12 thói quen của những người siêu khỏe mạnh

Những người khỏe mạnh luôn xây dựng cho mình những thói quen tốt để nâng cao sức khỏe thể chất cũng như tinh thần. Dưới đây là những biểu hiện của người khỏe mạnh đã được các nghiên cứu chứng minh và khuyến khích mọi người nên áp dụng.

1. Người khỏe mạnh luôn ăn sáng

Bữa sáng có một vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe, bao gồm khởi động quá trình trao đổi chất trong cơ thể và ngăn chặn cảm giác thèm ăn hoặc ăn quá mức cần thiết. Thêm vào đó, một số nghiên cứu cũng cho thấy những người có sức khỏe tốt thường ít khi bỏ bữa sáng và trẻ em ăn bữa sáng cũng có xu hướng đạt được điểm số cao hơn trong các bài kiểm tra.

Ngoài ra, việc ăn sáng cũng giúp con người khỏe mạnh hơn nhờ vào một loạt các lợi ích sau:

  • Kiểm soát tốt lượng đường huyết của cơ thể, ngăn ngừa bệnh tiểu đường tuýp 2.
  • Tăng cường lượng vitamin và khoáng chất cho các hoạt động của cơ thể.
  • Tăng khả năng tập trung, giảm tỷ lệ bị ốm vặt ở trẻ nhỏ.
  • Cân bằng trọng lượng và giúp cơ thể phát triển khỏe mạnh.

Để có một bữa sáng lành mạnh, bạn nên lựa chọn các thực phẩm như ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc, trứng, các loại hạt, sữa ít béo, rau và hoa quả. Việc kết hợp các thực phẩm trên trong bữa sáng có thể cung cấp cho cơ thể một nguồn carbohydrate phức tạp, protein, chất béo tốt và chất xơ dồi dào. Những chất này có thể giúp bạn cảm thấy no lâu hơn và có nhiều năng lượng hơn cho suốt ngày dài.

2. Lên kế hoạch cho các bữa ăn

Một biểu hiện của người khỏe mạnh thường thấy khác là lên kế hoạch cụ thể cho các bữa ăn. Điều này có thể giúp bạn tiết kiệm đáng kể được tiền bạc cũng như thời gian khi áp dụng lâu dài.

Bạn có thể dành một chút thời gian rảnh để xem xét các mục tiêu và nhu cầu dinh dưỡng của bản thân, chẳng hạn như giảm cân, hạn chế tiêu thụ đường, chất béo, carbs hoặc bổ sung vitamin hay protein. Việc lên kế hoạch có thể giúp bạn kiểm soát được khẩu phần ăn uống, biết mình đang ăn gì và ăn vào lúc nào. Ngoài ra, thói quen này cũng giúp bạn hạn chế đáng kể việc tiêu thụ nhiều những thực phẩm không lành mạnh, chẳng hạn như đồ uống có gas, bánh ngọt,...

3. Uống nhiều nước

Uống nhiều nước là một thói quen tốt khác của những người khỏe mạnh. Uống đủ nước và cấp nước đúng lúc cho cơ thể sẽ giúp bạn giảm thiểu sự mệt mỏi, căng thẳng, tói bón, tinh thần minh mẫn và sảng khoái hơn. Ngoài ra, uống nhiều nước mỗi ngày cũng góp phần ngăn ngừa các bệnh về đường tiêu hóa, thừa cân, béo phì và tiểu đường tuýp 2.

Nếu bạn muốn trở thành một người có sức khỏe tốt, hãy lưu ý uống đủ nước trong suốt cả ngày để ngăn nguy cơ mất nước cũng như những vấn đề khác. Bạn có thể thử một số đồ uống khác để bớt nhàm chán thay vì sử dụng nước lọc, chẳng hạn như nước ép, nước lọc thêm lát cam, chanh hoặc dưa chuột.


Người khỏe mạnh sẽ có thói quen uống nhiều nước hàng ngày
Người khỏe mạnh sẽ có thói quen uống nhiều nước hàng ngày

4. Thường xuyên vận động thể chất

Thường xuyên vận động và tập thể dục là một biểu hiện điển hình của người khỏe mạnh. Sức khỏe của bạn sẽ được cải thiện đáng kể nhờ vào những buổi tập luyện giai đoạn ngắn, chẳng hạn như căng cơ hoặc hít thở sâu. Các bài tập này rất tốt cho cơ thể và tâm trí của bạn.

Ngoài ra, bạn cũng có thể dành khoảng 30 phút để đi bộ tối thiểu 5 lần / tuần nhằm giúp duy trì sự dẻo dai của cơ xương khớp. Nếu bạn không có thời gian thực hiện cùng lúc các bài tập thể dục, hãy chia nhỏ thành các hiệp ngắn để luyện tập.

5. Hạn chế sử dụng điện thoại và các thiết bị thông minh khác

Việc sử dụng thường xuyên điện thoại và các thiết bị thông minh khác như máy tính, ti vi có thể gây ảnh hưởng lớn đến nhiều khía cạnh sức khỏe. Việc dành nhiều thời gian xem điện thoại sẽ dẫn đến các vấn đề về mắt như mỏi mắt, khô mắt, mờ mắt, loạn thị hoặc cận thị. Ngoài ra, dùng nhiều điện thoại cũng như các thiết bị điện tử khác cũng gây hại cho hệ xương khớp, làn da và tinh thần.

Vì vậy, những người có sức khỏe tốt thường xây dựng cho mình thói quen hạn chế dùng điện thoại và chỉ sử dụng lúc cần thiết. Bạn có thể cắt giảm thời gian sử dụng thiết bị và làm những điều yêu thích khác như đọc sách, trồng rau, dọn nhà hoặc chuẩn bị cho bữa tối.

6. Học một kỹ năng hoàn toàn mới

Theo nghiên cứu, học một kỹ năng mới có thể tăng cường sức khỏe cho não bộ của bạn. Bạn có thể đăng ký tham gia một lớp học khiêu vũ hoặc hội thảo viết sáng tạo để thử thách cũng như rèn luyện bản thân. Ngoài ra, bạn cũng có thể học thêm một ngôn ngữ mới hoặc làm công việc trí óc để làm chậm các dấu hiệu lão hóa và ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.

7. Không hút thuốc lá

Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các vấn đề về phổi, gan, tụy, dạ dày,... Các hóa chất độc hại trong thuốc lá có thể tàn phá các cơ quan trong cơ thể và gây ra một số bệnh như: Lao, sâu răng, vàng răng, loãng xương, đục thủy tinh thể, viêm phổi, ung thư phổi và tiểu đường. Chính vì vậy, để trở thành người khỏe mạnh, bạn cần sớm từ bỏ hoặc tránh xa thuốc lá càng sớm càng tốt.

Bỏ hút thuốc lá giúp cơ thể tự sửa chữa các thương tổn một cách nhanh chóng. Ngay sau 20 phút kể từ khi hút điếu thuốc cuối cùng, huyết áp và nhịp tim của bạn sẽ giảm xuống. Do đó, bạn đừng nên chờ đợi thời cơ thích hợp để bỏ thuốc lá mà hãy thực hiện thói quen tốt này ngay hôm nay. Nếu bạn cảm thấy khó khăn khi mới cai thuốc lá, bạn có thể tìm đến sự trợ giúp từ bác sĩ để có chiến lược cụ thể.

8. Chăm chút cho một giấc ngủ sâu mỗi đêm

Một giấc ngủ ngon giúp mang lại hàng loạt lợi ích sức khỏe cho con người, bao gồm nâng cao tâm trạng, tăng cường trí nhớ, tăng sự tập trung và cải thiện khả năng học những điều mới mẻ. Về lâu dài, sự chăm chút cho chất lượng giấc ngủ mỗi đêm có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và giúp bạn giữ gìn vóc dáng cân đối.

Những người có sức khỏe tốt thường ngủ từ 7 – 9 tiếng mỗi đêm. Để được nghỉ ngơi tốt nhất, bạn nên đi ngủ và thức dậy vào khoảng thời gian giống nhau mỗi ngày.

9. Rèn luyện cơ bắp

Rèn luyện sức mạnh cơ bắp sẽ giúp cơ thể trao đổi chất béo tốt hơn để tạo khối lượng cơ. Điều này cũng giúp bạn đốt cháy nhiều calo hơn, giữ vóc dáng thon gọn, tăng cường sức khỏe tim mạch và xây dựng hệ xương chắc khỏe. Bạn nên thực hiện các bài tập rèn luyện cơ bắp, chẳng hạn như lắc bụng, chống đẩy và nâng tạ ít nhất 2 lần / tuần.


Rèn luyện cơ bắp chính là biểu hiện của người khỏe mạnh
Rèn luyện cơ bắp chính là biểu hiện của người khỏe mạnh

10. Tham gia tích cực các hoạt động ngoài trời

Chỉ cần dành khoảng một vài phút dưới ánh nắng mặt trời có thể giúp bạn tăng mức hấp thụ vitamin D, giúp cho xương, tim và tâm trạng được cải thiện rõ rệt. Bên cạnh đó, hoạt động nhiều ngoài trời cũng giúp cơ thể năng động và dẻo dai hơn thay vì ngồi hàng giờ trước màn hình TV hoặc máy tính.

Những người khỏe mạnh thường tạo thói quen đi bộ hoặc đi dạo quanh khu phố hay không gian xanh để nâng cao sức khỏe. Do đó, bạn có thể dành khoảng 30 phút đi bộ ở đường phố ít người, công viên hoặc nơi có nhiều cây cối để tập luyện.

11. Tập các bài thể dục giúp nâng cao khả năng giữ thăng bằng

Khả năng giữ thăng bằng tốt giúp mang lại nhiều lợi ích cho cả người trẻ và người lớn tuổi, bao gồm tránh nguy cơ chấn thương, giảm tỷ lệ té ngã, gãy xương và tăng cường mức độ hoạt động thể chất. Dù ở độ tuổi nào đi chăng nữa, bạn cũng nên tập các bài thể dục giúp nâng cao khả năng giữ thăng bằng cho cơ thể để làm săn chắc cơ bắp, tăng sự tự tin và bảo vệ tim mạch.

Thái cực quyền và yoga là những cách tuyệt vời giúp bạn rèn luyện sự thăng bằng cho cơ thể. Ngoài ra, bạn cũng có thể chọn bất kỳ hình thức vận động nào khác, kể cả đi bộ để tập luyện.

12. Thiền định

Thiền định là một phương pháp rèn luyện sức khỏe khác của người khỏe mạnh. Các nghiên cứu cho thấy, thiền định giúp làm giảm căng thẳng, giảm đau và cải thiện tốt tâm trạng. Sau 8 tuần thường xuyên thiền định giúp bạn thay đổi các phần của não bộ liên quan đến học tập, cảm xúc và trí nhớ.

Trên đây là những thói quen giúp cơ thể luôn khỏe mạnh, bạn có thể tham khảo và áp dụng theo để thấy được những lợi ích tích cực.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe