Tìm hiểu các huyệt đạo để giác hơi

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Huy Đức - Bác sĩ Y Học Cổ Truyền - Trung tâm Y Học Cổ Truyền Vinmec - Sao Phương Đông

Giác hơi là phương pháp trị liệu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Đây là phương pháp đã được nghiên cứu, chứng minh hiệu quả và trở thành phương pháp điều trị chính ở các Bệnh viện Trung Quốc. Phương pháp này cũng được lưu hành và ứng dụng hiệu quả ở Việt Nam.

1. Giác hơi là gì?

Giác là dùng hơi nóng hoặc bơm hút chân không tạo thành một áp suất âm trong ống giác, làm ống giác hút chặt vào da chỗ giác để loại bỏ tà khí, sơ thông kinh mạch, hoạt huyết khứ ứ, chỉ thống, cân bằng âm dương.

Theo Y Học Hiện Đại, giác hơi có tác dụng kích thích cơ học, kích thích nhiệt độ, tăng cường chức năng tiêu diệt mầm bệnh của bạch cầu, tác dụng kháng viêm.

Các phương pháp giác hơi gồm có: giác chân không, giác lửa, giác thuốc, giác kết hợp châm cứu, giác kết hợp với chích lể, giác hơi di chuyển.

2. Chỉ định và chống chỉ định của giác hơi

Chỉ định

  • Giác hơi là dùng lửa – là nhiệt, nên thường dùng chữa các chứng bệnh do hàn (lạnh):
  • Các chứng đau: đau mỏi cơ khớp, đau vai gáy, đau lưng, đau đầu, đau dạ dày, thống kinh (đau bụng kinh), đau mắt, chắp lẹo,...
  • Cảm mạo.
  • Hỗ trợ vấn đề tiêu hóa ( như giảm táo bón), giảm béo.

Chống chỉ định

  • Các trường hợp cấp cứu.
  • Vùng da đang viêm cấp, chấn thương, vết thương nhiễm khuẩn, vết thương hở,...
  • Người có bệnh lý da liễu, giảm cảm giác da: giảm cảm giác nóng, lạnh.
  • Người bệnh suy tim, suy thận, xơ gan, ung thư, lao phổi, suy giãn tĩnh mạch.
  • Người có cơ chế chống đông kém, bệnh ưa chảy máu, bệnh chảy máu dưới da, bệnh bạch cầu cấp, suy giảm chức năng tiểu cầu,...
  • Người bệnh say rượu, tâm thần.
  • Không dùng ở phụ nữ có thai, cho con bú, người quá suy nhược, quá mệt, quá no, quá đói.
Tìm hiểu các huyệt đạo để giác hơi
Các huyệt giác hơi trên cơ thể cần được dùng thận trọng chính xác

3. Các huyệt đạo để giác hơi

Giác hơi được dùng phổ biến để điều trị các chứng cảm mạo và chứng đau do lạnh như cảm mạo phong hàn, đau cổ gáy do lạnh, đau lưng do lạnh,... Tùy theo bệnh lý mà chọn các huyệt giác hơi trên cơ thể khác nhau.
Một số bệnh lý điều trị bằng giác hơi:

3.1. Cảm mạo phong hàn

Thường sử dụng các huyệt sau để giác hơi: Đại chùy, Phong môn, Phế du, Thái dương, Khúc trì, Hợp cốc, đường tuần hành của mạch Đốc và kinh Bàng quang.

3.2. Điều trị các chứng đau

Các huyệt thường được dùng là các huyệt tại chỗ thuộc các đường kinh chạy qua vùng đau, các a thị huyệt, huyệt giáp tích.

  • Đau vùng cổ gáy có thể giác hơi vào vùng gáy, vai, và vào vị trí các huyệt như: Giáp tích vùng cổ, Đại chùy, Đại trữ, Kiên tỉnh, Thiên tông.
  • Đau lưng có thể giác hơi vào vùng lưng bị đau (a thị huyệt), giáp tích vùng lưng, các huyệt dọc theo kinh Bàng quang, mạch Đốc.

3.3. Xác định vị trí các huyệt giác hơi thường dùng

  • Huyệt Giáp tích: Người bệnh dùng đầu ngón tay ấn vào vùng lõm giáp nhau giữa 2 đốt sống, vùng sờ thấy được và lồi ra là mỏm gai của các đốt sống. Từ mỏm gai đo ra ngoài 0,5 thốn ( khoảng 01 cm).
  • Huyệt thuộc mạch Đốc: Là các huyệt đi dọc giữa xương sống, giữa khe liên đốt sống.
  • Huyệt thuộc kinh Túc Thái Dương Bàng Quang ( kinh Bàng Quang): Là các huyệt cách mạch Đốc 1,5 thốn ( khoảng 03cm) và các huyệt cách mạch đốc 3 thốn ( khoảng 06cm).

Tóm lại, giác hơi là phương pháp điều trị được dùng phổ biến và mang lại hiệu quả tốt cho các chứng đau và cảm mạo do lạnh gây ra. Tùy vào vị trí bị bệnh mà có các huyệt đạo giác hơi phù hợp để nâng cao kết quả điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan