Viêm giáp Hashimoto

Bài viết được viết bởi BS Chuyên khoa II Nguyễn Xuân Thắng - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Viêm tuyến giáp Hashimoto là tình trạng thâm nhiễm rất nhiều tế bào lympho, tuyến giáp bị xơ hóa, teo tế bào tuyến giáp, đồng thời xuất hiện nhiều tế bào ái toan mạnh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm tuyến giáp.

Tuy nhiên nguyên nhân thường gặp nhất là do hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công gây viêm mạn tính tế bào tuyến giáp. Kết quả có thể dẫn đến lượng nội tiết tố tuyến giáp tăng cao (giai đoạn cường giáp), một khoảng thời gian lượng nội tiết tố tuyến giáp trong giới hạn bình thường (giai đoạn bình giáp) và sau đó là giai đoạn giảm lượng nội tiết tố tuyến giáp (giai đoạn suy giáp).

1. Dịch tễ

Hiệp hội các nhà nội tiết lâm sàng Hoa Kỳ ước tính rằng viêm tuyến giáp Hashimoto ảnh hưởng đến khoảng 14 triệu người Mỹ. Viêm tuyến giáp Hashimoto được xem là nguyên nhân thường gặp nhất gây suy giáp. Tỷ lệ bệnh nhân suy giáp do viêm tuyến giáp Hashimoto diễn tiến khoảng 5 % mỗi năm.

Bệnh xảy ra ở nữ nhiều hơn (90%), thường gấp 7-8 lần so với nam. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp từ 30-60 tuổi, có thể có yếu tố gia đình, và có thể có một số bệnh tự miễn khác như: thiếu máu ác tính, đái tháo đường type 1, teo tuyến thượng thận vô căn, suy cận giáp vô căn, nhược cơ, viêm khớp dạng thấp, viêm gan mạn tấn công, bạch biến, bạc tóc sớm, xơ gan do mật, hội chứng Sjogren.

2. Vai trò của nội tiết tố tuyến giáp

Ảnh hưởng đến sự phát triển cơ thể: Ở những trẻ bị suy giáp mức phát triển sẽ chậm lại, nếu không được phát hiện và điều trị sớm trẻ sẽ bị lùn.

Thúc đẩy sự trưởng thành và phát triển não trong thời kỳ bào thai và trong vài năm đầu sau khi sinh. Nếu lượng nội tiết tố tuyến giáp không được bài tiết đầy đủ trong thời kỳ bào thai thì sự phát triển và trưởng thành của não sẽ bị chậm lại, não của trẻ sẽ nhỏ hơn bình thường. Nếu không được điều trị bằng nội tiết tố tuyến giáp ngay vài ngày đến vài tuần sau khi sinh thì trí tuệ của trẻ sẽ không phát triển.

Tác dụng lên chuyển hóa tế bào: làm tăng chuyển hóa hầu hết các mô trong cơ thể.

Tác dụng lên hệ thống thần kinh cơ: thúc đẩy sự phát triển về kích thước và chức năng não. Nếu suy giáp xảy ra lúc mới sinh hoặc vài năm đầu sau khi sinh mà không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến kém phát triển về trí tuệ, đần độn.

Tác dụng lên các quá trình chuyển hoá glucid, lipid, protid trong cơ thể.

Tác dụng lên hệ thống tim mạch, lên da, lên cơ xương.

Ung thư tuyến giáp đã phẫu thuật và phải uống phóng xạ có thể uống được sữa Alpha Lipid không?
Nội tiết tố tuyến giáp có vai trò quan trọng với cơ thể con người

3. Cơ chế bệnh sinh

Viêm tuyến giáp Hashimoto là một bệnh miễn dịch, có sự phối hợp giữa miễn dịch tế bào và miễn dịch thể dịch gây tổn thương tế bào tuyến giáp.

  • Miễn dịch tế bào

+ Tế bào tuyến giáp trở thành các tự kháng nguyên, biểu hiện trên bề mặt của tế bào. Kháng nguyên phản ứng với các kháng thể đặc hiệu, với các tế bào có khả năng miễn dịch và bổ thể gây huỷ hoại tế bào tuyến giáp. Các kháng thể trong bệnh viêm giáp Hashimoto gồm: kháng thể kháng Thyroglobulin (Tg Ab), kháng thể kháng Thyroid peroxidase (TPO Ab - còn được gọi là kháng thể kháng microsom) và kháng thể kháng thụ thể TSH (TSH-R Ab).

+ Các tế bào có khả năng miễn dịch làm tăng sinh một cách bất thường một dòng lympho T phụ. Có hai nguyên nhân góp phần trong sự tăng sinh này: các yếu tố di truyền và yếu tố môi trường (virus, chuyển hoá...). Tế bào lympho T phụ tăng sinh sẽ tác động lên lympho B sản xuất tự kháng thể (do sự kết hợp) và những lympho T tiêu huỷ (Lymphocytes T tueur) trực tiếp tấn công và tiêu huỷ tế bào tuyến giáp.

  • Miễn dịch thể dịch:

Sự hoạt hoá các lympho B bởi các lympho T phụ dẫn đến sự tăng sinh và biệt hoá lympho B thành tương bào. Các tương bào này có khả năng sản xuất kháng thể chống lại các thành phần của tuyến giáp.

4. Chẩn đoán

4.1. Lâm sàng

Tùy vào giai đoạn mà có thể có triệu chứng của cường giáp, bình giáp hay suy giáp. Trên lâm sàng thường gặp khoảng 20% trường hợp bệnh nhân ở giai đoạn suy giáp, chỉ dưới 5% trường hợp ở giai đoạn cường giáp.

Có 2 nhóm triệu chứng:

+ Triệu chứng của bướu giáp: đa số có bướu giáp to, chắc, đối xứng và thường không đau. Khoảng 10% trường hợp tuyến giáp bị teo. Tuyến giáp to nhiều có thể chèn ép gây cảm giác nghẹn ở cổ, khó nuốt, nói khàn.... Viêm tuyến giáp lâu không được điều trị có thể khám thấy tuyến giáp to, rắn chắc, có khi cứng, bề mặt gồ ghề, có nhiều thuỳ. Tuyến giáp sờ không đau và không có hạch to vùng cổ.

+ Triệu chứng của suy chức năng tuyến giáp: Viêm tuyến giáp Hashimoto tiến triển dần dần trong vài năm và gây tổn thương tuyến giáp làm cho nồng độ nội tiết tố tuyến giáp giảm dần dẫn đến suy tuyến giáp. Đây là hội chứng được đặc trưng bởi tình trạng tuyến giáp sản xuất nội tiết tố tuyến giáp không đầy đủ so với nhu cầu của cơ thể gây nên tổn thương ở các mô, cơ quan, các rối loạn chuyển hoá. Bệnh nhân có các dấu hiệu và triệu chứng của suy giáp bao gồm:

  • Nhạy cảm với nhiệt độ lạnh;
  • Tăng mức cholesterol trong máu;
  • Táo bón;
  • Khó tập trung;
  • Phiền muộn;
  • Da khô;
  • Hình thành bướu cổ;
  • Phù ở mặt;
  • Mệt mỏi;
  • Kinh nguyệt kéo dài ở nữ giới;
  • Đau cơ;
  • Da nhợt nhạt;
  • Cứng khớp, đặc biệt là tay và chân;
  • Giọng nói trở nên khàn đặc;
  • Tăng cân không kiểm soát.
Điều trị tăng cholesterol máu ở người cao tuổi
Suy chức năng tuyến giáp gây tăng mức cholesterol trong máu

4.2. Cận lâm sàng

  • Xét nghiệm chức năng tuyến giáp: tuỳ theo mức độ tiến triển của viêm tuyến giáp, bệnh nhân có thể trong tình trạng cường giáp nhẹ, bình giáp nhưng thường là suy giáp rõ ràng: FT3, FT4 giảm, TSH tăng cao hoặc suy giáp cận lâm sàng với FT3, FT4 trong giới hạn bình thường, TSH tăng.

Xét nghiệm chức năng tuyến giáp cho biết cụ thể một số chỉ số quan trọng của tuyến giáp như TSH, T4 toàn phần, FT3, TSI. Các chỉ số này giúp bác sĩ chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị bệnh lý tuyến giáp phù hợp.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại. Bệnh viện cung cấp dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp, không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa. Khách hàng khi chọn thực hiện các xét nghiệm tại đây có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác của kết quả xét nghiệm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

  • Kháng thể kháng tuyến giáp: tăng hiệu giá kháng thể kháng tuyến giáp Anti thyroid peroxidase (Anti-TPO) dương tính trong 90% các trường hợp, kháng thể kháng thyroglobulin tăng trong 20-50% các trường hợp viêm tuyến giáp Hashimoto.
  • Siêu âm: tuyến giáp giảm âm, có thể có hình ảnh tăng tuần hoàn, hình ảnh thay đổi tuỳ theo giai đoạn của bệnh. Kích thước tuyến giáp có thể to.
  • Đo độ tập trung I131: độ tập trung không đồng đều, không có ý nghĩa trong chẩn đoán.
  • Tế bào học tuyến giáp: cần thực hiện trong trường hợp viêm tuyến giáp Hashimoto có nhân trong tuyến để loại trừ lymphoma hoặc ung thư tuyến giáp.

5. Điều trị

Bệnh nhân có tuyến giáp to hoặc suy giáp sẽ cần được bù nội tiết tố tuyến giáp. Thuốc LT4 được sử dụng mỗi ngày và được điều chỉnh liều theo tuổi, cân nặng, mức độ nghiêm trọng của tình trạng và các vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là trong thai kỳ, cũng như việc sử dụng các loại thuốc khác.

Bệnh nhân có bệnh tim mạch hoặc suy giáp nặng sẽ cần bắt đầu sử dụng LT4 với liều thấp và tăng dần.

+ Suy giáp rõ: điều trị thay thế bằng LT4 liều từ 50 -100 μg/ngày, điều chỉnh liều phù hợp từng bệnh nhân.

+ Suy giáp dưới lâm sàng: Tùy tình trạng bệnh nhân, triệu chứng lâm sàng. Thường bắt đầu điều trị LT4 khi TSH > 10 μu/ml. Khi TSH dưới 10 μu/ml, kháng thể kháng TPO cao thì 80% trường hợp bệnh nhân sẽ có suy giáp.

Kê đơn, bác sĩ chỉ định uống thuốc
Sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp

Khi kích thước tuyến giáp to và chức năng tuyến giáp cũng còn trong giới hạn bình thường cũng được chỉ định LT4 nhằm làm giảm kích thước tuyến giáp (vì LT4 có thể làm cho kích thước tuyến giáp nhỏ lại) và ngăn ngừa diễn tiến đến suy giáp.

TSH tăng ở phụ nữ có thai hoặc dự định có thai cũng phải được điều trị với LT4.

Không chỉ định điều trị corticoid vì không có tác dụng lên tiến triển của bệnh.

6. Theo dõi bệnh

Viêm giáp Hashimoto có thể cùng tồn tại với Basedow hay kết hợp các bệnh tự miễn khác nên cần tầm soát những bệnh đi kèm

Bệnh nhân viêm giáp Hashimoto cần được kiểm tra chức năng tuyến giáp hàng năm. Cần được đặc biệt chú ý trong giai đoạn có thai, con bú.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan