Suy tim có thể là hậu quả của nhiều bệnh lý khác nhau. Đứng trước một bệnh nhân suy tim, cần tìm hiểu cơ chế dẫn đến tình trạng hiện tại của bệnh.
1. Tổng quan về bệnh suy tim
Suy tim là một vấn đề lớn của nhân loại và là gánh nặng bệnh tật của các quốc gia. Số lượng bệnh nhân suy tim không ngừng tăng qua các năm. Theo Hiệp hội tim mạch Mỹ (American Heart Association), mỗi năm tại Mỹ có khoảng 550.000 bệnh nhân được chẩn đoán suy tim mới. Suy tim là lý do khiến 12-15 triệu lượt người Mỹ đến các cơ sở y tế và 6.5 triệu ngày nằm viện mỗi năm. Tại Việt Nam, theo ước tính của Hội tim mạch học có khoảng 1.6 triệu người cần điều trị suy tim.
Suy tim có thể là hậu quả của các tổn thương thực thể hay rối loạn chức năng của tim. Đây là một hội chứng lâm sàng phức tạp dẫn đến suy giảm khả năng của tâm thất trong việc tiếp nhận máu ở thì tâm trương hoặc tống máu ở thì tâm thu. Suy tim là hậu quả của nhiều bệnh lý khác nhau như bệnh mạch vành, tăng huyết áp, bệnh van tim, loạn nhịp tim, bệnh tuyến giáp,... Trong đó, bệnh mạch vành là nguyên nhân phổ biến nhất, chiếm tỷ lệ trên 50%. Các nguyên nhân gây suy tim phổ biến tiếp theo là tăng huyết áp và bệnh lý van tim.
Bệnh suy tim ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống người bệnh. Các biểu hiện lâm sàng chính của suy tim là mệt mỏi, khó thở và ứ dịch. Bệnh nhân thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ, chán ăn, thường xuyên tiểu đêm, cân nặng thay đổi bất thường.
Cùng với đó, người bệnh có thể có nhiều triệu chứng về thở như thở nhanh, thở nông, khó thở khi gắng sức, khó thở kịch phát về đêm,... Ứ dịch sẽ dẫn đến xung huyết phổi hoặc phù ngoại vi ở vị trí chân, bụng, vùng sinh dục. Tuy nhiên, không phải tất cả các triệu chứng trên đều biểu hiện trên cùng bệnh nhân. Một số trường hợp có thể không đủ khả năng gắng sức nhưng không có hoặc rất ít biểu hiện ứ dịch; một số trường hợp khác có phù ngoại vi nhưng biểu hiện khó thở và mệt mỏi không điển hình.
2. 4 cơ chế suy tim
Khi suy tim, cung lượng tim sẽ bị giảm xuống. Cơ thể sẽ phản ứng để cố duy trì cung lượng này bằng các cơ chế bù trừ của tim và các hệ thống ngoài tim . Tuy nhiên khi các cơ chế bù trừ này vượt quá sẽ xảy ra suy tim với nhiều hậu quả nghiêm trọng. 4 cơ chế suy tim gồm:
2.1. Quá tải thể tích (tăng tiền gánh)
Tiền gánh quyết định mức độ kéo dài sợi cơ tim trong thời kỳ tâm trương. Các yếu tố ảnh hưởng đến tiền gánh gồm lượng máu từ tĩnh mạch về tâm thất, độ giãn của tâm thất.
Các yếu tố có thể gây quá tải thể tích (tăng tiền gánh) gồm:
- Tăng nhập muối và nước;
- Người bệnh không tuân thủ nghiêm túc việc điều trị, không sử dụng đúng các thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ;
- Mắc các bệnh lý như suy thận, cường giáp, hở van cấp tính, sốt,...
2.2. Quá tải áp lực (tăng hậu gánh)
Hậu gánh được định nghĩa là sức cản của các động mạch với sự co bóp của tâm thất, sức cản càng cao thì sức co bóp của tâm thất phải càng lớn. Các yếu tố làm quá tải áp lực (tăng hậu gánh) ở bệnh nhân gồm:
- Tăng huyết áp không kiểm soát;
- Thuyên tắc phổi.
2.3. Mất cơ tim (sức co bóp cơ tim giảm)
Sức co bóp cơ tim giảm sẽ dẫn đến suy tim, sức co bóp cơ tim càng giảm thì tình trạng suy tim càng nặng nề. Các yếu tố có thể dẫn đến giảm sức bóp cơ tim đột ngột như: nhồi máu cơ tim cấp, ngộ độc thuốc,...
2.4. Rối loạn chức năng tâm trương (giảm đổ đầy)
Rối loạn chức năng tâm trương do suy yếu sự đổ đầy thất trái do tăng tính cứng hoặc giảm sự thư giãn của các buồng tim. Các nguyên nhân có thể gây rối loạn chức năng tâm trương như: nhịp tim nhanh, bệnh màng ngoài tim,...
3. Các lưu ý khi điều trị bệnh suy tim
Suy tim là bệnh mạn tính, cần được điều trị suốt đời. Mục tiêu của điều trị suy tim là giảm nguy cơ tử vong, bên cạnh đó, điều trị còn làm giảm triệu chứng, giảm tỷ lệ nhập viện, chậm tiến triển, ngăn ngừa các biến chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh. Để điều trị bệnh suy tim hiệu quả, người bệnh cần tuân thủ nghiêm túc hướng dẫn điều trị của bác sĩ, sử dụng các loại thuốc với liều lượng và thời gian theo quy định. Đồng thời kết hợp với các biện pháp điều trị không dùng thuốc như:
- Kiểm soát chế độ ăn uống: Người bệnh suy tim cần hạn chế ăn mặn, tăng cường chế độ ăn nhạt để phòng ngừa các triệu chứng của ứ dịch; hạn chế lượng dịch đưa vào cơ thể đối với các bệnh nhân suy tim nặng; hạn chế uống rượu,...
- Ngừng hút thuốc lá: Các nghiên cứu đã cho thấy mối liên quan giữa việc ngừng thuốc lá với giảm bệnh suất và tử suất do suy tim.
- Giám sát chặt chẽ cân nặng: Tăng cân ở bệnh nhân suy tim thường liên quan đến việc tăng ứ dịch và bệnh suy tim đang tiến triển xấu. Do đó bệnh nhân cần được tư vấn để giám sát cân nặng hàng ngày.
Ngoài ra, luyện tập thể lực cũng là một biện pháp quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả điều trị, cải thiện chất lượng cuộc sống bệnh nhân suy tim. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra luyện tập thể lực hợp lý giúp giảm tỷ lệ tử vong, giảm tử lệ nhập viện và cải thiện được khả năng dung nạp khi gắng sức.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị suy tim
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.