Virus nào gây bệnh sởi?

Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ... bệnh có thể gặp ở trẻ em, người lớn nếu không được tiêm vacxin sởi để có miễn dịch phòng bệnh, thì bệnh sởi có thể gây thành dịch.

1. Tác nhân gây bệnh sởi

Bệnh sởi do virut sởi (Polinosa morbillarum) gây ra, có dạng hình cầu đường kính khoảng 100-250 nm.

Virus sởi xâm nhập vào trong cơ thể thông qua đường hô hấp. Khi vào trong cơ thể virus sẽ nhân lên ở tế bào biểu mô của đường hô hấp và ở các hạch bạch huyết lân cận. Sau đó, virus vào máu. Thời kì này tương ứng với thời kỳ nung bệnh.

Từ máu, theo bạch cầu virus đến các cơ quan nội tạng: Phổi, lách, hạch, da... gây tổn thương các cơ quan và xuất hiện các triệu chứng lâm sàng thời kỳ toàn phát. Ban ở da và niêm mạc chính là hiện tượng đào thải virus của cơ thể đã phản ứng miễn dịch bệnh lý.

Virus sởi có hai kháng nguyên:

  • Kháng nguyên ngưng kết hồng cầu (Hemagglutinin).
  • Kháng nguyên tan hồng cầu (Hemolysin)

Khi virus sởi vào trong cơ thể bệnh nhân sẽ kích thích sinh kháng thể.

Virus sởi chịu đựng kém ở môi trường bên ngoài, chúng chết ở ngoại cảnh trong vòng 30 phút, dễ bị bất hoạt bởi các thuốc sát trùng thường dùng.

virus-nao-gay-benh-soi-1
Bệnh sởi

2. Đặc điểm của bệnh sởi

Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm, gây dịch lưu hành rộng rãi ở mọi nơi trên thế giới, nhất là trong thời kỳ trước tiêm chủng, bệnh phổ biến ở trẻ em. Trên 90% số người trước lứa tuổi 20 đã bị mắc bệnh sởi, rất hiếm người không bị mắc sởi. Ước tính hàng năm khoảng 100 triệu trường hợp mắc và 6 triệu người tử vong do sởi.

Bệnh sởi cũng là một bệnh lưu hành địa phương trong cộng đồng dân cư đô thị và là một bệnh xảy ra dịch có tính chu kỳ khoảng từ 2 - 3 năm hoặc lâu hơn tùy theo từng nước.

Bệnh sởi xảy ra cũng có tính theo mùa. Ở vùng khí hậu ôn đới, bệnh sởi xuất hiện nhiều vào cuối mùa đông và đầu mùa xuân. Ở vùng nhiệt đới, bệnh xảy ra nhiều vào mùa khô.

Với việc thực hiện chương trình tiêm phòng sởi có hiệu quả, tỷ lệ mắc bệnh sởi đã giảm 99% ở nhiều nước phát triển và chủ yếu xảy ra ở trẻ nhỏ chưa được tiêm chủng hoặc ở trẻ lớn tuổi hơn, người lớn mới chỉ được tiêm 1 liều vacxin.

virus-nao-gay-benh-soi-2
Nên tiêm phòng sởi khi nào?

3. Tiêm phòng sởi

Vacxin sởi: Là vacxin sống, giảm độc lực dùng cho trẻ 6 – 9 tháng tuổi trở lên, có tác dụng bảo vệ cao. Vacxin sởi là một trong những vacxin bắt buộc thuộc “Chương trình tiêm chủng mở rộng” ở nước ta hiện nay.

Vacxin sởi được tiêm dưới dạng là vacxin phối hợp sởi - quai bị - rubella giúp phòng chống ba bệnh dịch nguy hiểm trong chung một mũi tiêm, vacxin an toàn, có hiệu lực bảo vệ cao. Tuy nhiên, mũi tiêm phối hợp này chỉ dùng cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên và người lớn, không khuyến cáo sử dụng cho trẻ 9 tháng tuổi.

Không những trẻ em mà người lớn cũng cần tiêm vacxin sởi, đặc biệt là những người đi du lịch, công tác đến những vùng có dịch, những nhân viên y tế làm việc trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với các mầm bệnh và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có ý định mang thai.

Bệnh sởi là một trong những bệnh có nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi. Và trẻ bị sởi khi chưa tiêm phòng là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Vì sự an toàn của trẻ, các bậc cha mẹ hãy ghi nhớ lịch tiêm sởi cho trẻ và đưa trẻ đi tiêm đúng lịch.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan