Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Đỗ Văn Mạnh - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long
Đông máu là cơ chế mang tính bảo vệ cơ thể tránh chảy máu. Cơ thể của chúng ta luôn cần có sự cân bằng giữa hai hệ thống: làm đông máu và chống lại quá trình đông máu. Nếu hai hệ này mất đi sự cân bằng sẽ khiến cho mạch bị tắc và chảy máu. Vậy thời gian đông máu bình thường mất bao lâu?
1. Thời gian đông máu bình thường là bao lâu?
Để xác định được thời gian đông máu, bác sĩ sẽ chỉ định bạn làm một số xét nghiệm đông máu. Mỗi phương pháp xét nghiệm có thể sẽ cho ra kết quả về thời gian đông máu khác nhau.
Sau đây là một số phương pháp xét nghiệm đông máu:
1.1. Phương pháp xét nghiệm thời gian đông máu
Khi máu ra khỏi cơ thể, mạch máu sẽ không tiếp xúc với yếu tố không nội mạc, quá trình đông máu được tạo ra bằng việc hoạt hóa các yếu tố nội sinh. Khoảng thời gian khi máu ra khỏi mạch máu cho đến khi cục máu đông được hình thành được gọi là thời gian đông máu.
Khi thực hiện xét nghiệm thời gian đông máu, kết quả thời gian máu đông bình thường là từ 8-12 phút. Nếu thời gian kéo dài thì có thể là biểu hiện của sự rối loạn đông máu, nếu giảm thì có thể là xuất hiện yếu tố gây ức chế sự đông máu hoặc giảm yếu tố.
Trên 15 phút thì được coi là thời gian đông máu kéo dài.
1.2. Phương pháp xét nghiệm co cục máu đông
Máu sẽ bị đông khi ra khỏi thành mạch đồng thời chuyển thành dạng rắn nhờ hình thành các sợi fibrin. Các thành phần hữu hình sẽ được các mạng lưới fibrin ôm lấy rồi co rút lại tạo nên cục máu đông tách khỏi huyết thanh.
Cục máu sẽ được để trong ống nghiệm với bình điều nhiệt nước là 37 độ C. Sau 3 giờ tách ra khỏi ống nghiệm, cục máu sẽ co hoàn toàn nếu bình thường.
Trong trường hợp có sự bất thường về yếu tố tiểu cầu hoặc fibrinogen thì cục máu có thể co không hoàn toàn hoặc không co.
1.3. Phương pháp xét nghiệm Prothrombin
Đây là phương pháp khảo sát con đường đông máu ngoại sinh.Prothrombin (PT) chủ yếu thể hiện hoạt tính đông máu của các yếu tố tham gia vào con đường đông máu ngoại sinh.
Nếu PT bình thường thì thời gian đông máu là từ 10-14 giây.
1.4. Phương pháp xét nghiệm Thromboplastin từng phần được hoạt hóa
Thromboplastin chủ yếu thể hiện hoạt tính đông máu của các yếu tố tham gia con đường đông máu nội sinh.
Nếu Thromboplastin bình thường thì thời gian đông máu sẽ kéo dài khoảng từ 30-40 giây.
1.5. Phương pháp xét nghiệm thời gian Thrombin
Phương pháp này dùng để đánh giá con đường đông máu chung.
Thời gian đông máu bình thường từ 14-16 giây.
2. Nguyên nhân dẫn gây nên sự bất thường về thời gian đông máu
Tình trạng máu đông chậm hơn có thể gặp ở một số đối tượng sau:
- Các đối tượng sử dụng Heparin.
- Người mắc bệnh xơ gan.
- Các yếu tố đông máu bị thiếu hụt.
- Những đối tượng sử dụng Warfarin.
- Xuất hiện yếu tố ức chế Lupus.
Tình trạng máu đông nhanh hơn có thể là do sự thiếu hụt các chất ức chế sự đông máu dẫn tới tăng khả năng tạo fibrin, gây tăng đông, tắc mạch.
Vậy máu đông nhanh có nguy hiểm không? Máu đông nhanh khi ở giai đoạn khởi phát, những biểu hiện thường rất nhẹ nhàng nhưng khi tình trạng tăng đông máu xảy ra có thể khiến cho người bệnh bị tàn tật, thậm chí có thể tử vong. Vì vậy, hiện tượng máu đông nhanh rất nguy hiểm, không nên chủ quan.
Xét nghiệm để biết được thời gian đông máu của từng đối tượng bệnh nhân là rất quan trọng. Dựa vào thời gian đông máu, các bác sĩ sẽ biết được chính xác tình trạng đông máu của, mỗi người bệnh để đưa ra hướng điều trị phù hợp cho từng đối tượng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.