Trong cuộc sống, chất béo chuyển hóa thường được sử dụng nhiều trong các thực phẩm chế biến sẵn vì chúng có thời hạn sử dụng lâu và giá thành rẻ. Cũng giống như chất béo bão hòa, tác hại do chất béo chuyển hóa gây ra với cơ thể là vô cùng lớn.
1. Chất béo chuyển hóa là gì?
Có nhiều người vẫn lầm tưởng rằng đã là chất béo thì luôn mang đến lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, chất béo chuyển hóa lại là một loại axit béo có hại được tìm thấy nhiều trong các loại thực phẩm chế biến sẵn, nếu con người thường xuyên tiếp nhận loại chất béo này thì sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch bởi cấu trúc hóa học của chất béo chuyển hóa có khả năng làm tăng LDL (một loại cholesterol có hại) và làm giảm lượng HDL (một cholesterol tốt).
Trên thực tế, vẫn có một lượng chất béo chuyển hóa nhỏ trong các thực phẩm làm từ sữa, thịt động vật.... Tuy nhiên, chất béo chuyển hóa tự nhiên không đáng lo ngại bằng chất béo chuyển hóa nhân tạo, tổng hợp hay công nghiệp. Chúng được tạo nên bởi mỡ và dầu qua tinh chế. Chúng xuất hiện trong thực phẩm chế biến thông qua cách sử dụng dầu thực vật được hydro hóa hoặc hydro hóa một phần (chiên ngập dầu, nướng....).
2. Tác hại chất béo chuyển hóa đối với sức khỏe
Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, chất béo chuyển hóa có khả năng làm tăng nồng độ cholesterol xấu và giảm nồng độ của cholesterol tốt trong cơ thể người sử dụng. Một tác hại chất béo chuyển hóa không thể phủ nhận chính là làm tăng nguy cơ phát bệnh tim mạch, đột quỵ.
Ngoài ra, tác hại chất béo chuyển hóa còn được đánh giá là tệ hơn cả chất béo bão hòa là vì bản thân nó có chứa rất ít các chất béo có lợi (HDL), khiến cho chất béo dư thừa không thể tự bài tiết ra ngoài cơ thể, tình trạng dư thừa các chất béo có hại trong cơ thể lâu dài sẽ gây ra các vấn đề sức khỏe; trong khi dư thừa chất béo bão hòa có thể gây ra vấn đề sức khỏe, làm tăng nguy cơ bệnh tiểu đường tuýp 2, gây dị ứng ở trẻ em...
Để tránh tác hại chất béo chuyển hóa thì lý tưởng nhất là mỗi ngày chỉ sử dụng 0g chất béo chuyển hóa. Theo lời khuyên của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ thì lượng calo mỗi ngày của mỗi người đến từ chất béo chuyển hóa không nên nhiều hơn 1% tổng lượng calo. Do đó, nếu nạp khoảng 2.000 calo mỗi ngày thì chỉ nên ăn ít hơn 2g chất béo chuyển hóa mỗi ngày.
3. Thực phẩm nào chứa chất béo chuyển hóa?
Bơ, sữa, thịt động vật...là những thực phẩm có chứa một lượng nhỏ chất béo chuyển hóa, tuy nhiên, những chất béo chuyển hóa tự nhiên này lại không có khả năng gây hại cho sức khỏe bằng tác hại chất béo chuyển hóa được tìm thấy trong thực phẩm chiên, xào, đồ ăn nhanh hay thực phẩm nướng thương mại. Một số thực phẩm chứa nhiều chất béo chuyển hóa có thể là:
- Bánh quy ngọt
- Khoai tây chiên
- Nước trộn xà lách
- Bơ thực vật (margarine)
- Dầu Shortening
- Bánh quy giòn
4. Làm thế nào để không sử dụng phải chất béo chuyển hóa?
Một điều rất may mắn là sự phá hoại do chất béo chuyển hóa gây ra lại có thể được đảo nghịch bởi chế độ ăn uống lành mạnh. Thường xuyên sử dụng các cây họ đậu, yến mạch hoặc các loại rau có lá xanh và các chất béo không bão hòa đơn có trong dầu ô liu... sẽ giúp sản xuất các chất chống oxy hóa và các chất chống viêm nhiễm, giảm tác hại của chất béo chuyển hóa lên cơ thể.
Do vậy, để tránh sử dụng phải chất béo chuyển hóa thì không có cách nào khác ngoài việc tự xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh, tự nấu ăn, thêm nhiều trái cây, rau quả vào chế độ ăn hàng ngày thay vì những thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh.
Ngoài ra, khi lựa chọn thực phẩm thì cũng có thể loại bỏ sản phẩm có chứa chất béo chuyển hóa bằng cách đọc kỹ nhãn thực phẩm xem trên đó có các chất béo chuyển hóa hay không. Chất béo chuyển hóa sẽ xuất hiện trong danh sách thành phần với cái tên như dầu thực vật hydro hóa một phần, hoặc dầu thực vật hydro hóa. Hiện nay, một số nhà hàng chế biến thức ăn nhanh cũng đã không còn sử dụng chất béo chuyển hóa nữa, tuy nhiên để an toàn thì hãy hỏi kỹ trước khi đặt hàng.
Thay vì sử dụng chất béo chuyển hóa thì hãy sử dụng nhiều thực phẩm có chứa chất béo bão hòa đơn hoặc chất béo không bão hòa đa có trong các loại dầu thực vật như dầu hạt cải, dầu oliu, dầu mè, dầu hướng dương, dầu đậu nành,... hoặc các thực phẩm như bơ đậu phộng, hạt giống, các loại quả hạch, cá hồi, cá thu, cá trích...
Đặc biệt, để tránh cho cơ thể phải tiêu thụ chất béo chuyển hóa, mỗi người nên hạn chế sử dụng các thực phẩm chứa nhiều loại chất béo này như thức ăn nướng, đồ ăn vặt, đồ ăn chiên xào, thực phẩm bảo quản lâu trong tủ lạnh, bơ thực vật... mà hãy dùng bơ thực vật lỏng hoặc dầu thực vật thay thế.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.