm.

Cần lưu ý rằng tiêm 2 liều vắc-xin MMR không bảo vệ 100% khỏi quai bị, nói cách khác, thành phần vắc xin quai bị trong MMR có hiệu quả thấp hơn so với khả năng chống sởi và rubella. Hiệu quả vắc xin quai bị đã được ước tính ở mức trung bình là 78% cho 1 liều và 88% cho 2 liều. Do đó, dù đã tiêm phòng đầy đủ nhưng mọi người vẫn cần thực hiện các bước vệ sinh cá nhân và bảo vệ sức khỏe để giảm nguy cơ nhiễm virus, cũng như tìm hiểu về các triệu chứng của bệnh quai bị, nhất là các biểu hiện không đặc hiệu, để kịp thời thăm khám và chữa trị.

Câu hỏi 2: Tôi đã tiêm vắc-xin nhưng vẫn bị quai bị. Có phải là vắc xin quai bị không hiệu quả?

Trả lời: Vắc-xin MMR có khả năng ngăn ngừa hầu hết các trường hợp mắc quai bị nhưng không phải là tuyệt đối, nghĩa là người đã từng tiêm chủng vẫn có một ít nguy cơ mắc quai bị và gặp phải các biến chứng do bệnh gây ra. Những đối tượng đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin MMR có tỷ lệ mắc quai bị ít hơn khoảng 9 lần so với những người chưa được tiêm chủng cùng bị phơi nhiễm với virus quai bị. Tuy nhiên, một số người đã tiêm đủ hai liều MMR vẫn có thể bị quai bị, đặc biệt là khi tiếp xúc trực tiếp và lâu dài với bệnh nhân. Nếu bị quai bị khi đã tiêm phòng, bệnh có thể sẽ ít nghiêm trọng hơn so với đối tượng chưa được tiêm chủng.


Vắc-xin MMR giúp con người phòng ngừa 3 bệnh sởi - quai bị - rubella
Vắc-xin MMR giúp con người phòng ngừa 3 bệnh sởi - quai bị - rubella

Câu hỏi 3: Bệnh quai bị có nguy hiểm không?

Trả lời: Quai bị có thể nguy hiểm, tuy nhiên hầu hết những người bị quai bị đều phục hồi hoàn toàn trong vòng 2 tuần. Trong thời gian bị nhiễm quai bị, bệnh nhân thường cảm thấy mệt mỏi và đau nhức, kèm theo sốt (kéo dài 3 - 4 ngày) và sưng tuyến nước bọt ở một hoặc hai bên mang tai (đây là triệu chứng kinh điển nhất và có thể kéo là từ 2 - 10 ngày). Cũng có trường hợp bệnh nhân cảm thấy vô cùng yếu ớt và không thể ăn vì đau hàm. Một số ít sẽ gặp phải quai bị biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như:

Viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn: Biến chứng này có tỷ lệ 20-35% ở người sau tuổi dậy thì mắc bệnh quai bị, thường xảy ra sau đợt viêm tuyến mang tai khoảng 7-10 ngày nhưng cũng có thể xuất hiện trước hoặc đồng thời. Tinh hoàn sưng to, đau, mào tinh căng phù như một sợi dây thường. Tình trạng viêm và sốt kéo dài 3-7 ngày, sau đó khoảng 50% số trường hợp tinh hoàn teo dần và có thể dẫn đến tình trạng giảm số lượng tinh trùng và vô sinh.

Nhồi máu phổi: Là tình trạng một vùng phổi bị thiếu máu nuôi dưỡng, có thể tiến đến hoại tử mô phổi. Nhồi máu phổi là biến chứng có thể xảy ra sau viêm tinh hoàn do quai bị vì hậu quả của huyết khối từ tĩnh mạch tiền liệt tuyến.

Viêm buồng trứng: Có tỷ lệ 7% ở nữ sau tuổi dậy thì, ít khi dẫn đến vô sinh .

Viêm tụy: Có tỷ lệ 3% - 7%, là một biểu hiện nặng của quai bị. Bệnh nhân bị đau bụng nhiều, buồn nôn, có khi tụt huyết áp.

Các tổn thương thần kinh: Viêm não có tỷ lệ 0,5%, bệnh nhân có các hiện tượng như: thay đổi tính tình, bứt rứt, khó chịu, nhức đầu, co giật, rối loạn tri giác, rối loạn thị giác, đầu to do não úng thủy. Tổn thương thần kinh sọ não dẫn đến điếc, giảm thị lực, viêm tủy sống cắt ngang, viêm đa rễ thần kinh.

Bệnh quai bị ở phụ nữ có thai: Những phụ nữ bị quai bị trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể gây sẩy thai hoặc sinh con dị dạng, trong 3 tháng cuối của thai kỳ có thể sinh non hoặc thai chết lưu.

Một số biến chứng khác: Viêm cơ tim, viêm tuyến giáp, viêm tuyến lệ, viêm thần kinh thị giác (gây giảm thị lực tạm thời), viêm thanh khí phế quản, viêm phổi, rối loạn chức năng gan, xuất huyết do giảm tiểu cầu.

Câu hỏi 4: Tại sao cần cách ly người bị bệnh quai bị?

Trả lời: Bệnh nhân bị quai bị nên tránh tiếp xúc với người khác trong khoảng thời gian bệnh dễ lây lan nhất, cụ thể là ít nhất 5 ngày kể từ khi tuyến nước bọt bắt đầu sưng lên. Bệnh nhân không nên đi làm, đi học hoặc tham gia bất kỳ sự kiện xã hội nào. Thay vào đó, người bệnh quai bị nên ở nhà nghỉ ngơi và hạn chế tiếp xúc với những người đang cùng chung sống, lời khuyên là nên ngủ trong phòng riêng nếu được. Cách ly khi đang mắc bệnh quai bị là một yêu cầu quan trọng để tránh lây truyền virus sang cho người khác. Những người bị nhiễm quai bị sẽ không phát bệnh ngay lập tức vì thời gian ủ bệnh dao động trong khoảng 12 - 25 ngày. Có thể phải mất từ ​​2 - 4 tuần thì các dấu hiệu của bệnh quai bị mới dần xuất hiện.


Bệnh nhân mắc bệnh quai bị nên ở nhà nghỉ ngơi và hạn chế đến những nơi đông người.
Bệnh nhân mắc bệnh quai bị nên ở nhà nghỉ ngơi và hạn chế đến những nơi đông người.

Câu hỏi 5: Các biện pháp để ngăn ngừa quai bị lây lan là gì?

Trả lời: Ngoài việc tránh xa người khác khi đang bị quai bị, bệnh nhân có thể giúp ngăn chặn virus lây lan bằng cách:

  • Che miệng và mũi bằng khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi, và sau đó vứt khăn giấy đã sử dụng vào thùng rác. Nếu không có khăn giấy, nên ho hoặc hắt hơi vào tay áo hoặc khuỷu tay trên thay vì bàn tay;
  • Rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng diệt khuẩn;
  • Tránh dùng chung những đồ vật có thể dính nước bọt, ví dụ như chai nước hoặc chén bát;
  • Khử trùng các bề mặt mà người bệnh thường xuyên chạm vào, chẳng hạn như đồ chơi, tay nắm cửa, hoặc mặt bàn.

Câu hỏi 6: Bệnh nhân nên làm gì khi bị quai bị?

Trả lời: Vệ sinh răng miệng, ăn những thực phẩm dễ tiêu hoá, giảm đau tại chỗ bằng cách đắp ấm vùng sưng, giảm đau toàn thân và hạ sốt bằng paracetamol. Trường hợp viêm tinh hoàn. Mặc quần lót nâng tinh hoàn để giảm đau, nghỉ ngơi là chủ yếu, hạn chế vận động. Cần cập nhật lịch sử tiêm chủng vắc-xin MMR của người bệnh và tất cả thân nhân trong gia đình. Bác sĩ có thể đề nghị tiêm thêm liều bổ sung cho những đối tượng thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc quai bị do đã tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân, chẳng hạn như:

  • Dùng chung dụng cụ thể thao;
  • Chia sẻ đồ ăn hoặc thức uống;
  • Đã hôn người bệnh;
  • Sinh sống trong khu vực có người bị nhiễm bệnh.

Ngay cả người đã tiêm đủ 2 liều MMR vẫn cần liên hệ với bác sĩ để được theo dõi nếu thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ như trên. Bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán nếu có các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm quai bị.

Nhìn chung, kể cả khi có dịch quai bị hay không, rửa tay thường xuyên với nước và xà phòng diệt khuẩn, cũng như chăm sóc sức khỏe đúng cách, là những bước quan trọng mà mọi người đều nên thực hiện để tránh mắc bệnh và lây truyền virus sang người khác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Cdc.gov

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe