Da nhạy cảm nếu không được chăm sóc đúng cách thì tình trạng kích ứng da gây ngứa, đỏ, bong tróc da sẽ diễn ra thường xuyên. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến yếu tố thẩm mỹ và gây cảm giác khó chịu, kích ứng ở da nhạy cảm mà còn làm tăng nguy cơ viêm nhiễm ở da.
1. Da mặt nhạy cảm là như thế nào?
Da nhạy cảm là tình trạng da bị ngứa, châm chích, nóng rát, đỏ, căng sau khi tiếp xúc với các sản phẩm chăm sóc da, thức ăn, bụi bẩn hoặc các yếu tố khác từ môi trường. Do có nhiều yếu tố có thể gây tình trạng nhạy cảm ở da nên đôi khi không xác định được yếu tố cụ thể nào gây nên tình trạng nhạy cảm, khó chịu ở da.
Da mặt nhạy cảm là như thế nào? Để chẩn đoán làn da nhạy cảm, bác sĩ da liễu sẽ dựa vào các triệu chứng như:
- Xuất hiện các phản ứng ở da như da bị mụn mủ, sần sùi hoặc mòn da
- Da trở nên rất khô rát nên không bảo vệ được đầu các dây thần kinh trên da
- Da có xu hướng đỏ mức độ từ ít đến nhiều
2. Làm thế nào để biết mình có phải da nhạy cảm hay không?
Đi khám bác sĩ da liễu là cách tốt nhất để kiểm tra xem làn da của bạn có thuộc loại nhạy cảm hay không hoặc vấn đề nào khác đang gây tình trạng da của bạn.
3. Vì sao da nhạy cảm?
Có nhiều nguyên nhân gây phản ứng nhạy cảm ở da như:
- Các bệnh lý rối loạn da hoặc dị ứng ở da như chàm, hồng ban, viêm da dị ứng,...
- Da quá khô hoặc bị thương tổn nên không còn khả năng bảo vệ đầu các dây thần kinh của da, các dây thần kinh này sẽ gửi tín hiệu báo động về não bộ, gây phản ứng nhạy cảm ở da.
- Da thương tổn do tiếp xúc với quá nhiều các yếu tố có hại từ môi trường như nắng, gió, bụi bẩn, thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh.
- Các yếu tố di truyền, tuổi tác, giới tính, chủng tộc cũng có thể góp phần gây ra phản ứng nhạy cảm ở da.
4. Có xét nghiệm nào dùng để chẩn đoán da nhạy cảm?
Bác sĩ có thể sử dụng các xét nghiệm dị ứng để chẩn đoán dị ứng có đang gây ra tình trạng nhạy cảm ở da hay không. Tuy nhiên, không có một test nào có thể chẩn đoán tất cả các trường hợp nhạy cảm ở da vì có rất nhiều yếu tố có thể gây ra tình trạng này.
5. Nam giới có nên quan tâm về da nhạy cảm?
Da nhạy cảm có thể xảy ra ở cả nữ và nam, để bảo vệ da, nam giới cũng cần quan tâm đến vấn đề da nhạy cảm.
6. Một số lời khuyên giúp chăm sóc da mặt nhạy cảm?
- Làm sạch: người có làn da nhạy cảm nên dùng các loại sữa rửa mặt hoặc xà phòng rửa mặt dịu nhẹ, đã được kiểm nghiệm là ít khả năng gây kích ứng da mặt. Nên tránh sử dụng những loại xà phòng hoặc sữa rửa mặt có mùi thơm mạnh hoặc tính tẩy rửa mạnh.
- Dưỡng ẩm da: thường xuyên sử dụng sản phẩm dưỡng ẩm để giảm khô và bào mòn da.
- Cách chọn mỹ phẩm dưỡng da phù hợp: xem hướng dẫn dưới đây.
7. Cách chọn mỹ phẩm như thế nào để giúp hạn chế nguy cơ kích ứng làn da nhạy cảm?
Nhìn chung thì những sản phẩm thân thiện với da nhạy cảm sẽ có những đặc điểm sau đây:
- Sản phẩm thường chỉ có một hoặc một số ít thành phần.
- Sản phẩm không mùi hoặc mùi thơm rất nhẹ.
- Tránh những sản phẩm chứa: cồn, chứa chất kháng khuẩn hoặc chất khử mùi, retinoid hoặc axit alpha hydroxy.
8. Da nhạy cảm dùng mỹ phẩm gì?
Da nhạy cảm dùng mỹ phẩm gì? là mối quan tâm của rất nhiều người có làn da nhạy cảm. Lời khuyên của học viện da liễu Hoa Kỳ dành cho người có làn da nhạy cảm là:
- Sử dụng các loại phấn phủ có ít chất bảo quản, đây là sản phẩm có nguy cơ kích ứng da rất thấp.
- Những sản phẩm dưỡng da chứa silicone thường ít gây kích ứng da
- Không nên dùng các loại mỹ phẩm chống thấm nước, vì bạn phải cần dùng nước tẩy trang để tẩy sạch, làm tăng nguy cơ kích ứng da.
- Loại bỏ các mỹ phẩm cũ vì chúng có thể đã bị nhiễm bẩn, giảm chất lượng gây tăng nguy cơ gây phản ứng ở da nhạy cảm.
9. Với một sản phẩm dưỡng da chưa từng sử dụng, làm sao để kiểm tra sản phẩm có phù hợp với da nhạy cảm không?
Để biết loại mỹ phẩm có gây kích ứng hay không, hãy làm như sau:
- Trong một vài ngày đầu, bạn bôi một lượng nhỏ mỹ phẩm sau tai và để qua đêm.
- Nếu vùng da sau tai không bị kích ứng, một vài ngày tiếp theo, bôi một lượng nhỏ mỹ phẩm trên một khu vực dọc theo mắt.
- Nếu vẫn không gây kích ứng thì loại mỹ phẩm đó an toàn để sử dụng cho cả khuôn mặt.
10. Da nhạy cảm phải làm sao để bảo vệ trong mùa đông và mùa hè?
Để bảo vệ da khỏi hư tổn và lão hóa sớm, hãy sử dụng kem chống nắng quanh năm. Chọn loại kem có chỉ số chống nắng SPF ít nhất là 30 và sử dụng nó mỗi khi bạn ra khỏi nhà.
Tia tử ngoại của ánh nắng mặt trời hoạt động mạnh nhất trong khoảng từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Do đó, tránh ra ngoài trời trong khoảng thời gian này, bất kể là mùa nào trong năm.
Để bảo vệ làn da bạn khỏi khô ngứa, bong tróc, nứt nẻ vào mùa đông, bạn không nên bật lò sưởi nhiệt độ cao. Ngoài trời lạnh trong khi nhiệt độ trong nhà lại quá nóng sẽ làm làn da nhạy cảm của bạn dễ bị kích ứng hơn. Khi tắm, bạn cũng nên tắm bằng nước ấm vừa phải sử dụng sữa tắm làm sạch da dịu nhẹ. Bên cạnh đó, để hạn chế tình trạng da khô, lúc da vẫn còn ẩm sau khi tắm, bạn hãy dùng kem dưỡng ẩm thoa đều và vỗ nhẹ để kem thấm vào da. Hãy lựa chọn loại kem dưỡng chứa các thành phần giúp cung cấp độ ẩm và hạn chế mất nước qua da như: dầu khoáng và các dẫn chất khác từ dầu mỏ, axit linoleic, ceramides, dimethicone hoặc glycerin.
Vào mùa hè, ngoài sử dụng kem chống nắng, bạn hãy kết hợp đội mũ rộng vành, đeo kính râm và mặc quần áo dài che phủ tay chân. Bôi kem chống nắng từ 15-30 phút trước khi khỏi nhà, bôi lại kem sau mỗi 80 phút. Nếu ra mồ hôi nhiều hoặc đi bơi, bạn nên bôi kem thường xuyên hơn.
11. Da nhạy cảm nên chọn kem chống nắng nào?
Nếu có làn da nhạy cảm, bạn nên lựa chọn kem chống nắng có độ SPF từ 30 trở lên. Kem chống nắng vật lý với thành phần là oxit kẽm hoặc titan dioxid, giúp bảo vệ da bằng cách làm lệch hướng tia UV chiếu vào da, loại kem này phù hợp với da nhạy cảm hơn so với kem chống nắng hóa học.
12. Bác sĩ chẩn đoán và điều trị da nhạy cảm như thế nào?
Hầu hết người có làn da nhạy cảm bị kích ứng nhẹ khi sử dụng mỹ phẩm, họ sẽ không đi khám mà sẽ thử chuyển sang dùng các loại mỹ phẩm khác cho đến khi tìm được loại mỹ phẩm phù hợp với làn da của mình. Họ chỉ đi khám khi tình trạng kích ứng, ngứa, đỏ, bong tróc, khô da,... ở mức độ nghiêm trọng.
Khi khám da liễu, bác sĩ sẽ kiểm tra xem người bệnh có mắc các bệnh lý về da như hồng ban, chàm hay không, có tiếp xúc với chất gây kích ứng da trong thời gian gần đây. Bác sĩ sẽ cũng sẽ tìm hiểu về chế độ chăm sóc da, các loại mỹ phẩm người bệnh đang sử dụng, da có tiếp xúc với thời tiết quá nóng hay quá lạnh,... Người bệnh cũng sẽ được chỉ định các xét nghiệm phát hiện dị ứng. Từ kết quả xét nghiệm cùng với nội dung khai thác được khi thăm khám, bác sĩ sẽ tư vấn chế độ chăm sóc da và các loại mỹ phẩm phù hợp với da nhạy cảm.
13. Nên chọn quần áo nào để ít gây kích ứng cho da nhạy cảm?
Những quần áo được may từ các loại vải mềm, mịn, nguyên liệu tự nhiên như cotton và lụa là thích hợp nhất cho người có làn da nhạy cảm. Vải cotton và lụa có tính thấm hút rất tốt. Vải Rayon và vải lanh mặc vào cũng thoải mái nhưng không nhẹ như cotton và lụa. Người có da nhạy cảm nên mặc quần áo rộng hoặc vừa vặn, tránh mặc quần áo quá chật, bó sát.
14. Những bệnh lý về da nào có liên quan đến da nhạy cảm?
Nếu bạn có các bệnh lý về da như mụn trứng cá, bệnh vảy nến, viêm da tiếp xúc, bệnh hồng ban hoặc bệnh chàm, có thể bạn có làn da nhạy cảm.
15. FDA quy định như thế nào để đảm bảo mỹ phẩm cho người sử dụng?
Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) có quy định về việc sản xuất và tiếp thị mỹ phẩm, nhưng không giống như khi quản lý thuốc, FDA không thể yêu cầu các công ty sản xuất mỹ phẩm cung cấp dữ liệu sản xuất hoặc thu hồi sản phẩm khi có báo cáo về việc mỹ phẩm gây kích ứng da. Tuy nhiên FDA có thể kiểm tra cơ sở sản xuất mỹ phẩm và tiến hành xử phạt nếu điều kiện sản xuất của cơ sở không đảm bảo an toàn, dán nhãn không đúng cách, sản xuất mỹ phẩm giả hoặc thông tin trên nhãn không chính xác.
16. Những sản phẩm chăm sóc da dán nhãn “Hypoallergenic” có an toàn cho da nhạy cảm?
Hypoallergenic có nghĩa là không gây kích ứng, tuy nhiên không có nghĩa là sẽ an toàn cho da nhạy cảm vì hiện nay vẫn chưa có bất kỳ tiêu chuẩn hoặc bài kiểm tra nào được quy định để công ty sản xuất được cấp phép gắn nhãn “không kích ứng” lên sản phẩm. Do chưa có quy định chặt chẽ, nên nhãn “không kích ứng” có thể được sử dụng khá tự do nhằm mục đích thu hút sự chú ý của người tiêu dùng.
17. Làm thế nào bạn có thể biết một sản phẩm chăm sóc da hoặc sản phẩm gia dụng có thể gây kích ứng cho làn da nhạy cảm?
Bạn có thể truy cập vào website của Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) hoặc Thư viện dịch vụ thông tin chuyên ngành thuộc thư viện quốc gia Mỹ, các trang thông tin này có các cơ sở dữ liệu các sản phẩm gia dụng trực tuyến. Bạn có thể tra cứu sản phẩm theo tên thương hiệu để biết thành phần của sản phẩm gồm những gì và có thành phần nào trong sản phẩm có thể gây kích ứng da hay không.
18. Chế độ ăn uống lành mạnh có giúp gì cho da nhạy cảm?
Ăn uống lành mạnh sẽ tốt cho sức khỏe nói chung và tất nhiên là tốt cho cả làn da của bạn.
19. Trẻ em với bệnh lý về da liên quan đến tình trạng da nhạy cảm có tiếp tục mắc bệnh khi trưởng thành?
Một tỷ lệ lớn trẻ em có làn da nhạy cảm do bệnh chàm sẽ khỏi bệnh trước khi được 5 tuổi và 40-50% trẻ sẽ khỏi bệnh khi trong độ tuổi thiếu niên. Khoảng 80% người trong độ tuổi từ 11 đến 30 bị mụn trứng cá bùng phát, phần lớn trong số họ mụn sẽ biến mất sau 30 tuổi. Tuy nhiên vảy nến là bệnh mãn tính, trẻ sẽ mắc bệnh suốt đời.
20. Da nhạy cảm có tính di truyền hay không?
Một số bệnh lý về da liên quan đến da nhạy cảm như mụn trứng cá, bệnh chàm, bệnh vẩy nến, bệnh hồng ban,...có thể di truyền trong gia đình. Tuy nhiên kích ứng da do mỹ phẩm, dị ứng với các sản phẩm gia dụng trong gia đình thì không có tính di truyền.
Da nhạy cảm là một loại “da khó tính”, vì thế đòi hỏi người chăm sóc da phải nắm được các bệnh lý về da cũng như có chế độ chăm sóc, sử dụng mỹ phẩm phù hợp.
Nguồn tham khảo: webmd.com