Vitamin E là chìa khóa dẫn tới làn da, đôi mắt và hệ miễn dịch khỏe mạnh. Những năm gần đây việc bổ sung vitamin E như là một chất chống ô xy hóa ngày càng được biết tới nhiều hơn
1. Tại sao mọi người hay sử dụng vitamin E?
Niềm hy vọng vitamin E với vai trò là chất chống oxy hóa có thể giúp phòng tránh hoặc điều trị bệnh đã thôi thúc mọi người sử dụng viên bổ sung vitamin E. Nhưng các nghiên cứu chuyên sâu về vai trò của vitamin E trong phòng tránh một số bệnh (như ung thư, bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh Alzheimer, cườm mắt, và nhiều bệnh khác) đem lại các kết quả không như mong đợi hoặc gây nhiều tranh cãi.
Hiện nay, vitamin E thực sự mang lại hiệu quả nhất là đối với những trường hợp bệnh nhân bị thiếu vitamin E, nhưng số bệnh nhân này lại khá hiếm. Thường thiếu vitamin E xuất hiện trên những bệnh nhân đã mắc bệnh lý khác, ví dụ như có bất thường về tiêu hóa và u xơ nang. Những người thực hiện chế độ ăn vô cùng ít chất béo cũng có thể có nồng độ vitamin E thấp.
2. Liều lượng vitamin E nên dùng là bao nhiêu?
Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị (recommended dietary allowance - RDA) với vitamin E (tính tổng với cả hai con đường: hấp thu từ thức ăn và hấp thu từ viên bổ sung) như sau:
- Từ 1 tới 3 tuổi: 6 mg/ngày (~ 9 IU/ngày)
- Từ 4 tới 8 tuổi: 7 mg/ngày (~ 10,4 IU/ngày)
- Từ 9 tới 13 tuổi: 11 mg/ngày (~ 16,4 IU/ngày)
- Từ 14 tuổi trở lên: 15 mg/ngày (~ 22,4 IU/ngày)
- Phụ nữ có thai: 15 mg/ngày (~ 22,4 IU/ngày)
- Phụ nữ đang cho con bú: 19 mg/ngày (~ 28,5 IU/ngày)
Giới hạn an toàn đối với lượng vitamin E bổ sung lớn nhất có thể sử dụng thay đổi theo độ tuổi như sau:
- Từ 1 tới 3 tuổi: không quá 200 mg/ngày (~ 300 IU/ngày)
- Từ 4 tới 8 tuổi: không quá 300 mg/ngày (~ 450 IU/ngày)
- Từ 9 tới 13 tuổi: không quá 600 mg/ngày (~ 900 IU/ngày)
- Từ 14 tới 18 tuổi: không quá 800 mg/ngày (~ 1200 IU/ngày)
- Từ 19 tuổi trở lên: không quá 1000 mg/ngày (~ 1500 IU/ngày).
Các trường hợp bệnh lý thiếu vitamin E có thể bổ sung với liều cao hơn, nhưng phải có chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.
Vitamin E là một vitamin tan trong chất béo, do đó nên uống bổ sung vitamin E trong bữa ăn.
3. Vitamin E có nhiều trong thực phẩm nào?
Vitamin E có trong rất nhiều loại thực phẩm khác nhau, và với người bình thường khi thực hiện chế độ ăn cân bằng sẽ hấp thu đủ lượng vitamin E cần thiết từ thức ăn. Vitamin E có nhiều trong các thực phẩm như:
- Dầu thực vật
- Rau có lá màu xanh, như rau chân vịt
- Ngũ cốc và các thực phẩm có bổ sung vitamin E
- Trứng
- Các loại hạt.
4. Sử dụng vitamin E bổ sung có gặp nguy cơ gì không?
Trên thực tế, lợi ích và nguy cơ khi sử dụng vitamin E còn chưa rõ ràng và gây nhiều tranh cãi. Sử dụng vitamin E bổ sung trong thời gian dài (trên 10 năm) có mối liên hệ với tăng nguy cơ bị đột quỵ.
Thêm vào đó, một phân tích dựa trên thử nghiệm lâm sàng cho thấy những bệnh nhân sử dụng vitamin E tự nhiên hoặc vitamin E tổng hợp với liều từ 400 IU/ngày trở lên đối mặt với nguy cơ tăng tỉ lệ tử vong từ tất cả các nguyên nhân, và liều vitamin E càng cao thì tỉ lệ này càng tăng lên nhiều. Các nghiên cứu về tim mạch cũng gợi ý những bệnh nhân mắc đái tháo đường hoặc bệnh lý tim mạch mà bổ sung 400 IU/ngày vitamin E tự nhiên làm tăng tỷ lệ mắc suy tim và suy tim liên quan tới nằm viện.
Những phụ nữ mang thai thời kỳ đầu sử dụng vitamin E bổ sung có thể gây hại cho thai nhi. Một nghiên cứu chỉ ra rằng thai phụ sử dụng vitamin E bổ sung trong 8 tuần đầu của thai kỳ làm tăng nguy cơ thai nhi bị dị tật tim bẩm sinh từ 1,7 cho tới 9 lần. Tuy nhiên liều lượng chính xác vitamin E bổ sung mà các thai phụ trong nghiên cứu này sử dụng lại không rõ.
Một nghiên cứu trên quần thể lớn chỉ ra rằng nam giới sử dụng viên bổ sung kết hợp đa vitamin trên bảy lần một tuần cùng với một viên bổ sung vitamin E riêng biệt đã làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh ung thư tiền liệt tuyến.
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo nên hấp thu các chất chống oxy hóa, bao gồm cả vitamin E, từ các loại thực phẩm trong chế độ ăn cân bằng, như hoa quả, rau xanh, và ngũ cốc nguyên hạt, hơn là từ các viên bổ sung. Việc sử dụng các viên bổ sung vitamin E nên tham vấn hoặc tuân theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
5. Tác dụng không mong muốn khi bổ sung vitamin E là gì?
Cũng như những thuốc khác, vitamin E cũng có một số tác dụng không mong muốn như:
- Có thể gây kích ứng da.
- Quá liều vitamin E có thể gây: buồn nôn, nôn, đau đầu, xuất huyết, mệt mỏi và nhiều triệu chứng khác
Những bệnh nhân đang sử dụng thuốc chống đông máu hoặc các thuốc khác cần tham vấn và có chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa trước khi bổ sung vitamin E.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: Webmd.com