Thế nào là tăng áp động mạch phổi?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đỗ Xuân Chiến và Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Thị Hòa - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Tăng áp động mạch phổi là bệnh có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào, từ sơ sinh cho đến người lớn tuổi. Bệnh tăng áp động mạch phổi nếu không được điều trị kịp thời hoặc loại bỏ nguyên nhân gây ra bệnh thì sẽ có những nguy cơ biến chứng rất nghiêm trọng. Bài viết dưới đây sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về căn bệnh này.

1. Tăng áp động mạch phổi là gì?

Đối với những người bình thường, tâm thất phải chịu trách nhiệm bơm máu đến phổi để tiếp nhận oxy và tuần hoàn đi khắp cơ thể. Khi quá trình này diễn ra, nó tạo một áp lực lên thành động mạch phổi.

Vì một số nguyên nhân khác nhau, quá trình lưu thông máu có thể bị cản trở và áp lực máu trong mạch máu tăng lên, có thể do hệ thống mao mạch và động mạch phổi bị xơ vữa, thu hẹp hoặc suy yếu.

Tăng áp động mạch phổi là một loại tăng huyết áp. Nó ảnh hưởng đến các động mạch phổi và bên phải của tim.

Bệnh tăng áp động mạch phổi bắt đầu khi áp lực lên thành động mạch phổi thường xuyên tăng lên. Buồng thất phải sẽ phải làm việc nhiều hơn để bơm máu qua phổi khi áp suất được xây dựng, cứ như vậy cơ tìm sẽ bị suy yếu và cuối cùng là suy hoàn toàn.

Tăng áp động mạch phổi là căn bệnh vô cùng nghiêm trọng. Nó thường có xu hướng trở nên tồi tệ dần và thậm chí có thể khiến cho người bệnh tử vong.

Hiện nay, tăng áp động mạch phổi vẫn chưa thể được chữa khỏi mà chỉ có thể làm giảm các triệu chứng bệnh.

Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về huyết áp cao không?

Huyết áp cao còn được gọi là kẻ giết người thầm lặng vì bệnh thường không có triệu chứng. Thiếu hụt kiến thức về huyết áp cao có thể làm cho tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn. Dưới đây là những câu hỏi trắc nghiệm vui giúp bạn hiểu đúng về bệnh cao huyết áp.

2. Triệu chứng của tăng áp động mạch phổi

Giai đoạn đầu của bệnh tăng áp động mạch phổi thường không có triệu chứng bệnh rõ rệt. Bệnh diễn biến âm thầm và có chuyển biến nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.Một số dấu hiệu để nhận biết bệnh tăng áp động mạch phổi gồm:

  • Khi vận động, tập luyện thể dục, người bệnh sẽ nhanh cảm thấy khó thở, mau kiệt sức;
  • Thường cảm thấy mệt mỏi;
  • Vùng ngực bị đau thắt;
  • Tay, chân, mắt cá chân bị sưng phù;
  • Nhịp tim, mạch đập nhanh bất thường;
  • Các vết xanh tím xuất hiện ở da và môi;
  • Người bệnh thường xuyên cảm thấy chóng mặt, có thể bị ngất xỉu;
  • Đối tượng bị bệnh tim, phổi nhưng tình trạng khó thở ngày càng tăng lên;
  • Người bệnh cảm thấy chướng bụng, khó tiêu.

Tăng áp động mạch phổi là một loại tăng huyết áp
Tăng áp động mạch phổi là một loại tăng huyết áp

3. Nguyên nhân gây ra bệnh tăng áp động mạch phổi

Khi máu chảy qua tim, các buồng dưới bên phải bơm máu lên phổi thông qua động mạch phổi. Máu giải phóng dioxit cacbon và lấy oxy. Qua các mạch máu trong phổi, máu giàu oxy sẽ đến phía bên trái của tim.

Bình thường, máu lưu thông dễ dàng qua các mạch trong phổi do áp lực động mạch phổi thường thấp hơn nhiều. Do sự thay đổi trong các tế bào lót động mạch phổi gây nên tình trạng gia tăng huyết áp. Những sự thay đổi này khiến cho các mạch máu bị ngăn chặn hoặc thu hẹp làm cho động mạch trở nên cứng hoặc hẹp đi. Chính điều này làm cho tăng áp trong động mạch phổi khi máu lưu thông.

Thường thì tăng áp động mạch phổi được chia làm 2 nhóm bệnh chính, dựa vào nguyên nhân gây bệnh:

  • Tăng áp động mạch phổi nguyên phát: Không thể xác định được nguyên nhân gây nên bệnh tăng áp động mạch phổi. Một số yếu tố nguy cơ có liên quan đến tình trạng này gồm:
    • Đột biến gen, yếu tố di truyền;
    • Tác động của thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc;
    • Do người bệnh bị dị tật tim bẩm sinh;
    • Do một số bệnh lý khác như HIV, xơ gan;
    • Do bệnh lý tĩnh mạch, mao mạch (tĩnh mạch phổi bị tắc nghẽn...).

Tuy nhiên, hiện nay, những nguyên nhân gây nên bệnh tăng áp động mạch phổi tự phát hầu hết vẫn chưa được công nhận.

  • Tăng động mạch phổi thứ phát: Tăng động mạch phổi thứ phát xảy ra phổ biến hơn so với tăng động mạch phổi nguyên phát. Một số nguyên nhân gây nên tăng động mạch phổi thứ phát bao gồm:
    • Do một số bất thường liên quan đến tim như bệnh van tim, tâm thất trái phì đại...;
    • Tình trạng bất thường xảy ra ở phổi như phổi tắc nghẽn mãn tính, xơ phổi, ngưng thở khi ngủ...;
    • Động mạch phổi bị tắc nghẽn do cục máu đông;
    • Các mô liên kết bị rối loạn (xơ cứng bì hay lupus);
    • Người bệnh bị tim bẩm sinh hoặc suy tim;
    • Các bộ phận khác trong cơ thể bị biến chứng và gây ảnh hưởng tới động mạch phổi như bệnh tuyến giáp trạng, đa hồng cầu nguyên phát...;
    • Do người bệnh sử dụng thuốc kích thích như cocain;
    • Do bệnh gan mãn tính;
    • Do bệnh phổi, gây ra sẹo giữa các phế nang trong mô giữa;
    • Người bệnh bị thiếu máu tế bào hình liềm.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ khám, chữa bệnh uy tín, đáng tin cậy đối với bệnh nhân mắc bệnh tim mạch
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ khám, chữa bệnh uy tín, đáng tin cậy đối với bệnh nhân mắc bệnh tim mạch

Bệnh nhân bị tăng áp động mạch phổi thường vào viện khi bệnh đã trở nặng, gây khó khăn cho quá trình điều trị. Vì vậy, cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe tổng quát để phát hiện bệnh sớm; đồng thời khi thấy bất cứ dấu hiệu nào của bệnh cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và can thiệp kịp thời.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ khám, chữa bệnh uy tín, đáng tin cậy đối với bệnh nhân mắc bệnh tim mạch nói chung và bệnh nhân bị tăng áp động mạch phổi nói riêng. Với trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ bác sĩ có chuyên môn tim mạch giàu kinh nghiệm, luôn hết lòng vì sức khỏe bệnh nhân, Vinmec luôn được giới chuyên môn đánh giá cao về chất lượng khám chữa bệnh tim mạch và là địa chỉ được nhiều bệnh nhân tin tưởng lựa chọn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe