Nội soi đại tràng diễn ra như thế nào?

Nội soi đại tràng là một phương pháp rất hiệu quả để tầm soát ung thư đại tràng. Từ đó, chúng ta có thể phát hiện sớm và loại bỏ những tổn thương có khả năng gây ra ung thư (polyp) cũng như các khối u nhỏ trước khi biến chứng xảy ra. Vậy, quy trình nội soi diễn ra như thế nào và liệu rằng phương pháp này có gây đau đớn cho bệnh nhân hay không?

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Nội soi đại tràng là gì?

Nội soi đại tràng là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sử dụng một ống nội soi mềm. Phương pháp này sẽ cho phép bác sĩ dễ dàng quan sát bên trong đại tràng của người bệnh.  

Nhờ vào kỹ thuật này, các bác sĩ có thể phát hiện những bất thường trong đường ruột như khối u, các vết loét, polyp và các khu vực bị chảy máu hoặc viêm.

2. Tại sao phải nội soi đại tràng?

Nội soi trong khu vực đại tràng có thể phát hiện các vấn đề như:

  • Tầm soát ung thư và các bệnh lý đường tiêu hoá: Đây là phương pháp hiệu quả nhất để phát hiện bệnh ung thư đại trực tràng hoặc polyp.
  • Chẩn đoán các bệnh lý đường ruột: Nội soi có thể giúp các bác sĩ chẩn đoán  bệnh lý gây ra những triệu chứng bất thường trong đường ruột người bệnh.
  • Điều trị các vấn đề của đại trực tràng như cắt polyp, loại bỏ dị vật hay cầm máu, nong chỗ hẹp,...
  • Theo dõi các bệnh lý xuất hiện ở đại trực tràng: Nội soi cũng có thể được dùng để theo dõi sau khi điều trị. Bên cạnh đó, diễn tiến của bệnh cũng sẽ được kiểm soát chặt chẽ.

3. Khi nào nên tiến hành tầm soát ung thư đại tràng?

Các bác sĩ khuyến cáo rằng, những nhóm đối tượng sau đây nên tầm soát ung thư đại tràng định kỳ bằng nội soi:

  • Người trên 50 tuổi.
  • Người có nguy cơ mắc ung thư đại tràng từ mức trung bình trở lên.

Những người thuộc nhóm này nên tiến hành nội soi 10 năm một lần hoặc sớm hơn để tầm soát và sàng lọc ung thư đại tràng.

Bên cạnh tầm soát ung thư đại tràng, nội soi đại tràng cũng được sử dụng để tìm ra một số nguyên nhân dẫn đến các tình trạng như:  

  • Đau bụng.
  • Chảy máu trực tràng.
  • Táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài.
  • Một số vấn đề về đường ruột khác.

Trong trường hợp người bệnh đã có polyp từ trước, bác sĩ có thể yêu cầu tiến hành nội soi để tìm kiếm và loại bỏ các polyp mới xuất hiện. Qua đó, nguy cơ mắc ung thư đại tràng của người bệnh sẽ được giảm xuống.

3.1 Các trường hợp được chỉ định nội soi đại tràng

Nội soi sẽ được chỉ định cho những trường hợp bệnh nhân có các triệu chứng sau:

  • Phân có màu giống bã cà phê hoặc có máu lẫn trong phân.
  • Thói quen đại tiện của bệnh nhân có sự thay đổi.
  • Đau bụng.
  • Thiếu máu nhược sắc.
  • Các bất thường trong đại tràng, chẳng hạn như Polyp.
  • Người có tiền sử xuất hiện polyp hoặc mắc ung thư đại tràng.
  • Người bệnh bị viêm đường ruột hoặc viêm loét đại trực tràng.
  • Mắc bệnh viêm đường ruột, viêm loét đại trực tràng,..
  • Người có nhu cầu nội soi đại tràng, trên 40 tuổi hoặc gia đình có người bị ung thư đại tràng. 

Mắc bệnh viêm đường ruột, viêm loét đại trực tràng,..
Mắc bệnh viêm đường ruột, viêm loét đại trực tràng,..

3.2 Chuẩn bị gì trước khi nội soi đại tràng

Trước khi tiến hành nội soi, người bệnh cần lưu ý những vấn đề sau:

  • Nói chuyện với bác sĩ về các loại thuốc mà bản thân sử dụng, bao gồm các loại thuốc được dùng trước khi nội soi ít nhất 1 tuần, ví dụ như aspirin hoặc thuốc chống đông máu. Hỏi trước bác sĩ các loại thuốc được dùng hoặc phải tạm ngưng vào ngày tiến hành nội soi.
  • Thông báo với bác sĩ về các loại thuốc mà bản thân bị dị ứng, kể cả thuốc gây mê.
  • Thông báo với bác sĩ rằng bản thân đang có thai hoặc nghi ngờ có thai.
  • Người bệnh cần làm trống đại tràng trong quá trình nội soi. Vì thế, bệnh nhân nên tránh những thức ăn rắn và chỉ uống chất lỏng trong vòng 1 ngày trước khi tiến hành thủ thuật.
  • Người bệnh có thể cần dùng thuốc nhuận tràng dạng viên hoặc dạng bột, có thể dùng thuốc xổ. Thuốc sẽ được dùng vào ngày hoặc đêm trước khi tiến hành nội soi để làm trống ruột kết.
  • Người bệnh nên đi cùng bạn bè hoặc người thân để được họ đưa về nhà sau khi thực hiện nội soi, vì bệnh nhân có thể bị choáng do sử dụng thuốc an thần khi nội soi.

Ngoài ra, người bệnh cũng cần phải ký vào giấy cam kết trước khi thực hiện nội soi, cho biết bệnh nhân đã hiểu được rủi ro và lợi ích khi nội soi, cũng như đồng ý thực hiện xét nghiệm.

Hãy hỏi bác sĩ về những thắc mắc của bản thân liên quan đến việc nội soi, sự cần thiết cũng như các nguy cơ, rủi ro và ý nghĩa của quá trình này.

4. Quá trình thực hiện nội soi đại tràng

4.1 Quá trình thực hiện

Thông thường, sẽ mất từ 30-60 phút cho một lần tiến hành nội soi. Quá trình thực hiện nội soi sẽ được tiến hành theo các bước như sau:

  • Người bệnh sẽ cần cởi bỏ trang phục của mình, thay thế bằng áo choàng bệnh viện.
  • Lúc này, người bệnh sẽ nằm nghiêng trên bàn kiểm tra trong một căn phòng riêng. Tư thế nằm thường sẽ nghiêng về bên trái và chân gập cao gần tới bụng.
  • Y tá sẽ tiêm thuốc giảm đau và thuốc an thần thông qua tĩnh mạch để hạn chế sự khó chịu. Bệnh nhân có thể tỉnh táo nhưng không thể nhớ hoặc nhận thức những gì đang diễn ra.

Bác sĩ sẽ chèn ống nội soi và thổi khí vào đại tràng của người bệnh. Lúc này, đại tràng sẽ phồng lên, giúp bác sĩ quan sát niêm mạc đại tràng và trực tràng rõ hơn. Hình ảnh sẽ được thu thập thông qua camera ở đầu ống nội soi và được hiển thị qua màn hình.  

Nếu phát hiện các điểm bất thường hoặc polyp, các bác sĩ sẽ sử dụng công cụ đặc biệt để sinh thiết hoặc cắt bỏ polyp. Dù thủ thuật này thường không gây đau, nhưng các vị trí được tác động có thể bị chảy máu.

Đôi lúc, nội soi có thể làm thủng thành đại tràng. Nếu tình trạng này xảy ra, phẫu thuật sẽ được tiến hành để nhanh chóng sửa chữa lại chỗ thủng. 


Nội soi đại tràng
Nội soi đại tràng

Người bệnh có thể cảm thấy khó chịu hoặc bị chuột rút khi nằm yên trong thời gian dài. Vì thế, hãy hít thở sâu và chậm rãi để giảm bớt sự khó chịu mà mình đang gặp phải.

4.2 Sau khi nội soi đại tràng

Sau khi nội soi hoàn tất, người bệnh nên ở lại phòng làm thủ thuật tối đa 2 giờ, chờ tác dụng của thuốc gây mê hoặc thuốc an thần biến mất. Người bệnh cũng không nên lái xe sau khi nội soi, mà nên nhờ người thân đưa về. 

Sau khi nội soi hoàn tất, người bệnh nên có người thân hoặc bạn bè để đưa về nhà
Sau khi nội soi hoàn tất, người bệnh nên có người thân hoặc bạn bè để đưa về nhà

Người bệnh có thể thực hiện các hoạt động thường ngày (như ăn uống) một cách bình thường sau khi nội soi đại tràng đã hoàn tất. Kết quả nội soi sẽ được trả sau khoảng 5-7 ngày. Tuy nhiên, nếu xuất hiện các biến chứng sau đây, bệnh nhân hãy liên lạc ngay với bác sĩ:

  • Nhu động ruột bất thường.
  • Đau bụng dữ dội.
  • Sốt, nôn mửa.
  • Cơ thể yếu ớt, chóng mặt.
  • Đại tiện ra nhiều máu.

Bên cạnh lợi ích, có một số biến chứng của quá trình nội soi có thể xảy ra, bao gồm:

  • Nội soi làm rách hoặc làm thủng thành đại tràng.
  • Xuất huyết do cắt bỏ polyp hoặc do lấy mẫu sinh thiết. Tuy nhiên, mức độ chảy máu ít và có thể được kiểm soát.
  • Xuất hiện các phản ứng với thuốc gây mê.

Các biến chứng trên rất ít khi xảy ra (tỉ lệ gặp phải biến chứng là 1/1000 bệnh nhân). Chính vì thế, phương pháp này được xem là an toàn, không nguy hiểm và hiếm khi xảy ra biến chứng. Điều này đồng nghĩa với việc bệnh nhân nên thực hiện nội soi ở các cơ sở uy tín, các bác sĩ có tay nghề cao và trang thiết bị y tế hiện đại.

Nội soi đại tràng nên được tiến hành tại các cơ sở uy tín và có bác sĩ tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm
Nội soi đại tràng nên được tiến hành tại các cơ sở uy tín và có bác sĩ tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm

Khám sàng lọc ung thư đường tiêu hoá là biện pháp khoa học và hiệu quả để phát hiện sớm ung thư đường tiêu hóa (ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư đại tràng) và đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất.

Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có Gói tầm soát và phát hiện sớm ung thư đường tiêu hóa (thực quản - dạ dày - đại tràng) kết hợp khám lâm sàng và cận lâm sàng để đem lại kết quả chính xác nhất có thể.

Khi thăm khám, sàng lọc ung thư đường tiêu hóa tại Vinmec, Quý khách sẽ được:

  • Khám Chuyên khoa Nội tiêu hóa với bác sĩ chuyên khoa ung bướu (có hẹn).
  • Nội soi dạ dày và nội soi đại tràng với máy nội soi NBI có gây mê.
  • Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi (bằng máy đếm laser).
  • Xét nghiệm thời gian prothrombin bằng máy tự động.
  • Xét nghiệm thời gian thrombin bằng máy tự động.
  • Xét nghiệm thời gian thromboplastin một phần hoạt hoá (APTT: Activated Partial Thromboplastin Time) bằng máy tự động.
  • Siêu âm ổ bụng tổng quát

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe