Mắc bệnh quai bị: Nên kiêng gì, nên ăn gì?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thị Diễm Thúy - Bác sĩ tư vấn vắc-xin - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Quai bị là bệnh lành tính nhưng lại có thể gây biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời đúng cách. Để đảm bảo sức khỏe một cách tốt nhất, người mắc quai bị có thể tham khảo các thực phẩm nên kiêng và nên ăn dưới đây.

1. Bệnh quai bị là gì?

Quai bị là bệnh truyền nhiễm do một loại siêu vi gây ra, biểu hiện đặc trưng đó là sưng các tuyến nước bọt. Thời gian từ khi bạn bị nhiễm virus và bệnh kéo dài trong khoảng thời gian từ 12-24 ngày. Bệnh lý này khá phổ biến ở trẻ nhỏ, nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ để lại một số biến chứng gây ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như cuộc sống.

Quai bị rất dễ lây truyền qua đường nước bọt, tuy nhiên bệnh không dễ lây như bệnh thủy đậu, bệnh sởi. Đối tượng mắc bệnh khi đó sẽ có khả năng lây nhiễm nhất từ 2 ngày trước khi các triệu chứng xuất hiện cho đến 6 ngày sau khi triệu chứng kết thúc. Quai bị thường gặp ở trẻ em từ 2- 14 tuổi. Đối với trẻ dưới 2 tuổi, hay ít hơn 1 tuổi rất hiếm mắc bệnh do trẻ vẫn kháng sinh tốt từ mẹ.

2. Quai bị ăn gì để mau lành?

Khi mắc quai bị ngoài việc lựa chọn được phương pháp điều trị phù hợp, bạn cần phải áp dụng được chế độ ăn uống khoa học và hợp lý. Những món ăn khuyến cáo người bệnh nên thực hiện trong chế độ ăn hàng ngày như sau:

2.1 Lựa chọn những thức ăn dạng lỏng

Khi mắc bệnh quai bị người bệnh sẽ bị sốt cao, cơ thể có khó có thể hấp thu được những món ăn cứng và thường cảm thấy chán ăn...Do đó, tốt nhất bạn hãy chuẩn bị cho người bệnh những thức ăn dạng lỏng nhưng vẫn chứa đủ chất dinh dưỡng. Một số món ăn nên lựa chọn như: gạo tẻ, ngó sen, canh trứng...nhằm giúp cơ thể hấp thu dinh dưỡng dễ dàng hơn.

Lời khuyên cho bệnh nhân trong thời gian này đó là ăn nhiều và chia thành nhiều bữa ăn. Lưu ý thêm về hệ tiêu hóa trong thời gian này cũng khá nhạy cảm nên các bạn cần phải chú ý về điều chỉnh liều lượng sao cho phù hợp. Trong trường hợp có những dấu hiệu thuyên giảm bạn không nên chuyển sang ăn những loại thực phẩm cứng mà vẫn duy trì chế độ ăn uống cũ để không ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.

2.2 Nên ăn những món ăn được chế biến từ đậu

Những món ăn từ đậu có hàm lượng dinh dưỡng ở mức độ khá cao. Bởi vậy, nó được xem như một bài thuốc giúp cơ thể chống lại bệnh tật. Đặc biệt, đậu còn có khả năng tăng sức đề kháng cao đối với những người mắc quai bị.


Đậu có khả năng tăng sức đề kháng cao đối với người mắc quai bị
Đậu có khả năng tăng sức đề kháng cao đối với người mắc quai bị

Bài thuốc dân gian cũng được nhiều người áp dụng đó là khi mắc quai bị các bạn nên dùng đậu tương, đậu xanh với số lượng ngang nhau và mang đi nấu nhừ để ăn mỗi ngày. Hoặc bạn có thể hầm nhừ đậu xanh gồm cả vỏ, sau đó cho thêm rau cải. Thực đơn này bạn áp dụng trong vòng 3-5 ngày liên tiếp, bệnh sẽ nhanh chóng thuyên giảm.

2.3 Nên bổ sung những món ăn từ rau xanh

Trong rau xanh có chứa hàm lượng vitamin A cao nên rất tốt cho hệ tiêu hóa. Những người mắc bệnh quai bị, hệ tiêu hóa rất quan trọng bởi vậy việc bổ sung thêm hàm lượng rau xanh là một trong những điều rất cần thiết. Cùng với đó, bạn cần phải bổ sung thêm các loại hoa quả có lợi cho sức khỏe.

Bệnh nhân có thể dùng khổ qua để chế biến những món ăn dinh dưỡng cho người bệnh rất tốt. Những món ăn này nhằm đảm bảo được chất dinh dưỡng và tăng cường được sức đề kháng cho cơ thể.

3. Bệnh nhân quai bị ăn kiêng gì?

Trong thời gian mắc bệnh người bệnh cần tránh một số thực phẩm có khả năng khiến tuyến hàm sưng to, bệnh nặng hơn như:

3.1 Đồ chua

Các thực phẩm có vị chua sẽ kích thích tuyến nước bọt tiết ra nhiều, sẽ gây đau.

3.2 Thịt gà

Thịt gà là món ăn khoái khẩu của nhiều người nhưng bị quai bị nên kiêng thịt gà vì đây là món ăn cứng, khiến hàm hoạt động nhiều gây đau đớn, hơn nữa đây còn là thực phẩm khó tiêu không tốt cho người bệnh.

3.3 Đồ nếp

Các món ăn làm từ gạo nếp cũng là món ăn người mắc quai bị nên kiêng vì cũng sẽ khiến quai hàm sưng to hơn, gây đau đớn cho người bệnh.


Đồ nếp là một trong những thực phẩm người quai bị cần kiêng vì sẽ khiến quai hàm sưng to và đau hơn
Đồ nếp là một trong những thực phẩm người quai bị cần kiêng vì sẽ khiến quai hàm sưng to và đau hơn

3.4 Đồ ăn cay nóng, đồ tanh

Các thực phẩm như ớt, tiêu, đồ hải sản khiến bụng khó tiêu hóa, cơ thể sẽ ít hấp thu dinh dưỡng khiến người bệnh nóng trong, cơ thể càng thêm mệt mỏi.

4. Những lưu ý khi điều trị quai bị

Ngoài các nhóm thực phẩm người mắc quai bị nên kiêng thì người bệnh cần phải kiêng nhiều thứ khác trong sinh hoạt như:

Quai bị là bệnh rất dễ lây vì thế để tránh bùng phát thành đại dịch thì ngay khi phát hiện mình bị quai bị bạn cần phải cách ly với người xung quanh, không tới những nơi tập trung nhiều người như trường học, bệnh viện. Trường hợp người trong gia đình mắc quai bị bạn nên cách ly bằng cách sử dụng riêng các vật dụng cá nhân, nên đeo khẩu trang khi mang đồ ăn tới cho bệnh nhân.

Người mắc quai bị phải nhớ kiêng gió và nước lạnh; vì đây là những yếu tố nguy cơ khiến vùng quai bị sưng to và đau hơn. Tuy nhiên, người bệnh nên tắm rửa và vệ sinh cá nhân bình thường bởi vệ sinh sạch sẽ còn giúp tiêu diệt vi khuẩn. Trong suốt thời gian điều trị bệnh bạn nên tắm bằng nước ấm, thời gian tắm ngắn hơn bình thường.

Trong thời gian mắc quai bị người bệnh nên kiêng hoạt động mạnh, dừng các hoạt động thể thao tới khi khỏi bệnh, nên nghỉ ngơi nhiều để giảm đau. Đặc biệt, khi thấy tinh hoàn có hiện tượng sưng đau người bệnh cần phải nhờ tới sự trợ giúp của bác sĩ và nằm nghỉ ngơi tại giường nếu không có thể gặp biến chứng viêm tinh hoàn, teo tinh hoàn và có thể dẫn tới vô sinh.

Quai bị cũng như những bệnh lý khác bạn tuyệt đối không được tự ý sử dụng các loại thuốc uống, thuốc đắp lên vùng bị sưng đau khi chưa có sự thăm khám và chỉ định của bác sĩ.

Những thông tin trên đây hy vọng đem lại cho bạn những kiến thức bổ ích về bệnh quai bị, cũng như những thắc mắc bệnh quai bị nên ăn gì và kiêng gì để nhanh khỏi. Bên cạnh đó ngay khi thấy những triệu chứng bệnh bạn hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế để được các bác sĩ hỗ trợ thăm khám và có hướng điều trị cụ thể.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe