Bệnh tim mạch: Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Trần Quốc Tuấn - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch là các yếu tố làm tăng khả năng mắc các bệnh tim mạch. Nếu một người có nhiều yếu tố nguy cơ thì khả năng mắc bệnh tim mạch sẽ tăng lên. Bên cạnh các yếu tố nguy cơ tim mạch không thể thay đổi được như tuổi, giới tính, di truyền thì có một số yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch bạn hoàn toàn có thể kiểm soát, điều chỉnh được.

1. Tăng huyết áp

Huyết áp của người bình thường ở mức thấp hơn 140/90mmHg, nếu huyết áp cao hơn 140/90 mmHg được gọi là tăng huyết áp. Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch thường gặp nhất. Bệnh tăng huyết áp được xem là kẻ giết người thầm lặng vì thường diễn biến âm thầm, không triệu chứng trong một thời gian dài. Khi bệnh tăng huyết áp đã gây ra các triệu chứng rõ ràng thì thường đã xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng như tổn thương động mạch, tắc nghẽn mạch máu, các tổn thương tim như rối loạn nhịp tim, suy tim, đột tử, thiếu máu não, đột quỵ, suy thận, giảm thị lực,...

Tăng huyết áp lại thường đi cùng các yếu tố nguy cơ khác như thừa cân, béo phì, đái tháo đường, tăng lipid máu làm trầm trọng thêm các biến chứng của bệnh tim mạch.

Phát hiện sớm tình trạng tăng huyết áp, kết hợp điều trị bằng thuốc và điều chỉnh lối sống như giảm cân, chế độ ăn giảm muối, tập luyện thể lực,... để kiểm soát tốt huyết áp, từ đó giảm nguy cơ các biến chứng tim mạch.

2. Tăng cholesterol máu và các rối loạn lipid máu liên quan

Cholesterol máu toàn phần gồm nhiều thành phần khác nhau, trong đó quan trọng nhất là cholesterol trọng lượng phân tử cao HDL-Cholesterol và cholesterol trọng lượng phân tử thấp LDL-Cholesterol. Tăng cholesterol máu là tình trạng rối loạn cholesterol máu, trong đó hàm lượng LDL-cholesterol máu tăng lên làm tích lũy lipid ở các mạch máu gây ra các mảng xơ vữa động mạch và hàm lượng HDL-cholesterol , cholesterol tốt là yếu tố bảo vệ giảm thấp xuống. Ngoài ra, tăng triglycerid cũng là một rối loạn lipid máu làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

Tăng hàm lượng lipid máu gồm tăng cholesterol và triglycerid máu có thể là nguyên nhân của nhiều bệnh lý tim mạch nguy hiểm như: Bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, đột quỵ, tai biến mạch máu não,...

Hàm lượng lipid máu là một yếu tố có thể điều chỉnh được, nên thực hiện các xét nghiệm lipid máu theo định kỳ, đặc biệt là sau tuổi 40. Thực hiện chế độ ăn uống hợp lý, tập thể dục đều đặn, sử dụng các thuốc điều trị lipid máu nếu mắc bệnh theo chỉ định của bác sĩ sẽ giúp ngăn ngừa gặp các biến cố tim mạch.

3. Hút thuốc lá


Hút thuốc lá là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch
Hút thuốc lá là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch

Các nghiên cứu đã chỉ ra, hút thuốc lá là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như bệnh động mạch vành, bệnh mạch máu ngoại vi, đột quỵ,... Khi hít phải khói thuốc do người khác hút (hút thuốc lá thụ động) cũng là nguy cơ gây bệnh tim mạch tương tự.

Không hút thuốc lá nếu chưa hút và bỏ thuốc lá là một biện pháp hiệu quả để giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

4. Đái tháo đường và kháng insulin

Bệnh đái tháo đường gây ra nhiều biến chứng tim mạch nguy hiểm như bệnh lý mạch vành, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, gây tổn thương các mạch máu ở thận, mắt,... Ngay cả khi đường huyết tăng nhẹ thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch đã cao hơn bình thường. Những người mắc bệnh đái tháo đường type 2 thường có nồng độ insulin trong máu cao và thường kèm theo tình trạng kháng insulin làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch,...

Điều chỉnh trong quá trình ăn uống , giảm cân, tập luyện thể lực để hạn chế nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Nếu mắc bệnh, điều trị để kiểm soát tốt đường huyết sẽ làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

5. Lối sống tĩnh tại, lười vận động

Lối sống tĩnh tại, ngồi nhiều, lười vận động là một yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng, vận động thể lực đều đặn hàng ngày sẽ làm tăng khả năng dung nạp đường, tăng hàm lượng HDL-cholesterol, làm hạ huyết áp và giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành,...

Nên tập luyện ít nhất 30 phút, đều đặn hàng ngày, cường độ đủ mạnh (ấm người, ra mồ hôi, thở hơi nhanh) để mang lại hiệu quả tốt nhất.

6. Uống rượu


Uống quá nhiều rượu có thể làm tổn thương gan và tăng huyết áp
Uống quá nhiều rượu có thể làm tổn thương gan và tăng huyết áp

Uống quá nhiều rượu có thể làm tổn thương gan, tổn thương thần kinh, tăng huyết áp và nhiều rối loạn tim mạch nghiêm trọng khác. Các khuyến cáo về uống một lượng rượu ít (không quá 60ml rượu vang, 30ml rượu nặng, 300ml bia) hàng ngày sẽ không gây nguy cơ tim mạch hiện chưa có đủ bằng chứng, do đó nên hạn chế đến mức thấp nhất hoặc không uống rượu để hạn chế nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Các bệnh tim mạch là nguy cơ sức khỏe được quan tâm hàng đầu trên thế giới bởi nguy cơ gây tử vong và tàn phế cao. Điều nguy hiểm là bệnh đang có dấu hiệu ngày càng trẻ hóa, bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi nào. Khám tim mạch thường xuyên để phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh là vô cùng cần thiết để ngăn ngừa xảy ra các biến chứng nguy hiểm của các bệnh lý tim mạch.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Hội Tim mạch học Việt Nam

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe