Vitamin K1 và vitamin K2 khác nhau thế nào?

Vitamin K được biết đến với vai trò chính trong quá trình đông máu. Mặc dù có nhiều loại vitamin K khác nhau, hai loại được tìm thấy phổ biến nhất trong chế độ ăn của con người là vitamin K1 và vitamin K2

1. Vitamin K là gì?

Vitamin K là một loại vitamin tan trong mỡ, bao gồm nhiều loại vitamin khác có cấu trúc hóa học tương tự. Vitamin K được phát hiện một cách tình cờ vào những năm 1920 và 1930 sau khi những chế độ ăn giới hạn nguồn thực phẩm có nguồn gốc động vật gây ra tình trạng xuất huyết quá mức.

Mặc dù có nhiều loại vitamin K khác nhau, hai loại được tìm thấy phổ biến nhất trong chế độ ăn của con người là vitamin K1 và vitamin K2. Vitamin K1, còn được gọi là phylloquinone, được tìm thấy chủ yếu trong các loại thức ăn có nguồn gốc từ thực vật như rau lá xanh. Vitamin K1 chiếm khoảng từ 75% đến 90% tổng lượng vitamin K của cơ thể người. Vitamin K2 được tìm thấy trong những loại thức ăn lên men và thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, ngoài ra chúng còn được sản xuất bởi hệ vi khuẩn đường ruột. Vitamin K2 còn bao gồm nhiều dưới nhóm khác gọi là menaquinones (MKs) và được gọi tên dựa trên chiều dài của chuỗi, kéo dài từ MK-4 đến MK-13.

Vitamin K
Mặc dù có nhiều loại vitamin K khác nhau, hai loại được tìm thấy phổ biến nhất trong chế độ ăn của con người là vitamin K1 và vitamin K2

2. Nguồn thực phẩm chứa nhiều vitamin K1

Vitamin K1 được sản xuất bởi thực vật, đặc biệt là các loại rau lá xanh. Chúng là dạng chính của vitamin K được tìm thấy trong chế độ ăn của loài người. Danh sách dưới đây liệt kê các loại thức ăn giàu vitamin K1 với mỗi giá trị tượng trưng cho hàm lượng vitamin K1 ở trong mỗi chén rau đã được chế biến, bao gồm:

  • Cải xoăn: 1062 mcg
  • Cải búp: 1059 mcg
  • Rau bina: 889 mcg
  • Lá củ cải: 529 mcg
  • Bông cải xanh: 220 mcg
  • Cải Brussels: 218 mcg

3. Nguồn thực phẩm chứa nhiều vitamin K2

Thức ăn chứa nhiều vitamin K2 khá đa dạng, thay đổi phụ thuộc vào từng dưới nhóm của vitamin K2.

Vitamin K2 MK-4 được tìm thấy trong thức ăn có nguồn gốc từ động vật và là dạng duy nhất không do vi khuẩn đường ruột sản xuất. Thịt gà, lòng đỏ trứng gà và bơ là nguồn thực phẩm giàu MK-4.

Dưới nhóm của vitamin K2 từ MK-5 đến MK-15 là các dạng với chuỗi protein dài hơn. Khác với MK-4, chúng được sản xuất chủ yếu bởi vi khuẩn và được tìm thấy trong các loại thức ăn lên men. Natto là tên gọi của một món ăn phổ biến ở Nhật Bản được làm từ đậu nành lên men rất giàu MK-7. Các loại phô mai mềm và cứng cũng chứa nhiều vitamin K2 dưới dạng phân nhóm MK-8 và MK-9. Bên cạnh đó, một nghiên cứu gần đây đã khám phá ra rằng nhiều sản phẩm từ thịt lợn chứa nhiều vitamin K2 từ MK-10 đến MK-11.

Hàm lượng vitamin K2 có trong 100 gram một số loại thức ăn được liệt kê như bên dưới:

  • Natto: 1062 mcg
  • Xúc Xích heo: 383 mcg
  • Phô mai cứng: 76 mcg
  • Thịt heo băm: 75 mcg
  • Thịt gà: 60 mcg
  • Phô mai mềm: 57 mcg
  • Lòng đỏ trứng: 32 mcg
Thịt gà
Thịt gà là nguồn thực phẩm giàu vitamin K2

4. Sự khác biệt giữa vitamin K1 và vitamin K2 bên trong cơ thể người

Chức năng chính của tất cả các loại vitamin K là hoạt hóa protein hoạt động trong chuỗi đông máu, điều hòa sức khỏe hệ tim mạch và hệ xương răng của cơ thể người. Tuy nhiên, vì nhiều sự khác biệt trong hấp thu và vận chuyển đến các mô trong cơ thể, vitamin K1 và vitamin K2 có thể có những khác biệt lớn lên sức khỏe của con người.

Một cách tổng quát, vitamin K1 được tìm thấy trong thực vật và kém hấp thu vào bên trong cơ thể người. Một nghiên cứu ước lượng rằng ít hơn 10% hàm lượng vitamin K1 có trong rau xanh thực sự được hấp thu. Mặt khác, sự hấp thu của vitamin K2 chưa được hiểu rõ. Các chuyên gia cho rằng vitamin K2 thường được tìm thấy trong các loại thức ăn chứa mỡ nên chúng được hấp thu tốt hơn so với vitamin K1. Quan điểm này xuất phát từ sự thật rằng vitamin K là nhóm các chất tan được trong mỡ nên chúng sẽ được hấp thu tốt hơn khi ăn cùng chế độ ăn giàu chất béo.

Ngoài ra, các dưới nhóm vitamin K2 có chuỗi bên dài lưu hành trong máu dài hơn vitamin K1. Vitamin K1 có thể tồn tại trong máu suốt nhiều giờ trong khi vitamin K2 có thể được tìm thấy trong vòng nhiều ngày. Một vài nhà nghiên cứu tin rằng, thời gian tuần hoàn của vitamin K2 dài hơn cho phép nó được sử dụng và chuyển hóa tốt hơn ở các mô khác nhau trong cơ thể. Vitamin K1 được vận chuyển và sử dụng chủ yếu ở mô gan.

Những điểm khác biệt này là rất quan trọng trong việc xác định sự khác biệt trong vai trò của vitamin K1 và vitamin K2 với hoạt động của cơ thể người.

5. Lợi ích của vitamin K1 và vitamin K2 đối với cơ thể người

Vitamin k
Vitamin K đóng vai trò quan trọng trong chức năng đông cầm máu, hệ xương răng và hệ tim mạch

Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để đánh giá vai trò của vitamin K và kết quả cho thấy chúng có nhiệm vụ quan trọng với chức năng đông cầm máu, hệ xương răng và hệ tim mạch.

  • Vitamin K và quá trình đông máu

Nhiều loại protein liên quan đến quá trình đông máu là các hợp chất phụ thuộc vitamin K. Quá trình đông máu thoạt nghe như một hiện tượng có hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu nó không xảy ra, cơ thể người có thể phải đối diện với hiện tượng chảy máu ồ ạt và dễ tử vong chỉ với một vết thương nhỏ do mất máu.

Một số người có những rối loạn đông máu và cần phải sử dụng thuốc chống đông để ngăn ngừa sự hình thành các cục máu đông một cách thường xuyên như warfarin. Khi sử dụng các loại thuốc này, người bệnh nên uống kèm với vitamin K một cách phù hợp vì tác dụng của nó lên sự hình thành các cục máu đông.

Trong đa số các trường hợp, vitamin K1 được chú ý nhiều hơn thông qua việc tìm kiếm và bổ sung nhiều loại thực phẩm giàu vitamin K1. Tuy nhiên, kiểm soát việc bổ sung vitamin K2 cũng là một việc làm quan trọng. Một nghiên cứu cho thấy rằng một phần món natto giàu vitamin K2, món ăn được làm từ đậu nành lên men, đã làm thay đổi hàm lượng các cục máu đông trong vòng tối đa 4 ngày. Hiệu quả này lớn hơn khi đem so sánh với các loại thức ăn giàu vitamin K1. Vì thế, khi sử dụng các loại thuốc chống đông phụ thuộc vitamin K, người bệnh nên theo dõi và kiểm soát các loại thực phẩm giàu vitamin K1 và cả vitamin K2 để đảm bảo sự an toàn trong suốt quá trình điều trị bệnh.

  • Vitamin K và hệ xương răng

Nhiều chuyên gia tin rằng, vitamin K hoạt hóa các loại protein cần có cho sự phát triển của xương. Các nghiên cứu quan sát cho thấy được sự liên quan giữa nồng độ thấp vitamin K1 và vitamin K2 với nguy cơ cao của tình trạng gãy xương mặc dù các nghiên cứu này không chứng minh được mối quan hệ nhân quả như các nghiên cứu có đối chứng. Các nghiên cứu đối chứng thực hiện kiểm tra hiệu quả của viên uống bổ sung vitamin K1 lên quá trình mất xương thường không đi đến được kết luận. Tuy nhiên, thống kê nhiều nghiên cứu bệnh chứng đã cho ra kết luận rằng việc cung cấp vitamin K2 đã làm giảm đáng kể nguy cơ gãy xương.

Tóm lại, những dữ liệu khoa học hiện tại còn nhiều điều chưa thống nhất thực sự nhưng những bằng chứng gần đây đã thuyết phục được cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu (European Food Safety Authority) rằng vitamin K có mối liên quan trực tiếp đến hệ xương của cơ thể người.

  • Vitamin K và hệ tim mạch

Bên cạnh quá trình đông cầm máu và hệ xương, vitamin K còn đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa các bệnh lý tim mạch.

Vitamin K hoạt hóa một loại protein giúp ngăn ngừa sự lắng đọng canxi trong lòng động mạch. Sự lắng đọng các mảng canxi này đóng góp vào việc hình thành các mảng xơ vữa, là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh lý tim mạch khác nhau.

Nhiều nghiên cứu quan sát cho rằng vitamin K2 có khả năng làm giảm sự xuất hiện của các mảng vôi hóa tốt hơn so với vitamin K1, từ đó làm giảm nguy cơ xuất hiện các bệnh lý tim mạch. Tuy nhiên, những nghiên cứu bệnh chứng với chất lượng cao hơn cho rằng cả vitamin K1 và vitamin K2 (đặc biệt là dưới nhóm MK-7) giúp cải thiện sức khỏe hệ tim mạch đáng kể. Tuy nhiên, hiện nay vẫn cần nhiều nghiên cứu khác để chức minh sự bổ sung vitamin K có thực sự giúp cải thiện sức khỏe hệ tim mạch ở cơ thể người hay không và vai trò của vitamin K2 có quan trọng hơn vitamin K1 trong việc phòng ngừa nhiều bệnh lý tim mạch khác nhau.

6. Sự thiếu hụt vitamin K

Chảy máu cam
Biểu hiện nổi bật của tình trạng thiếu hụt vitamin K là chảy máu khó cầm

Thực tế sự thiếu hụt vitamin K hiếm khi xảy ra ở những người lớn khỏe mạnh. Vitamin K chỉ thiếu ở những người mắc các chứng rối loạn dinh dưỡng hoặc rối loạn hấp thu các chất nặng, vào đôi khi ở những người sử dụng các thuốc chống đông họ warfarin.

Biểu hiện nổi bật của tình trạng thiếu hụt vitamin K là chảy máu khó cầm, thường được đánh giá bởi bác sĩ. Trong trường hợp cơ thể không thiếu hụt vitamin K, hàm lượng vitamin K vẫn có thể ở mức thấp không đủ ngăn ngừa các bệnh lý tim mạch hay rối loạn hệ xương khớp như loãng xương. Vì thế, cơ thể người cần được bổ sung đủ vitamin K để đáp ứng được nhu cầu cơ bản.

Nguồn tham khảo: healthline.com

XEM THÊM

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

19.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan