Các vắc-xin khuyến cáo tiêm chủng cho người trên 60 tuổi

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hải Hà - Trưởng Đơn nguyên vắc-xin – Khoa Ngoại trú Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

-

Việc tiêm vắc - xin không chỉ quan trọng cho trẻ em mà đối với người lớn, người già cũng rất cần thiết để bảo vệ cơ thể trước những bệnh truyền nhiễm có thể phòng tránh được.

1. Vắc-xin phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván

Bạch hầu, ho gà, uốn ván đều là những bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của chúng ta.

  • Uốn ván: hay còn được gọi là chứng cứng hàm. Trực khuẩn uốn ván Clostridium tetani có thể xâm nhập vào cơ thể người qua các vết thương, vết cắt hoặc vết trầy xước. Độc tố uốn ván tác động vào hệ thần kinh cơ làm cho bệnh nhân bị co giật trên nền các cơ bị co cứng. Ở người lớn, bệnh thường có biểu hiện đau mỏi hàm, khó há miệng, có các triệu chứng như co thắt cơ, cứng cơ ở đầu và cổ, bệnh nhân cảm thấy khó thở và đau khắp người. Uốn ván nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra tử vong.
  • Bạch hầu: là bệnh nhiễm trùng nhiễm độc do trực khuẩn bạch hầu Corynebacterium diphtheria gây ra. Vi khuẩn tiết ra ngoại độc tố gây tổn thương nhiều tổ chức và cơ quan trong cơ thể. Bệnh lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp có thể xâm nhập qua da tổn thương gây bạch hầu da. Khi bị bệnh, người bệnh thường sốt nhẹ, đau họng, ho, khàn tiếng, chán ăn. Sau 2-3 ngày, họng thường có một lớp màng giả mạc màu trắng ngà, xám đen, dai, dính, dễ chảy máu. Trường hợp nặng có thể có tình trạng khó thở, tắc nghẽn đường hô hấp, viêm cơ timsuy tim, thậm chí là tử vong.
  • Ho gà: căn bệnh này khá phổ biến, do vi khuẩn Bordetella pertussis gây ra. Bệnh lây qua giọt nước bọt khi ho và hắt hơi. Bệnh thường có biểu hiện ho, chảy nước mũi, hắt hơi, sốt...sau đó gây ra những cơn ho nặng, khó thở, thở rít, thậm chí ngừng thở. Người bệnh thường có biểu hiện mắt đỏ ngầy, nôn và kiệt sức sau mỗi cơn ho. Nếu bệnh không được điều trị sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi hoặc tử vong.

Vắc-xin Tdap ( Adacel, Boostrix ...) là vắc-xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván. Theo khuyến cáo, bạn nên tiêm một liều Tdap định kỳ vào khoảng 10-13 tuổi; đối với những trường hợp không tiêm Tdap ở độ tuổi này thì nên tiêm càng sớm càng tốt. Có thể tiêm vắc-xin Tdap như Adacel từ 4 đến 64 tuổi, tiêm vắc-xin Boostrix từ 4 tuổi trở lên và nhắc lại mỗi 10 năm, không giới hạn độ tuổi. Đặc biệt, đối với phụ nữ đang mang thai, nếu trước khi mang thai chưa được tiêm Tdap thì có thể tiêm một liều Tdap vào thai kỳ tuần thứ 27- dưới 35 tuần để bảo vệ thai nhi khi sinh ra không mắc bệnh ho gà sớm ở giai đoạn sơ sinh.

Bên cạnh vắc-xin Tdap, vắc-xin Td phòng bạch hầu – uốn ván được khuyến cáo tiêm nhắc mỗi 10 năm một lần để đạt được hiệu quả phòng bệnh tốt.

Sau khi tiêm vắc-xin Tdap có thể có các triệu chứng như sau:

  • Đau, sưng tấy tại chỗ tiêm
  • Nhức đầu, sốt, cơ thể mệt mỏi
  • Buồn nôn, tiêu chảy, hoặc đau bụng
  • Phát ban, ớn lạnh, đau khớp

Tuy nhiên triệu chứng này thường nhẹ, có thể hoàn toàn tự khỏi sau 1-2 ngày sau tiêm.


Vắc-xin Tdap là một loại vắc-xin giúp thanh thiếu niên và người lớn phòng ngừa được các căn bệnh uốn ván, bạch hầu và ho gà hiệu quả
Vắc-xin Tdap là một loại vắc-xin giúp thanh thiếu niên và người lớn phòng ngừa được các căn bệnh uốn ván, bạch hầu và ho gà hiệu quả

2. Vắc-xin phòng cúm

Cúm là bệnh dễ lây qua đường hô hấp, do vi rút cúm gây ra. Bệnh cúm

Bệnh cúm có thể xuất hiện ở mọi đối tượng, kèm theo các triệu chứng như sốt, đau họng, đau cơ, ho, mệt mỏi, đau đầu, sổ mũi kéo dài trong vài ngày. Bệnh cúm có thể gây nguy hiểm đối với những đối tượng như trẻ sơ sinh, thai phụ, người có hệ thống miễn dịch kém và người già đặc biệt là trên 65 tuổi.

Theo Tổ chức y tế thế giới ước tính hàng năm có:

  • 5%–10% ở người lớn và 20%–30% ở trẻ em mắc cúm
  • 3–5 triệu ca cúm nặng
  • 290,000–650,000 ca tử vong

Chính vì vậy, để phòng ngừa bệnh cúm, nên tiêm vắc - xin phòng cúm hàng năm. Và theo quyết định 2078/QĐ-BYT ngày 23/6/2011, Bộ Y tế đã khuyến cáo:

  • Nên tiêm phòng vắc xin cúm hàng năm
  • Các nhóm nguy cơ lây nhiễm cúm nên được tiêm phòng:
    • Nhân viên y tế
    • Trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi
    • Người có bệnh mạn tính (bệnh phổi mạn tính, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, tiểu đường, suy giảm miễn dịch ...)
    • Người già trên 65 tuổi

Vắc-xin phòng cúm có thể tiêm cho cả phụ nữ đang mang thai. Sau khi tiêm vắc-xin phòng cúm có thể gặp một số triệu chứng giả cúm như:

  • Ho, hắt hơi, chảy nước mũi trong
  • Đau nhức, sưng tấy tại vết tiêm
  • Cơ thể mệt mỏi, giọng khàn

3. Vắc-xin phòng thủy đậu


Vắc-xin Varivax phòng thủy đậu
Vắc-xin Varivax phòng thủy đậu

Bệnh thủy đậu gây ra bởi vi rút Varicella Zoster. Bất cứ ai chưa từng bị thủy đậu hoặc chưa được tiêm vắc-xin phòng thủy đậu đều dễ dàng bị nhiễm bệnh nếu tiếp xúc với người bị bệnh thủy đậu. Trẻ em dưới 12 tháng tuổi, thanh thiếu niên chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh, phụ nữ có thai và những người từ 65 tuổi trở lên là những đối tượng rất dễ bị nhiễm bệnh.

Bệnh thủy đậu thường có các dấu hiệu như phát ban mụn nước, ngứa kéo dài trong vòng 1 tuần. Ngoài ra còn có một số triệu chứng khác như sốt, mệt mỏi, ăn không ngon miệng, nhức đầu, thậm chí xuất hiện những vết nhiễm trùng da, viêm phổi hoặc phù não.

Hiện nay tại Việt Nam, có 1 số loại vắc-xin phòng thủy đậu như: Varivax, Varicella, Varilrix...Vắc-xin được chỉ định tiêm phòng cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên mà chưa bị bệnh thủy đậu hoặc không có kháng thể chống lại virus thủy đậu. Đối với trẻ lớn, người lớn, người già tiêm 2 mũi cách nhau ít nhất 28 ngày.

  • Varicella: từ 12 tuổi trở lên: tiêm 2 mũi cách nhau 6-8 tuần.
  • Varivax: từ 13 tuổi trở lên: tiêm 2 mũi cách nhau 4-8 tuần

Sau khi tiêm vắc - xin phòng thủy đậu, có thể gặp 1 số phản ứng phụ như:

  • Đau nhức ở cánh tay
  • Sốt, phát ban nhẹ
  • Rất hiếm gặp viêm phổi, viêm màng não, sốt cao dẫn tới co giật.

4. Vắc-xin phòng phế cầu (Prevenar 13)

Bệnh viêm phổi, viêm não do phế cầu khuẩn là một loại bệnh do vi khuẩn này gây ra. Bệnh có thể xảy ra quanh năm, tuy nhiên thường gặp nhất vào mùa đông và mùa xuân. Phế cầu khuẩn có thể nhiễm vào máu, phổi và màng não gây bệnh viêm tai giữa, viêm màng não mủ, viêm phổi và nhiễm trùng huyết. Phế cầu khuẩn có thể lây lan từ người sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp với các chất bài tiết hô hấp như nước bọt hoặc chất dịch. Vi khuẩn có thể cư trú trong họng và mũi, có thể lây truyền bệnh mà không gây ra triệu chứng nào.

Vắc-xin phòng phế cầu Prevenar 13 phòng 13 chủng phế cầu gây viêm phổi, viêm màng não ở cả trẻ em và người già, chỉ cần tiêm 1 mũi duy nhất cho cả đời ở trẻ từ 2 tuổi trở lên đến người già không giới hạn độ tuổi. Vắc-xin này còn có thể tiêm cả cho trẻ em từ 6 tuần tuổi trở đi.

Vắc-xin phòng phế cầu (Prevenar 13) đặc biệt được khuyến cáo tiêm cho những người có thói quen hút thuốc lá, những bệnh nhân có bệnh lý mạn tính, những người đang bị suy giảm miễn dịch, người cắt lách, hay bị bệnh lí đường hô hấp (hen phế quản, COPD...).

Sau khi tiêm vắc-xin có thể gặp 1 số phản ứng phụ:

  • Đau, sưng tại chỗ tiêm, có thể gặp di chuyển cánh tay hạn chế
  • Nhức đầu, sốt, cơ thể mệt mỏi
  • Buồn nôn, tiêu chảy (ít gặp)
  • Phát ban, ớn lạnh, đau khớp, đau cơ, giảm cảm giác thèm ăn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Acog.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe