Xét nghiệm tiêm dưới da xác định bệnh lao

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Thị Vượng - Bác sĩ Xét nghiệm vi sinh - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Lao là căn bệnh nguy hiểm với khả năng lây nhiễm cao. Để xác định xem một người có mắc bệnh hay không cần phải thực hiện nhiều phương pháp chẩn đoán, trong đó có xét nghiệm tiêm dưới da xác định bệnh lao.

1. Tầm quan trọng của xét nghiệm bệnh lao

Lao là bệnh lý gây ra bởi vi trùng. Khi vi trùng lao thâm nhập vào một cơ quan nào đó trong cơ thể, sinh sôi phát triển ngoài tầm kiểm soát của cơ thể thì sẽ gây bệnh lao. Trong các loại bệnh lao, bệnh lao phổi là thường gặp nhất. Tỷ lệ bệnh nhân tử vong do lao gây ra chỉ đứng thứ 2 sau HIV/AIDS. Nguyên nhân vì trong thời gian đầu, bệnh không có biểu hiện rõ ràng, chủ yếu là ho, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường. Đến khi bệnh có triệu chứng rõ ràng thì đã bước sang giai đoạn cuối, gây khó khăn trong việc điều trị. Bởi vậy, việc chẩn đoán và thực hiện các xét nghiệm nhằm phát hiện sớm bệnh lao hỗ trợ rất lớn trong việc điều trị bệnh.

2. Xét nghiệm tiêm dưới da xác định bệnh lao là gì?

Xét nghiệm tiêm dưới da xác định lao (còn gọi là thử nghiệm Mantoux) là kỹ thuật được thực hiện để kiểm tra xem trước đó bệnh nhân đã từng tiếp xúc với vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) hay chưa. Đây là xét nghiệm đo phản ứng của hệ miễn dịch đối với vi khuẩn gây bệnh lao. Xét nghiệm này được thực hiện bằng cách: Tiêm một lượng nhỏ Tuberculin của vi khuẩn lao (kháng nguyên) vào cánh tay của bệnh nhân. Nếu đã từng tiếp xúc với vi khuẩn lao, da của bệnh nhân sẽ phản ứng với kháng nguyên với biểu hiện là xuất hiện một vết sưng đỏ tại vị trí tiêm trong vòng 2 ngày.

Hình ảnh vi khuẩn gây bệnh lao
Hình ảnh vi khuẩn gây bệnh lao

Xét nghiệm tiêm dưới da xác định bệnh lao là một trong những xét nghiệm có hiệu quả cao trong phát hiện nhiễm trùng lao. Phương pháp này thường được thực hiện khi các triệu chứng, phương pháp chẩn đoán khác cho thấy rằng một người có thể mắc bệnh lao. Tuy vậy, xét nghiệm này không thể cho biết thời gian nhiễm khuẩn lao, tình trạng nhiễm trùng lao là hoạt động hay không hoạt động, có thể truyền cho người khác không,...

3. Khi nào tiêm dưới da xác định bệnh lao?

Các đối tượng cần thực hiện thử nghiệm Mantoux gồm:

  • Xung quanh có người mắc bệnh lao;
  • Người đang làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe;
  • Người bị suy yếu hệ thống miễn dịch do sử dụng một số loại thuốc, mắc các bệnh ung thư, HIV/AIDS,...
Cảm ơn các bác sĩ, điều dưỡng Vinmec Hải Phòng đã nhiệt tình điều trị, túc trực cả ngày lẫn đêm
Đối tượng làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nên định kỳ kiểm tra sức khỏe

4. Thực hiện xét nghiệm dưới da xác định bệnh lao

4.1 Chuẩn bị

  • Bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ nếu từng có kết quả thử nghiệm Mantoux dương tính. Trong trường hợp này, người bệnh không cần phải xét nghiệm lại, trừ những trường hợp bất thường;
  • Bệnh nhân nên thông báo cho bác sĩ nếu đang mắc bệnh, các loại thuốc đang sử dụng;
  • Người bệnh cho bác sĩ biết nếu đã từng tiêm phòng lao, thời điểm tiêm chủng.

4.2 Quy trình thực hiện

  • Bệnh nhân ngồi đúng tư thế, đưa cánh tay lên cao;
  • Làm sạch, để khô vùng da tiến hành xét nghiệm;
  • Tiêm kháng nguyên Tuberculin tinh chế hoặc PPD dưới da. Chất này có thể tạo thành một vết sưng nhỏ trên da. Vùng xung quanh da có thể được bác sĩ dùng bút khoanh tròn lại để đánh dấu;
  • Bác sĩ không băng lại vết kim chích mà để hở nhằm theo dõi vùng tiêm trong vòng 2 - 3 ngày.

4.3 Chú ý sau khi xét nghiệm

  • Không dùng gạc, băng cá nhân dán lên vùng được tiêm;
  • Không gãi, cào lên vùng tiêm vì như vậy sẽ làm khu vực xét nghiệm bị tấy đỏ, cho kết quả sai;
  • Nếu chỗ tiêm bị ngứa nhiều, bệnh nhân có thể đắp lên đó một chiếc khăn lạnh;
  • Có thể rửa vùng tiêm, lau khô nhẹ nhàng sau khi rửa;
  • Bệnh nhân đến gặp bác sĩ 2 - 3 ngày sau khi xét nghiệm để kiểm tra kết quả.
Test da
Thực hiện xét nghiệm dưới da xác định bệnh lao

5. Ý nghĩa chỉ số tiêm dưới da

Căn cứ vào kích thước của vết sưng được đo 2 - 3 ngày sau khi xét nghiệm để xác định kết quả. Sau khi quan sát vùng da được thử nghiệm, bác sĩ sẽ đánh giá nguy cơ nhiễm bệnh lao của bệnh nhân.

Nổi mẩn đỏ ở vị trí da thử nghiệm đồng nghĩa với việc không bị nhiễm khuẩn lao. Nếu vết mẩn đỏ sưng cứng thì có thể trước đó người bệnh đã từng tiếp xúc với vi khuẩn lao hoặc đã được tiêm phòng lao trước đó. Kết quả kiểm tra thu được sẽ tùy thuộc vào nguy cơ mắc bệnh lao của từng người. Cụ thể, nếu thuộc nhóm của nguy cơ cao, một vết sưng nhỏ trên da cũng là dấu hiệu của nhiễm lao. Còn nếu thuộc nhóm có nguy cơ thấp thì một vết sưng lớn mới được chẩn đoán là mắc bệnh lao.

Các nhóm đối tượng nguy cơ gồm:

  • Nhóm nguy cơ cao: Người bị HIV, người đã tiếp xúc với người bị lao hoạt động gần đây, người có triệu chứng bệnh lao, đã chụp X-quang phát hiện lao, suy thận giai đoạn cuối, từng cấy ghép gan, sử dụng thuốc có chứa corticosteroid trong thời gian dài,...
  • Nhóm nguy cơ trung bình: Người gần đây mới đi đến một đất nước có tỷ lệ người mắc bệnh lao cao, sử dụng ma túy bằng cách tiêm chích, sống trong nhà dưỡng lão, nhân viên y tế, trẻ em, người vô gia cư, người tiếp xúc với đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh lao, người quá gầy yếu, bị suy thận, tiểu đường, ung thư, đã phẫu thuật cắt bỏ một phần dạ dày, mắc bệnh bạch cầu leukemia,...;
  • Nhóm nguy cơ thấp: Là những người không có bất kỳ tiếp xúc nào với vi khuẩn lao được liệt kê trong 2 nhóm trên.
Tiêm trích ma túy
Người sử dụng ma túy bằng cách tiêm chích thuộc nhóm nguy cơ trung bình

Kết quả bình thường (âm tính): không phát hiện các vết sưng cứng tại vùng da thực hiện xét nghiệm hoặc có vết sưng kích thước dưới 5mm.

Kết quả bất thường (dương tính):

  • Vết sưng cứng 5mm: Nhiễm khuẩn lao ở người trong nhóm có nguy cơ cao;
  • Vết sưng cứng 10mm: Nhiễm khuẩn lao ở nhóm có nguy cơ trung bình;
  • Vết sưng cứng 15mm: Nhiễm khuẩn lao ở nhóm có nguy cơ thấp.

Những người sau xét nghiệm có phản ứng dương tính vẫn được theo dõi sau đó trong khoảng 1 tuần.

*Lưu ý:

  • Kết quả thử nghiệm Mantoux không thể kết luận tình trạng nhiễm trùng lao là đang hoạt động hay không hoạt động;
  • Khi xét nghiệm tiêm dưới da xác định bệnh lao là dương tính, cần thực hiện các phương pháp chẩn đoán khác như chụp X-quang, xét nghiệm soi đờm và cấy đờm để xác nhận xem thể lao là không hoạt động hay đang hoạt động. Một người có kết quả xét nghiệm dương tính nhưng không có triệu chứng bệnh được coi là nhiễm lao nhưng không truyền cho người khác (thể lao tiềm ẩn);
  • Đối với nhân viên bệnh viện hoặc người xét nghiệm tiêm dưới da định kỳ, xét nghiệm lần 2 được thực hiện trong vòng một vài tuần sau xét nghiệm âm tính lần đầu có thể sẽ cho kết quả dương tính dù người đó không hề bị lây nhiễm bệnh ở giai đoạn giữa 2 lần xét nghiệm. Kết quả này có thể chỉ ra rằng người đó đã từng bị nhiễm trùng lao một thời gian dài trước đó hoặc có tiêm chủng vắc-xin lao BCG trước đó;
  • Một số người không phản ứng với xét nghiệm tiêm dưới da xác định bệnh lao cả khi họ bị nhiễm lao.
Bệnh lao xét nghiệm
Cách kiểm tra kết quả xét nghiệm dưới da xác định bệnh lao

Khi được chỉ định xét nghiệm tiêm dưới da xác định bệnh lao, bệnh nhân cần thực hiện theo đúng chỉ thị của bác sĩ để thu được kết quả một cách chính xác nhất và có phương hướng điều trị thích hợp, hiệu quả.

Phương pháp này hiện nay ít được sử dụng để xác định bệnh lao tại các bệnh viện do kỹ thuật làm khá phức tạp, mất thời gian theo dõi của bệnh nhân (2-3 ngày sau phải quay lại), và đặc biệt giá trị lao chẩn đoán không cao. Hơn nữa, hiện nay có các kỹ thuật khác (Quantiferon) thay thế, giúp bệnh nhân tiện lợi hơn, giá trị chẩn đoán cao hơn kỹ thuật tiêm dưới da Mantoux.

Video đề xuất:

Khám sức khỏe định kỳ tại Vinmec: Bảo vệ bạn trước khi quá muộn!

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

75.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: