Vì sao khi khám sức khỏe cần khai thác tiền sử bệnh?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hồng Phúc - Bác sĩ Hồi Sức cấp cứu, Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Theo luật khám chữa bệnh, việc khai thác tiền sử bệnh là một phần giúp chẩn đoán và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Khi bác sĩ kê đơn thuốc cũng phải dựa trên kết quả khám lâm sàng và cận lâm sàng, cùng với yếu tố tiền sử bệnh, gia đình, nghề nghiệp và dịch tễ.

1. Khai thác tiền sử bệnh cá nhân

Khai thác tiền sử bệnh nhằm thiết lập hồ sơ thông tin về sức khỏe của người đến khám. Lịch sử y tế cá nhân có thể bao gồm:

  • Tình trạng dị ứng;
  • Tiền sử bệnh tật;
  • Các phẫu thuật đã thực hiện;
  • Sổ tiêm chủng;
  • Kết quả xét nghiệm;
  • Thăm khám lâm sàng, thể chất.

Ngoài ra, tiền sử bệnh cũng cần có các thông tin về những loại thuốc người khám đang dùng và thói quen sức khỏe của họ, chẳng hạn như chế độ ăn uống và tập luyện thể dục. Khai thác tiền sử bệnh giúp xác định các yếu tố rủi ro có nhiều khả năng liên quan đến sức khỏe của chính bạn.

2. Khai thác tiền sử bệnh gia đình

Ung thư có yếu tố di truyền
Các gen di truyền có thể làm tăng hoặc giảm nguy cơ mắc một số bệnh nhất định

Mỗi người thừa hưởng một nửa gen di truyền từ cha và mẹ. Các gen di truyền không chỉ quyết định ngoại hình, mà còn có thể làm tăng hoặc giảm nguy cơ mắc một số bệnh nhất định.

Lịch sử y tế của gia đình là hồ sơ ghi chép những loại bệnh tật và điều kiện y tế (hiện tại và quá khứ) ảnh hưởng đến các thành viên thân thiết trong nhà. Nếu có thể, tiền sử sức khỏe gia đình nên bao gồm ít nhất 3 thế hệ, như cha mẹ, ông bà, cô chú, con cháu và anh chị em. Đối với mỗi người, hãy cố gắng thu thập đầy đủ các thông tin sau:

Đặc biệt chú ý đến các tình trạng phát triển sớm hơn bình thường, chẳng hạn như huyết áp cao ở người trẻ, hoặc các vấn đề ảnh hưởng đến nhiều người trong gia đình.

Các thông tin về quê hương, chủng tộc của các thành viên gia đình - ví dụ, Đức, Châu Phi, Trung Quốc, v.v. cũng sẽ hữu ích vì một số vấn đề sức khỏe sẽ thường gặp hơn ở các nhóm dân tộc cụ thể.

3. Vai trò của khai thác tiền sử bệnh

Lịch sử sức khỏe gia đình cung cấp cái nhìn chi tiết về các tình trạng y tế phổ biến của các thành viên trong nhà. Thông tin này được sử dụng để hiểu thêm về nguy cơ mắc vài bệnh có tính di truyền ở một người.

Tuy nhiên, việc khai thác tiền sử bệnh cá nhân và gia đình chỉ cung cấp thông tin về rủi ro, chứ không thể dự đoán được sức khỏe trong tương lai. Các yếu tố khác - như chế độ ăn uống, cân nặng, thói quen tập thể dục và nguy cơ tiếp xúc với các yếu tố môi trường - cũng ảnh hưởng đến rủi ro mắc một số bệnh.

Sau khi tổng hợp thông tin, bạn có thể đưa cho bác sĩ một bản sao lịch sử y tế của cá nhân và gia đình. Bác sĩ sẽ đặt ra một số câu hỏi để làm rõ nội dung, đồng thời giải thích cho bạn sự liên quan của các tình trạng y tế nhất định. Song song đó, bạn hoặc những thành viên khác trong nhà cũng sẽ được hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng ngừa hoặc chỉ định xét nghiệm sàng lọc.

Khi có thêm trẻ em được sinh ra, hoăc có người trong gia đình bắt đầu mắc một bệnh nào đó, hãy cập nhật lịch sử y tế gia đình và chia sẻ thông tin này với bác sĩ. Việc khai thác tiền sử bệnh có thể mất nhiều thời gian và công sức, nhưng có tác dụng cải thiện sức khỏe cho cả gia đình bạn cũng như các thế hệ mai sau.

4. Đánh giá nguy cơ từ tiền sử bệnh

khám sức khỏe tổng quát quan trọng như thế nào
Khám sức khỏe tổng quát định kỳ là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe bản thân

Hiện nay, hầu hết các bệnh viện trên thế giới đều có dịch vụ khám sức khỏe tổng quát định kỳ cho mọi lứa tuổi. Người đến khám sẽ được đánh giá nguy cơ từ tiền sử bệnh tật và theo dõi tình trạng sức khỏe. Đây là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe, cũng như khuynh hướng phòng bệnh mới được các chuyên gia y tế đánh giá cao.

Bằng cách hỏi tiền sử bệnh, bác sĩ có thể sử dụng những thông tin này để:

  • Đánh giá bạn hoặc các thành viên khác trong gia đình nguy cơ mắc/ không mắc một số bệnh có tính di truyền;
  • Đề nghị thay đổi chế độ ăn uống hoặc thói quen sinh hoạt để giảm nguy cơ mắc bệnh;
  • Chỉ định thuốc hoặc phương pháp điều trị để giảm nguy cơ mắc bệnh;
  • Xác định các xét nghiệm chẩn đoán mà bạn hoặc thành viên trong gia đình cần làm, trong đó bao gồm xét nghiệm di truyền;
  • Đề nghị loại và tần suất kiểm tra sàng lọc định kỳ;
  • Cho biết về nguy cơ di truyền cho con cái ở người có kế hoạch sinh con.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: mayoclinic.org, cancer.gov, kcb.vn

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan