Viêm loét dạ dày nặng là tình trạng xảy ra ở những bệnh nhân bị viêm loét dạ dày nhưng không điều trị kịp thời. Giai đoạn tiến triển này có thể xuất hiện nhiều biến chứng gây nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong. Chính vì thế, nhằm tránh những rủi ro nguy hiểm, bệnh nhân viêm loét dạ dày cần đến bệnh viện khám và điều trị càng sớm càng tốt.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Tổng quan về viêm loét dạ dày nặng
1.1. Viêm loét dạ dày nặng là gì?
Viêm loét dạ dày là thuật ngữ chung dùng để mô tả các bệnh đau dạ dày. Tên gọi cụ thể của bệnh phụ thuộc vào vị trí của vết viêm hoặc vết loét, chẳng hạn như đau thượng vị dạ dày, viêm hang vị, viêm bờ cong nhỏ, loét hang vị, viêm tâm vị…
Khi niêm mạc dạ dày bị tổn thương kéo dài mà không điều trị thích hợp sẽ dẫn đến tình trạng viêm loét dạ dày nặng. Trong giai đoạn này, bệnh nhân có thể xuất hiện các biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể đe dọa tính mạng.
1.2. Nguyên nhân gây ra viêm loét dạ dày
Viêm loét dạ dày có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:
- Nhiễm vi khuẩn HP.
- Chế độ ăn uống và sinh hoạt không phù hợp như thường xuyên bỏ bữa, ăn không đúng giờ, tiêu thụ nhiều thức ăn cay hoặc chua, thức ăn khó tiêu hoặc không nhai kỹ thức ăn trước khi nuốt…
- Uống nhiều rượu, bia, trà đậm, cà phê đặc…
- Viêm loét dạ dày do tác dụng phụ của các loại thuốc giảm đau hoặc thuốc điều trị các bệnh khác.
- Ăn hoặc uống phải các chất độc hại hoặc bị nhiễm khuẩn.
- Quá căng thẳng, stress hay lo lắng nhiều.
1.3. Biểu hiện của viêm loét dạ dày
Viêm loét dạ dày thường khởi phát với các cơn đau âm ỉ, có thể xảy ra trước hoặc sau khi ăn và đau nhiều hơn vào ban đêm. Cơn đau âm ỉ có thể trở nên dữ dội hơn tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Tình trạng này có thể kéo dài vài ngày và biến mất, nhưng đôi khi cơn đau có thể liên tục kéo dài trong vài tuần, thậm chí là vài tháng hoặc cả năm.
Người bệnh có thể cảm thấy khó tiêu, thường xuyên ợ hơi, ợ chua và buồn nôn… Khi gặp những dấu hiệu này, bệnh nhân nên đi khám, nội soi dạ dày để bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh và đề xuất phương pháp điều trị kịp thời. Nếu không được điều trị sớm, các vết loét có thể lan rộng và ăn sâu hơn, gây ra tình trạng viêm loét dạ dày nặng và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm tính mạng.
2. Viêm loét dạ dày có nguy hiểm không?
Bệnh viêm loét dạ dày nặng có thể gây nguy hiểm đến người bệnh do các biến chứng của bệnh gây ra như:
- Xuất huyết dạ dày;
- Hẹp môn vị dạ dày;
- Thủng dạ dày;
- Khó thở;
- Đau dữ dội ở vùng thượng vị;
- Ra mồ hôi nhiều và cảm thấy lạnh ở các chi;
- Bụng cứng và căng;
- Da xanh xao, tái nhợt;
- Huyết áp giảm đột ngột;
- Ung thư dạ dày.
3. Biến chứng thường gặp của viêm loét dạ dày nặng
3.1. Hẹp môn vị dạ dày
Hẹp môn vị dạ dày là một biến chứng thường gặp ở người mắc bệnh viêm loét dạ dày. Khi bị hẹp môn vị, người bệnh có thể trải qua một số triệu chứng khó chịu như sau:
- Đau bụng dữ dội, cơn đau xảy ra dồn dập, liên tục và kéo dài;
- Buồn nôn hoặc nôn, nôn ra thực phẩm có mùi hôi khó chịu;
- Tiêu chảy;
- Cảm giác mệt mỏi, lờ đờ, toát mồ hôi và suy nhược cơ thể.
3.2. Thủng dạ dày
Nếu không được điều trị viêm loét dạ dày kịp thời hoặc điều trị không triệt để, bệnh có thể dẫn đến thủng dạ dày. Ban đầu, người bệnh sẽ cảm nhận được cơn đau rất mạnh ở vùng thượng vị, giống như cảm giác có dao đâm vào bụng và không thể làm giảm đau bằng bất kỳ cách nào. Bụng trở nên gồng cứng, thở mạnh cũng khiến cơn đau tăng lên. Sau đó, cơn đau từ vùng thượng vị có thể lan rộng ra toàn bộ ổ bụng.
Nếu người bệnh viêm loét dạ dày nặng cảm thấy mệt mỏi, mặt tái nhợt, tay chân lạnh, ra mồ hôi và có thể xảy ra tụt huyết áp, đây có thể là dấu hiệu của biến chứng thủng dạ dày. Trong trường hợp này, mọi người cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện để cấp cứu và phẫu thuật ngay lập tức. Việc trì hoãn có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng đến tính mạng.
3.3. Xuất huyết tiêu hóa
Xuất huyết tiêu hóa là tình trạng chảy máu trong đường tiêu hóa từ thực quản đến hậu môn. Khi xảy ra xuất huyết tiêu hóa, người bệnh có thể nôn ra máu và đi ngoài phân có máu. Máu trong phân có thể có màu đỏ tươi hoặc thâm đen.
3.4. Ung thư dạ dày
Viêm loét dạ dày ban đầu là một tình trạng lành tính, tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời có thể tiến triển thành ung thư dạ dày. Đây là một trong những loại ung thư phổ biến nhất của hệ tiêu hóa và rất nguy hiểm.
4. Phương pháp điều trị viêm loét dạ dày
Bệnh viêm loét dạ dày gây ra do nhiều nguyên nhân khác nhau vì thế việc điều trị cũng tùy thuộc vào nguyên nhân bệnh nhân mắc phải. Dưới là các phương pháp điều trị thường được áp dụng:
- Điều trị bằng thuốc: Tùy vào tình trạng của bệnh nhân bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc phù hợp, ví dụ như trường hợp bệnh nhân bị viêm loét do vi khuẩn H.p sẽ được điều trị bằng thuốc diệt vi khuẩn H.p, thuốc giảm tiết dịch vị acid dạ dày, thuốc kháng acid và nhóm thuốc tạo màng bọc bảo vệ lớp niêm mạc. Lưu ý, quá trình điều trị bằng thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ. Chính vì thế, bệnh nhân cần tuân thủ hướng dẫn điều trị từ bác sĩ, không được tự ý dùng thuốc hoặc bỏ thuốc.
- Thực phẩm có tác dụng kháng viêm: Một số loại thực phẩm được biết đến có tác dụng kháng viêm như nghệ vàng, nha đam,... giúp hỗ trợ và điều trị viêm loét dạ nặng hiệu quả.
- Chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học: Bổ sung nhiều rau xanh, trái cây và hạn chế những đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ. Bệnh nhân nên tránh sử dụng chất kích thích để không gây hại cho dạ dày. Ngoài ra, bệnh nhân cần nghỉ ngơi và ăn uống đúng giờ, tập luyện thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe và hệ tiêu hóa.
- Phẫu thuật: Nếu bệnh nhân điều trị bằng thuốc không có hiệu quả hoặc xuất hiện các biến chứng nguy hiểm do viêm loét dạ dày nặng (như thủng dạ dày, hẹp môn vị,...), bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phẫu thuật.
- Viêm loét dạ dày nặng là một tình trạng dai dẳng và có thể xuất hiện những biến chứng nguy hiểm nếu như không được điều trị kịp thời. Vì thế, bệnh nhân cần chủ động đến bệnh viện để được kiểm tra và điều trị phù hợp nếu có bất kỳ bất thường nào ở dạ dày.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.