Rụng tóc thường không ảnh hưởng nhiều đến ngoại hình hoặc vẻ đẹp của bạn, nhưng có thể nghiêm trọng khi tình trạng rụng tóc diễn ra trong thời gian dài. Nguyên nhân gây rụng tóc có thể là do yếu tố di truyền, các vấn đề về tuyến giáp hoặc một số bệnh khác ......
Tình trạng rụng tóc có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, do chính cơ thể bạn hoặc do những tác động từ bên ngoài. Thậm chí có những nguyên nhân gây rụng tóc nhiều người còn chưa từng biết tới. Dưới đây là 15 nguyên nhân đáng ngạc nhiên gây ra rụng tóc:
1. Tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc điển hình là thuốc làm tan máu tụ, thuốc trị mụn trứng cá giàu vitamin A, các loại steroid đồng hóa, thuốc trị viêm khớp, gút, thuốc trầm cảm, thuốc trị bệnh tim hoặc tăng huyết áp và đặc biệt là thuốc sử dụng trong thuốc hóa trị ung thư... có thể dẫn tới tình trạng rụng tóc. Tuy nhiên khi ngưng sử dụng những loại thuốc này, tóc sẽ nhanh chóng mọc trở lại.
2. Phụ nữ vừa sinh con
Khi mang thai, cơ thể sản xuất một số loại hormone giúp tóc dày hơn, mềm mượt và không bị rụng. Tuy nhiên sau khi sinh, phần tóc “thừa” do hormone sẽ dần mất đi khiến tóc trở lên thưa, dễ gãy rụng hơn. Mọi thứ sẽ trở lại bình thường sau khoảng 3 đến 6 tháng.
3. Thiếu sắt
Sắt là thành phần không thể thiếu để giúp tóc chắc khỏe. Khi hàm lượng sắt trong cơ thể giảm xuống đồng nghĩa với việc tóc không còn được chắc khỏe và dễ gãy rụng. Ngoài ra thiếu sắt còn dẫn đến một số triệu chứng khác như giòn móng, vàng da, nhợt nhạt, khó thở, tim đập nhanh...
4. Stress kéo dài
Đôi khi những lo toan hoặc vấn đề gặp phải trong cuộc sống dẫn đến tình trạng stress kéo dài có thể khiến hệ thống miễn dịch của cơ thể rối loạn và tấn công chính những tế bào keratin, thành phần chính của tóc khiến các nang tóc dừng hoạt động. Việc stress kéo dài cũng làm cho tóc dừng phát triển, dễ gãy rụng hơn khi chải đầu.
5. Sử dụng biện pháp phẫu thuật để giảm cân
Rụng tóc là triệu chứng phổ biến của những người phẫu thuật giảm cân do nồng độ Kẽm trong cơ thể giảm. Bác sĩ phẫu thuật thường đề nghị bệnh nhân tăng cường bổ sung kẽm qua khẩu phần ăn hàng ngày hoặc thậm chí bổ sung trực tiếp kẽm để ngăn ngừa tình trạng rụng tóc.
6. Không ăn đủ lượng protein cần thiết
Protein có nhiệm vụ xây dựng nên cấu trúc của cơ thể. Do đó khi thiếu protein, các thành phần ít quan trọng hơn như móng, tóc có thể ngừng phát triển. Ngoài ra thành phần chính của tóc là một loại protein có tên là keratin nên thiếu protein có thể khiến các nang không thể hình thành lên sợi tóc. Những người rụng tóc do thiếu protein được khuyến cáo nên bổ sung thêm thịt, trứng, cá, các loại hạt và đậu vào bữa ăn hàng ngày để nhanh chóng cung cấp đủ lượng protein đã thiếu hụt.
7. Sử dụng thuốc tránh thai quá nhiều
Sử dụng thuốc tránh thai hoặc một số biện pháp kế hoạch hóa gia đình khác như đặt vòng tránh thai, thuốc tránh thai dạng tiêm, miếng dán tránh thai có thể khiến tóc rụng nếu trong gia đình có người mang tiền sử rụng tóc.
8. Ngừng sử dụng các biện pháp tránh thai
Không chỉ gây rụng tóc khi bắt đầu sử dụng, các biện pháp tránh thai cũng có thể khiến tình trạng rụng tóc trở lên nghiêm trọng hơn khi ngừng sử dụng do những rối loạn về nội tiết tố mà chúng mang lại. Tuy nhiên tóc sẽ mọc trở lại nhanh chóng sau khi dừng thuốc vài tuần hoặc chậm nhất là vài tháng.
9. Sử dụng gel tạo kiểu tóc
Đôi khi thói quen sử dụng gel tạo kiểu tóc có thể khiến tóc khô, cứng và dễ gãy rụng. Ngoài ra sử dụng quá nhiều dầu gội, chải tóc khi tóc đang ướt, lau khô tóc bằng khăn quá mạnh hoặc thường xuyên có thể khiến những sợi tóc bị căng và khiến chúng dễ gãy.
10. Sử dụng máy sấy tóc
Sử dụng máy sấy tóc hoặc máy là, ép tóc thường xuyên có thể khiến tóc khô và dễ gãy rụng hơn. Bên cạnh đó việc sử dụng một số hóa chất như thuốc nhuộm, thuốc tẩy... cũng có thể gây ra những hậu quả tương tự đối với mái tóc.
11. Tình trạng sức khỏe của cơ thể
Rụng tóc là triệu chứng của hơn 30 loại bệnh khác nhau bao gồm hội chứng buồng trứng đa nang, giun đũa, các bệnh lý tuyến giáp hoặc các bệnh tự miễn. Ngoài ra rụng tóc còn là hậu quả của bệnh cúm, sốt cao hoặc nhiễm trùng.
12. Hút thuốc
Hút thuốc kể cả thuốc lá, thuốc lào hay thuốc lá điện từ đều có thể ảnh hưởng đến mái tóc. Độc tố từ khói thuốc có thể gây rối loạn sinh tổng hợp tóc từ các nang tóc dẫn đến tình trạng rụng tóc và tóc sẽ không mọc lại được từ những nang tóc đó.
13. Giai đoạn mãn kinh ở phụ nữ
Giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh ở phụ nữ là giai đoạn xảy ra nhiều những thay đổi về mặt nội tiết tố. Sự thay đổi của các hormone có thể khiến tóc yếu và dễ gãy rụng. Thông thường tình trạng này sẽ giảm sau khoảng 6 tháng nhưng nếu nhận thấy bất kỳ sự bất thường nào về mái tóc trong giai đoạn mãn kinh hãy tìm đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán vì đó rất có thể là dấu hiệu của những rối loạn nghiêm trọng.
14. Hội chứng nghiện giật tóc
Hội chứng nghiện giật tóc là tình trạng rối loạn sức khỏe tâm thần khiến người bệnh luôn có cảm giác bứt rứt khó chịu và luôn muốn nhổ hết tóc khỏi da đầu. Mặc có thể ý thức được hậu quả nhưng người mắc hội chứng nghiện giật tóc không thể kiểm soát được bản thân. Khi cảm thấy chán nản, họ sẽ giật tóc để xoa dịu bản thân từ đó hình thành những mảng hói đầu ảnh hưởng đến ngoại hình cũng như khả năng làm việc.
15. Chứng rối loạn ăn uống
Chứng rối loạn ăn uống bao gồm cả chán ăn và thèm ăn có thể khiến tóc rụng do cơ thể không nhận được đầy đủ các chất cần thiết để nuôi dưỡng một mái tóc khỏe mạnh. Rối loạn ăn uống là một hội chứng nghiêm trọng liên quan đến tâm thần. Việc điều trị rối loạn ăn uống thường rất khó khăn và cần sự kết hợp của các chuyên gia về tâm thần cũng như dinh dưỡng.
Rụng tóc là tình trạng thoái hóa sớm của các nang tóc khiến tóc tại một vùng trên da đầu không thể mọc hoặc dễ gãy rụng hơn. Rụng tóc thông thường chỉ mang lại những vấn đề về thẩm mỹ chứ không ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Tuy nhiên rụng tóc có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý như thiếu dinh dưỡng, protein năng lượng, rối loạn ăn uống hay thiếu sắt.... Bên cạnh đó cũng có rất nhiều yếu tố được xem là nguyên nhân đáng ngạc nhiên dẫn đến rụng tóc nhiều người cần quan tâm hơn để giữ cho mái tóc luôn dày, khỏe và mềm mượt.
Trong trường hợp người bệnh bị rụng tóc nhiều và các biện pháp khắc phục tại nhà không đem lại hiệu quả thì hãy đến cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ thăm khám, tìm ra nguyên nhân gây bệnh và có phương pháp điều trị cụ thể. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng hiện đã và đang áp dụng điều trị rụng tóc bằng tiêm tại chỗ thương tổn rất hiệu quả. Tại Vinmec Hải Phòng, điều trị rụng tóc bằng tiêm tại chỗ được được thực hiện trong môi trường vô khuẩn, an toàn cho người bệnh. Bác sĩ thực hiện là Bác sĩ Lê Thị Thu Hằng có nhiều năm kinh nghiệm và được đào tạo bài bản tại Pháp.
Điều trị rụng tóc bằng tiêm tại thương tổn là thủ thuật đưa một lượng thuốc thuộc nhóm steroid vào da nhằm ức chế phản ứng đáp ứng miễn dịch tại chỗ, kích thích sự phát triển của nang tóc hay kích thích mọc tóc. Điều trị rụng tóc bằng tiêm tại thương tổn là phương pháp đơn giản, an toàn, chi phí thấp trong điều trị rụng tóc thành mảng và rụng tóc lan tỏa. Đây cũng là phương pháp điều trị an toàn hiệu quả, mang lại giá trị thẩm mĩ cho khách hàng, đã phổ biến trong chuyên ngành da liễu. Tuy nhiên hiệu quả và độ an toàn của phương pháp này phụ thuộc vào tay nghề bác sĩ.
Quy trình điều trị rụng tóc bằng tiêm tại thương tổn
- Bước 1: Bác sĩ thăm khám, đánh giá tổn thương
- Bước 2: Bôi tê tại chỗ bằng kem Emla 1h trước khi thực hiện
- Bước 3: Tiêm tại thương tổn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.