5 căn bệnh mạn tính ở nữ giới đang có xu hướng trẻ hóa

Bài viết của Bác sĩ chuyên khoa I Néang Chanh Ly - Bác sĩ Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Áp lực trong cuộc sống được coi là một trong những nguyên nhân có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và gia tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính ở nữ giới như tim mạch, tăng cholesterol, loãng xương, đái tháo đường, ung thư cổ tử cung, ung thư vú...

Một thực trạng cho thấy là hiện nay nhiều chị em chưa có góc nhìn đúng đắn về việc kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt là phụ nữ sắp bước qua tuổi 30. Hầu hết các bạn đều cho rằng cơ thể của mình vẫn còn khỏe mạnh, khi chưa có dấu hiệu rõ rệt. Việc chủ quan trong vấn đề kiểm tra sức khỏe tổng quát có thể dẫn đến những hiểm họa tiềm tàng. Trong khi đó, chỉ một số xét nghiệm thông thường đã có thể giúp chị em phòng ngừa được các bệnh mạn tính ở nữ giới dễ mắc phải.

1. Ung thư cổ tử cung

Khám sức khỏe tổng quát và làm các xét nghiệm Pap smear, HPV là cách hiệu quả để phát hiện tế bào ung thư cổ tử cung. Việc phát hiện sớm hỗ trợ rất tốt cho quá trình điều trị được hiệu quả hơn.

Theo khảo sát, ung thư cổ tử cung hiện nay đang trở nên ngày càng phổ biến và có xu hướng trẻ hóa. Xét nghiệm Pap smear giúp chỉ ra nguy cơ mắc bệnh dựa vào sự bất thường trong cấu trúc và hoạt động tế bào tử cung. Từ đó, phát hiện ung thư sớm trước khi bệnh lây lan. Đây cũng là một xét nghiệm thực hiện dễ dàng và không gây đau hay khó chịu.

2. Ung thư vú

Siêu âm tuyến vú là một kỹ thuật thực hiện rất đơn giản, nhẹ nhàng và không hề xâm lấn nên mọi chị em phụ nữ đều có thể thực hiện. Siêu âm giúp phát hiện được những tổn thương trên mô vú dày, nang vú, abces tuyến vú, xác định được loại u lành tính hay ác tính và kích thước lớn hay nhỏ mà khám lâm sàng không thể nhìn thấy.

Cũng như ung thư cổ tử cung, việc phát hiện và có kế hoạch điều trị sớm sẽ mang lại hiệu quả cao hơn cho bệnh nhân mắc ung thư vú dù ở bất cứ giai đoạn nào.

3. Đái tháo đường

Stress có thể dẫn đến đái tháo đường. Do đó, với áp lực trong cuộc sống hiện tại, tỉ lệ phụ nữ mắc căn bệnh này cũng tăng. Việc đo chỉ số đường huyết để biết được chỉ số đường vốn đơn giản nhưng lại giúp xác định chính xác chị em có mắc bệnh đái tháo đường hay không và bệnh đang ở mức độ mấy để có phương án điều trị phù hợp.

4. Tăng cholesterol

Cholesterol là một loại chất béo cần thiết đối với sự phát triển của các tế bào trong cơ thể, giúp sản sinh ra các loại hormone, axit mật và vitamin D. Để đo mức cholesterol, bệnh nhân cần tiến hành làm xét nghiệm máu, kết quả xét nghiệm sẽ cho biết cholesterol đang ở mức độ nào. Sau khi phân tích thành phần lipoprotein và đo được lượng cholesterol, bác sĩ sẽ tư vấn để đưa ra hướng điều trị sao cho phù hợp với từng độ tuổi cũng như tình trạng sức khỏe hiện tại của bệnh nhân.

5. Tim mạch

Tim mạch hiện cũng đang là một trong 5 bệnh mạn tính ở nữ giới có xu hướng trẻ hóa. Các nguyên nhân dẫn đến bệnh tim mạch có thể do thói quen sinh hoạt, di truyền trong gia đình hoặc đi kèm các bệnh lý có liên quan khác. Thường thấy nhất là lượng cholesterol xấu (LDL cholesterol) ở nữ giới trong máu cao, tích tụ trong thành mạch máu. LDL cao sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch của cơ thể, dẫn đến sự tích tụ mảng bám. Đây không phải là một bệnh hiếm gặp ở người trẻ, vì thế không nên chủ quan. Để có thể theo dõi sức khỏe tim mạch, chị em chỉ cần theo dõi lượng cholesterol thông qua xét nghiệm máu.

Khám sức khỏe tổng quát định kỳ 6 tháng/ lần luôn là điều được các bác sĩ khuyến cáo nên làm để có thể phát hiện sớm các bệnh mạn tính ở nữ giới. Vì đây là những bệnh nguy hiểm nhưng lại không có biểu hiện nào ra bên ngoài cho đến khi trở nặng. Đặc biệt ở phụ nữ, nguy cơ mắc các bệnh ung thư vú, ung thư cổ tử cung vốn rất cao.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe