Vai trò của X quang ngực trong chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Trịnh Văn Đông - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Mặc dù chụp X quang không phải tiêu chuẩn giúp chẩn đoán xác định bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), nhưng đây là phương pháp đơn giản, không xâm lấn giúp định hướng chẩn đoán bệnh, chẩn đoán giai đoạn và đặc biệt giúp phân biệt các dấu hiệu bệnh với các bệnh lý khác.

1.Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là gì?

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh có thể phòng ngừa và điều trị được nếu được phát hiện sớm. Bệnh đặc trưng bởi sự giới hạn lưu lượng khí kéo dài và thường tiến triển. Kết hợp với đáp ứng viêm mạn tính ở các đường dẫn khí và phổi đối với các chất khí hay phần tử độc hại.

COPD là một tình trạng chức năng hô hấp suy giảm nghiêm trọng và là nguyên nhân thứ 3 gây tử vong và thương tật trên toàn cầu, COPD có xu hướng tăng lên do liên quan đến tình trạng hút thuốc lá nhiều và tuổi thọ tăng cao. Đây là một tình trạng không thể hồi phục nên việc chẩn đoán chính xác và kịp thời là rất quan trọng để điều trị COPD sớm.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây bệnh:

  • Yếu tố cơ địa: Do di truyền, tăng phản ứng đường thở với các tác nhân, bất thường trong trưởng thành phổi.
  • Hút thuốc lá.
  • Ô nhiễm không khí trong nhà và không khí ngoài trời.
  • Tiếp xúc với bụi nghề nghiệp và hóa chất (gồm hơi, chất kích thích, và khói).
  • Nhiễm trùng hô hấp.

Các dấu hiệu lâm sàng của bệnh:

  • Ho kéo dài, tăng dần theo thời gian.
  • Khạc đờm mạn tính, mức độ đờm tăng dần theo thời gian.
  • Tức ngực, khó thở khi gắng sức.

Có thể xuất hiện các đợt cấp với tính chất tăng nặng, thường nặng hơn theo thời gian.

2. Vai trò của xquang ngực trong chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Xquang ngực
X quang ngực

Để chẩn đoán xác định bệnh COPD ngoài dựa vào các dấu hiệu lâm sàng của bệnh, thì việc thực hiện các thăm dò cận lâm sàng là rất cần thiết. Để chẩn đoán xác định bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thì phương pháp hô hấp ký là tiêu chuẩn vàng. Tuy nhiên ngoài ra cần thực hiện các phương pháp khác giúp chẩn đoán phân biệt hay biến chứng cũng rất cần thiết.

Trong đó chụp x-quang đối với những bệnh nhân này tuy không giúp chẩn đoán xác định nhưng giúp đánh giá tình hình tiến triển của bệnh và chẩn đoán phân biệt với các bệnh khác.

Những vai trò của x quang trong chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính:

  • Khi bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu như: Ho mạn tính, khó thở, tức ngực, khạc đờm thường xuyên thì việc đầu tiên bệnh nhân sẽ được chụp phim x quang có thể giúp định hướng chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính do thấy được hình ảnh ứ khí, thay đổi cấu trúc trong phổi, tình trạng khí phế thũng...
  • Giúp chẩn đoán loại trừ một số bệnh lý có các dấu hiệu lâm sàng tương tự như: Suy tim trái, ung thư phổi, lao phổi...
  • Theo dõi sự tiến triển của bệnh trong quá trình điều trị bệnh mà không cần các thủ thuật xâm lấn.

Tuy nhiên để ứng dụng được tối ưu những lợi ích khi chụp x quang cho những bệnh nhân nghi ngờ hoặc mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tình thì cũng có hình ảnh phim chụp đúng chuẩn và bác sĩ nhiều kinh nghiệm để tránh nhầm lẫn do hình ảnh hay cấu trúc trên phim có những hình ảnh tương tự như một số bệnh lý về phổi khác.

3. Quy trình chụp x-quang trong chẩn đoán bệnh COPD

Căng giãn phổi quá mức
Căng giãn phổi quá mức

Chụp x-quang khá đơn giản bệnh nhân không cần chuẩn bị gì nhiều, trước khi chụp bệnh nhân cần thay quần áo theo yêu cầu của nhân viên y tế và loại bỏ các vật cản quang ra khỏi vùng khảo sát để tránh hiện tượng gây hình ảnh giả. Chú ý những trường hợp mang thai cần thông báo với bác sĩ để có những biện pháp phòng ngừa nguy cơ ảnh hưởng tới thai nhi.

Tư thế chụp: Người bệnh chụp ở tư thế đứng, có thể thêm tư thế nằm nghiêng nếu nghi ngờ có dịch.

Những bất thường cấu trúc trên phim x-quang của những bệnh nhân COPD bao gồm:

  • Căng giãn phổi quá mức: Trên những người mắc bệnh COPD có hiện tượng ứ khí tại phổi, dẫn đến căng giãn phổi quá mức. Tình trạng này gây tổn thương phổi, mất chức năng thải khí làm bệnh nhân bị khó thở.
  • Cơ hoành bẹt: Là kết quả của căng phồng phổi quá mức khiến cơ hoành dẹt xuống.
  • Hình ảnh bóng khí: Bóng khí trên phim X-quang là những túi không khí có thể hình thành làm tổn thương mô phổi. Những bóng khí này phát triển và chiếm không gian trong phổi mà không có chức năng gì nên làm giảm chức năng phổi. Trường hợp có bóng khí thường có chỉ định phẫu thuật để loại bỏ những bóng khí này, vì gây ra nguy hiểm cho người bệnh.
  • Bóng tim hình giọt nước: Bóng tim có thể thay đổi hình dạng khi bệnh tiến triển do bị ép bởi phần phổi căng giãn. Hình ảnh bóng tim hình giọt nước(bóng tim hẹp hoặc thon dài) điển hình trong bệnh lý COPD.

Từ những hình ảnh bất thường trên phim x-quang giúp bác sĩ có định hướng chẩn đoán bệnh và chỉ định những cận lâm sàng giúp chẩn đoán xác định bệnh.

Tuy x-quang ngực chưa thể giúp chẩn đoán xác định bệnh COPD nhưng cũng là một công cụ đơn giản không xâm lấn giúp chẩn đoán phân biệt và định hướng xác định bệnh. Những bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá nhiều, trên 35 tuổi, xuất hiện các dấu hiệu ho, khạc đờm, khó thở nên tầm soát bệnh sớm.

Trường hợp bệnh nhân có nghi ngờ các triệu chứng của bệnh hay đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thì nên đến khám ngay để chẩn đoán, đánh giá tiến triển - biến chứng của bệnh và điều trị kịp thời.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

951 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan