Ure rất dễ hòa tan trong nước nên được cơ thể đào thải ra ngoài qua đường nước tiểu. Do đó, chỉ số ure có thể phản ánh được tình trạng hoạt động của chức năng thận.
1. Ure là gì?
Ure là sản phẩm cuối cùng của quá trình chuyển hóa protein trong cơ thể. Ure sẽ được cơ thể đào thải ra ngoài thông qua bằng đường nước tiểu quá trình hoạt động của thận. Nước tiểu có mùi khai là do ure chuyển hóa tạo nên.
Ure luôn tồn tại trong cơ thể. Việc bổ sung các chất đạm hàng ngày từ thịt, cá, trứng,... đồng nghĩa với việc bổ sung ure.
Protein ngoại sinh từ các chất đạm hàng ngày qua đường ăn uống sẽ được protease của hệ tiêu hóa chuyển hóa thành các axit amin. Tiếp đó, các axit amin chuyển hóa thành các sản phẩm tiếp theo, tạo ra NH3 và CO2. NH3 là chất độc được chuyển hóa thành ure và một vài chất độc ở gan. Nếu gan bị rối loạn hay suy giảm chức năng sẽ ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa NH3 thành ure, lâu dần gây tích tụ NH3, tạo ra khối lượng lớn chất độc, ảnh hưởng tới hệ thần kinh, tăng nguy cơ mắc bệnh não do amoniac dẫn đến hôn mê gan.
Ngoài việc đào thải ra khỏi cơ thể qua đường nước tiểu thì ure còn có thể được bài tiết qua mồ hôi (một lượng rất nhỏ). Trung bình một người trưởng thành sẽ bài tiết khoảng 30g ure/ngày qua đường nước tiểu.
2. Chỉ số ure là gì?
Chỉ số ure trong máu bình thường là ở mức 0,2 - 0,4 g/lít, có thể tăng lên khoảng 0,1 - 0,5 g/lít và vẫn được đánh giá là chức năng thận hoạt động bình thường. Nếu chỉ số ure vượt quá ngưỡng trên thì có nghĩa chức năng thận đang bị ảnh hưởng.
Chỉ số ure trong máu cũng có thể thay đổi sau khi ăn uống. Nếu ăn nhiều thực phẩm giàu đạm thì chỉ số ure máu sẽ tăng lên. Do đó, khi xét nghiệm đo chỉ số ure máu người ta thường thực hiện vào buổi sáng, khi chưa ăn uống gì để không làm ảnh hưởng đến kết quả.
3. Vai trò của ure với cơ thể
Ure ít độc nên kể cả khi chỉ số ure máu cao cũng không mấy nguy hiểm đối với sức khỏe con người. Người ta thường dùng chỉ số ure máu để đánh giá chức năng thận. Nếu chỉ số ure máu cao thì chức năng thận kém. Nếu chỉ số ure máu bình thường như đã nêu trên thì chức năng thận tốt.
Ngoài nguyên nhân suy giảm chức năng thận, có rất nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến chỉ số ure máu như: Căng thẳng, đau tim, bị bỏng, chảy máu đường tiêu hóa, tắc nghẽn dòng chảy nước tiểu, cơ thể mất nước...
Người bị bệnh gan nặng, suy dinh dưỡng, phụ nữ có thai có thể có nồng độ ure máu thấp. Tuy nhiên, xét nghiệm chỉ số ure không được sử dụng để chẩn đoán các bệnh lý này.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.