Nhiều người có suy nghĩ là thuốc bổ thì ai cũng dùng được và ba kích dược liệu là một trong số nhiều vị thuốc gặp phải tình trạng này. Người dân truyền tai nhau rằng ba kích bổ thận tráng dương nên các đấng mày râu rất thích sử dụng vị thuốc này và hay ngâm rượu uống. Vậy ba kích có thật sự có công dụng bổ thận tráng dương như lời đồn hay không?
1. Ba kích bổ thận tráng dương có đúng không?
Theo sách nghiên cứu hiện đại trong rễ ba kích có chất anthraglucozit, chất đường, rất ít tinh dầu, nhựa và axit hữu cơ, trong rễ tươi có vitamin C. Theo tài liệu cổ ba kích dược liệu có vị cay ngọt, tính hơi ôn, đi vào kinh thận. Theo Y Học Cổ Truyền, vị thuốc ba kích có tác dụng ôn thận trợ dương, mạnh gân cốt, khử phong thấp...
Vị thuốc ba kích là một vị thuốc bổ trí não và tinh khí, thường được sử dụng trong các bệnh liệt dương, di tinh, mộng tinh, xuất tinh sớm, phụ nữ kinh nguyệt không đều, còn dùng chữa bệnh phong thấp, mạnh gân cốt... Liều lượng sử dụng từ 4-10g dưới dạng thuốc sắc hay cao lỏng. Ngoài ra người dân còn sử dụng ba kích nấu với thịt gà, ăn để bồi bổ sức khỏe.
Theo kinh nghiệm dân gian, rễ ba kích to, mập, cùi dày, có màu tía là loại tốt. Rễ ba kích sau khi đào lên đem về rửa sạch đất, loại bỏ rễ con, phơi gần khô thì dùng chày gỗ đập nhẹ cho bẹp phần thịt (tránh không để giập nát), rồi rút bỏ lõi gỗ bên trong, sau đó đem phơi hoặc sấy tiếp cho thật khô, cuối cùng cắt thành từng đoạn ngắn.
Ba kích có thể ngâm cùng rượu gạo hoặc rượu nếp, ngâm từ 30 ngày trở lên là có thể uống được, tuy nhiên để càng lâu thì rượu càng đặc, càng ngọt. Nét đặc trưng của rượu ba kích là khi ngâm lâu, rượu sẽ chuyển sang màu xanh tím, khi uống có mùi thơm ngậy.
Trong Y Học Cổ Truyền, ba kích dược liệu thường được phối hợp với các vị thuốc khác để ngâm rượu hoặc sắc uống tùy theo tình trạng của từng người mà thầy thuốc sẽ kê đơn cho phù hợp.
Cũng chính vì biết là ba kích bổ thận tráng dương, được sử dụng trong điều trị trong các bệnh lý của nam giới nên nó được nhiều người truyền tai nhau về tác tăng cường bản lĩnh đàn ông, và thường được người dân sử dụng dưới dạng ngâm rượu uống.
Tuy nhiên, việc sử dụng vị thuốc ba kích nói chung và sử dụng rượu ngâm ba kích nói riêng có thể phản tác dụng nếu bạn không biết cách ngâm rượu ba kích đúng. Một sai lầm phổ biến nhất thường gặp khi ngâm rượu ba kích là ngâm cả phần lõi độc bên trong. Bên cạnh đó, nhiều người mua nhầm phải rượu ba kích không đảm bảo chất lượng, có bỏ thêm các loại thuốc kích dục. Chính điều này đã khiến cho người dùng lâm vào những tình cảnh dở khóc dở cười.
Mọi người cần lưu ý rằng ba kích chỉ là vị thuốc bổ trợ chứ không có tác dụng điều trị hoàn toàn và triệt để mọi chứng bệnh của nam giới. Nếu bạn muốn dùng ba kích để tăng cường sinh lý phái mạnh, bạn nên nhờ bác sĩ chuyên khoa Y Học Cổ Truyền, các thầy thuốc đông y khám và kê đơn cho phù hợp.
2. Trường hợp nào không được sử dụng ba kích?
Mặc dù ba kích là vị thuốc có nhiều công dụng đối với sức khỏe nhưng đây không phải là vị thuốc có thể dùng cho mọi đối tượng. Những người có chứng âm hư, hỏa vượng, đại tiện táo bón không được sử dụng ba kích.
Rượu ba kích không phù hợp với:
- Những người mắc phải chứng bệnh khó xuất tinh hoặc tinh trùng yếu.
- Người có tiền sử bệnh tim mạch.
- Người bị xơ gan, suy thận mạn.
- Người bị bệnh về đường tiêu hóa và bệnh về mắt.
Các trường hợp khác không nên dùng rượu ba kích bao gồm:
- Người bị huyết áp thấp, do ba kích là vị thuốc có tác dụng hạ huyết áp, nên nếu bạn tự ý dùng thì có thể gây tai biến do tụt huyết áp đột ngột.
- Trẻ em, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.
- Người bị tiểu buốt, khó tiểu.
- Người chuẩn bị phẫu thuật.
Khi đã nắm rõ được công dụng của rượu ba kích bạn nên cân nhắc sử dụng để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.