4 tác dụng phụ tiềm tàng của rễ Valerian

Rễ cây Valerian là một loại thảo dược được biết đến nhiều nhất với công dụng điều trị hiệu quả các vấn đề về giấc ngủ, chẳng hạn như chứng mất ngủ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, nó có thể tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ không mong muốn đối với sức khỏe.

1. Tổng quan về rễ cây Valerian

Rễ cây Valerian được xem như một phương thuốc hữu hiệu giúp cải thiện các vấn đề về giấc ngủ, giảm bớt lo lắng, giảm các triệu chứng mãn kinh và đem lại cảm giác thư giãn, thoải mái. Loại thảo dược này đã được sử dụng phổ biến trong y học hàng ngàn năm, và thường được điều chế dưới dạng viên nang, chiết xuất chất lỏng hoặc sấy khô làm trà.

Rễ cây Valerian đến từ loài thảo mộc Valeriana officinalis, có nguồn gốc từ Châu Á và Châu Âu, cùng với một số quốc gia khác như Hoa Kỳ. Một số nghiên cứu cho thấy, rễ cây Valerian là một loại thuốc thảo dược có công dụng đáng kinh ngạc khi được sử dụng để điều trị cho chứng mất ngủ, tuy nhiên nó có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn.

2. Tác dụng phụ của rễ Valerian

2.1 Gặp ác mộng khi ngủ

Một trong những tác dụng phụ phổ biến nhất khi sử dụng rễ cây Valerian (cây nữ lang) là tạo ra những cơn ác mộng (Vivid dream) khi ngủ.

Một cuộc nghiên cứu đã được thực hiện nhằm tìm kiếm những tác dụng phụ của Valerian và Kava- một loại thảo dược khác, cũng được sử dụng để điều trị cho chứng mất ngủ. Các nhà nghiên cứu đã cho 24 người tham gia sử dụng 4 ounce (120mg) Kava mỗi ngày trong vòng 6 tuần, sau đó nghỉ dùng 2 tuần, và tiếp tục sử dụng 20 ounce (600mg) Valerian mỗi ngày trong 6 tuần.


Sử dụng rễ cây Valerian có tác dụng đối với bệnh nhân mắc chứng mất ngủ
Sử dụng rễ cây Valerian có tác dụng đối với bệnh nhân mắc chứng mất ngủ

Kết quả là, phần lớn những người sử dụng hai loại thảo dược này đều không gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào, tuy nhiên có khoảng 16% số trường hợp đã trải qua các cơn ác mộng trong quá trình điều trị chứng mất ngủ bằng Valerian.

Sở dĩ cây nữ lang (Valerian) có thể gây ra những cơn ác mộng khi ngủ vì chúng có chứa tinh dầu, và các hợp chất iridoid glycosides. Những hợp chất này có khả năng kích thích các thụ thể opioid và sản xuất ra serotonin trong não của bạn, mang lại cảm giác thư giãn và giúp chống lại các triệu chứng của bệnh trầm cảm.

Ngoài ra, một số nghiên cứu cũng cho biết Valerian có thể làm tăng nồng độ axit gamma aminobutyric (GABA) trong não, một chất có tác dụng làm dịu cơ thể và làm giảm sự kích thích thần kinh.

Nhìn chung, những đặc tính an thần này là nhân tố chính làm thúc đẩy giấc ngủ sâu hơn, từ đó dẫn đến những giấc mơ sống động. Vì vậy, các nhà khoa học thường khuyến cáo những người dễ gặp phải các giấc mơ khó chịu không nên sử dụng rễ cây Valerian, bởi vì nó có thể gây ra ác mộng.

2.2 Tình trạng đánh trống ngực

Đánh trống ngực là tình trạng tim đập nhanh, đập thình thịch, thường được kích hoạt bởi sự căng thẳng, sử dụng thuốc, tập thể dục hoặc một tình trạng y tế. Mặc dù đánh trống ngực không gây hại tới sức khỏe, nhưng nó có thể trở thành một vấn đề đáng lo ngại nếu bạn không quen với tình trạng này.

Từ thế kỷ thứ 16, người ta thường sử dụng rễ cây Valerian để điều trị cho chứng tim đập nhanh, nhưng trớ trêu thay, một số trường hợp đã có các biểu hiện của đánh trống ngực do tác dụng phụ của việc sử dụng, hoặc ngừng sử dụng rễ cây Valerian. Tuy nhiên, những thông tin này chỉ mang tính chất giai thoại và không dựa trên nghiên cứu. Do đó, các nhà khoa học cần bắt tay thực hiện thêm nhiều nghiên cứu khác để xác định cụ thể các tác dụng phụ tiềm ẩn của loại thảo dược này.

2.3 Khô miệng và đau dạ dày

Rễ cây Valerian có thể gây ra một số hiệu ứng tiêu hóa và miệng từ mức độ nhẹ cho đến trung bình. Việc sử dụng loại thảo dược này có thể làm gia tăng hoạt động của đường ruột, do đó trong nhiều thế kỷ tại Châu Âu, Valerian đã được sử dụng để điều trị các vấn đề về tiêu hóa, chẳng hạn như táo bón. Tuy nhiên, công dụng nhuận tràng của chúng đôi khi gây ra một số triệu chứng không mong muốn, bao gồm tiêu chảy hoặc đau dạ dày.

Trong một cuộc nghiên cứu kéo dài 28 ngày, với 391 người tham gia sử dụng nhiều loại thảo dược khác nhau để cải thiện giấc ngủ, trong số đó có 18% các trường hợp dùng rễ cây Valerian đã gặp phải tình trạng tiêu chảy và khô miệng.


Người gặp bệnh lý đường tiêu hóa có thể tham khảo sử dụng Valerian
Người gặp bệnh lý đường tiêu hóa có thể tham khảo sử dụng Valerian

2.4 Nhức đầu và rối loạn tâm thần

Rễ cây Valerian nếu sử dụng trong một thời gian dài không chỉ làm gia tăng tình trạng đau đầu mà còn gây ra một số vấn đề khác liên quan đến não bộ, chẳng hạn như dễ bị kích thích hoặc lo lắng, bực bội.Bên cạnh đó, một số người cảm thấy uể oải hơn vào mỗi buổi sáng sau khi uống rễ cây nữ lang, đặc biệt là sử dụng liều cao, ngay cả khi nó có thể giúp họ ngủ ngon hơn.Nếu bạn gặp phải bất kỳ triệu chứng nào được đề cập ở trên, bạn nên giảm liều lượng Valerian xuống mức độ hợp lý hơn.

3. Lưu ý khi kết hợp rễ cây Valerian với các loại thuốc khác

Cũng giống như các loại thảo mộc khác, bạn nên thận trọng khi sử dụng rễ cây Valerian cùng với các chất, hoặc thuốc khác. Mặc dù các tác dụng phụ nghiêm trọng dường như rất hiếm khi xảy ra, tuy nhiên rễ cây Valerian có thể tương tác với những thứ sau đây:

  • Thuốc chống trầm cảm;
  • Rượu;
  • Thuốc an thần, ví dụ như thuốc ngủ, thuốc chống co giật và thuốc benzodiazepin;
  • Thuốc hạ cholesterol (statin);
  • Ma túy;
  • Một số loại thuốc chống nấm;
  • Thuốc kháng histamine;
  • Cây Ban Âu (St. John’s wort).

Ngoài ra, bạn cũng không nên dùng rễ cây Valerian ở liều cao, hoặc song song với các chất có tác dụng tương tự, chẳng hạn như thuốc an thần, hoặc thuốc hỗ trợ giấc ngủ.

Khi sử dụng loại thảo dược này cùng với những chất được liệt kê ở trên có thể gây ra tình trạng buồn ngủ quá mức, hoặc khiến bệnh trầm cảm trở nên nghiêm trọng hơn. Hơn nữa, rễ cây Valerian có khả năng làm chậm quá trình phân hủy thuốc của gan, khiến chúng tích tụ lại trong cơ thể. Đặc biệt, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai, hoặc cho con bú cũng nên tránh sử dụng Valerian vì chưa có thông tin chính xác về độ an toàn của chúng dành cho những đối tượng này.


Rễ cây Valerian có thể tương tác với một số loại thuốc khác nhau
Rễ cây Valerian có thể tương tác với một số loại thuốc khác nhau

Bạn cần lưu ý rằng, loại thảo mộc này chỉ là một chất bổ sung vào chế độ ăn uống, và chúng không có tác dụng thay thế thuốc theo toa. Nếu bạn đang phân vân với lựa chọn sử dụng rễ cây Valerian, nên tìm đến một chuyên gia chăm sóc sức khỏe uy tín để được tư vấn và giải đáp.

4. Liều lượng thích hợp khi sử dụng rễ cây Valerian

Liều lượng chung của rễ cây Valerian được khuyến cáo cho việc điều trị các vấn đề về giấc ngủ là từ 300-600 mg, nên uống khoảng 30-120 phút trước khi đi ngủ. Bạn có thể sử dụng chúng để thay thế cho các loại trà, liều lượng khi pha là từ 2-3 gram rễ cây Valerian khô cùng với nước nóng.

Mặc dù loại thảo dược này thường được dung nạp tốt bởi cơ thể, tuy nhiên trong một số trường hợp nhất định, độc tính của chúng có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng, bao gồm nhiễm độc gan, đau đầu, tức ngực, đau bụng, hoặc run rẩy.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là cơ sở y tế chất lượng cao tại Việt Nam, có đội ngũ bác sĩ được đào tạo bài bản, chuyên sâu, giàu kinh nghiệm. Trang thiết bị y tế đầy đủ, hiện đại, nhập khẩu từ Mỹ, Anh, Đức, Nhật Bản... Cơ sở vật chất được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế, các phòng bệnh giống như khách sạn, mang đến cho người bệnh không gian, môi trường thoải mái nhất, giúp việc điều trị đạt được hiệu quả cao.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ đến Hotline Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe