Vai trò của định lượng creatinin trong máu

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Đỗ Thị Hoàng Hà - Bác sĩ Xét nghiệm hóa sinh - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Creatinin máu là sản phẩm dị hóa của creatin sinh ra từ quá trình creatin phosphate phản ứng với ADP tạo ra creatin và giải phóng năng lượng. Creatinin có nguồn gốc ngoại sinh là từ thức ăn và nguồn gốc nội sinh phần lớn từ gan (tổng hợp từ arginine và methionine), một lượng nhỏ được tổng hợp từ thận, tụy. Xét nghiệm định lượng creatinin trong máu sẽ giúp chúng ta biết được nhiều vấn đề về sức khỏe, trong đó chủ yếu đánh giá chức năng thận.

1. Xét nghiệm định lượng creatinin máu

Xét nghiệm định lượng creatinin máu giúp chúng ta biết được nồng độ creatinin trong máu. Creatinin được lọc qua cầu thận và được thận đào thải ra ngoài, không được các ống thận tái hấp thu. Do đó nếu thận hoạt động tốt thì creatinin sẽ được đào thải tốt và ngược lại. Do đó, xét nghiệm định lượng creatinin thường được chỉ định để đánh giá chức năng thận (thường được sử dụng cùng với hệ số thanh thải của creatinine).

Cũng giống như định lượng glucose trong máu, định lượng creatinin máu cũng thay đổi theo giờ. Sau khi ăn, nồng độ creatinin thường tăng nhẹ và tăng cao hơn nếu ăn một lượng lớn protein. Thông thường, định lượng creatinin máu cao nhất vào khoảng 7 giờ tối (trung bình cao hơn 20-40% so với buổi sáng) và thấp nhất vào khoảng 7 giờ sáng.

Các yếu tố ảnh hưởng đến định lượng creatinin máu bao gồm: khối lượng cơ thể, định lượng protein nạp vào cơ thể, tình trạng sức khỏe, một số loại thuốc... và có thể thay đổi ở mỗi người.

Nồng độ creatinin máu bình thường của nữ giới là 0.5-1.1 mg/dl hoặc 44-97 umol/l (đơn vị SI) và ở nam giới khỏe mạnh là 0.6-1.2 mg/dl hoặc 53-106 umol/l (đơn vị SI).

2. Định lượng creatinin máu cao khi nào?

Một số trường hợp khiến định lượng creatinin máu tăng như:

  • Suy thận do nguồn gốc trước thận: Ảnh hưởng của thuốc hạ huyết áp và thuốc lợi tiểu, cơ thể mất nước dẫn đến giảm khối lượng tuần hoàn, suy tim mất bù, xuất huyết, hẹp động mạch thận ..
  • Suy thận do nguồn gốc tại thận:

+ Tổn thương cầu thận: Huyết áp cao, tiểu đường, viêm cầu thận, bệnh lupus ban đỏ hệ thống, lắng đọng lgA tại cầu thận (bệnh Berger) , thoái hóa thận dạng tinh bột (bệnh nhiễm Amyloid), điều trị bằng thuốc ức chế men chuyển Angiotensin ...

+ Tổn thương ống thận: viêm thận - bể thận cấp hay mạn tính, sỏi thận, đa u tủy xương, tăng calci máu, tăng acid uric máu, do sử dụng các thuốc gây độc cho thận (rifampicin, sminoglycosid ..), nhiễm độc (chì, thủy ngân, CCl4 ..)

  • Suy thận do nguồn gốc sau thận: Sỏi thận, khối u tử cung (fibroma, ung thư biểu mô tuyến ..), xơ hóa sau phúc mạc, ung thư tiền liệt tuyến, u bàng quang ..

3. Định lượng creatinin máu thấp khi nào?

vai-tro-cua-dinh-luong-creatinin-trong-mau-body-1
Định lượng creatinin máu tăng/ giảm do nhiều yếu tố

Một số trường hợp khiến định lượng creatinin máu giảm như:

  • Yếu tố sinh lý như đối với phụ nữ có thai;
  • Người bị suy dinh dưỡng nặng;
  • Hòa loãng máu;
  • Bệnh cơ gây teo mô cơ.
  • Hội chứng tiết hormone chống bài niệu (ADH) không thích hợp

4. Khi nào cần xét nghiệm định lượng creatinin máu?

Xét nghiệm định lượng creatinin máu thường được chỉ định để chẩn đoán suy giảm chức năng thận, thường được chỉ định kèm với xét nghiệm định lượng ure máu. Tỷ lệ ure/creatinine máu bình thường nằm trong khoảng 6:1 đến 20:1.

Xét nghiệm này cần được thực hiện thường xuyên, định kỳ để nắm bắt được tình trạng cơ thể. Những người có dấu hiệu của suy giảm chức năng thận cần thực hiện ngay xét nghiệm định lượng creatinin máu. Các dấu hiệu bao gồm:

  • Người mệt mỏi, chán ăn, mất ngủ, khó tập trung;
  • Đái ra máu;
  • Nước tiểu sẫm màu giống màu cafe;
  • Giảm lượng nước tiểu;
  • Sưng hoặc phù mặt, bụng, đùi, mắt cá chân, đặc biệt là vùng xung quanh mắt;
  • Đau bên hông, dưới khung sườn;
  • Tăng huyết áp.

Lưu ý, trước khi xét nghiệm, bệnh nhân cần nhịn ăn khoảng 6 - 8 tiếng. Tốt nhất là nên xét nghiệm vào buổi sáng khi chưa ăn gì và ngừng sử dụng các loại thuốc. Nếu cần phải uống thuốc trước khi thực hiện xét nghiệm thì người bệnh nên tham vấn ý kiến của bác sĩ trước khi thực hiện xét nghiệm.

Xét nghiệm định lượng Creatinin đóng vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán, phát hiện sớm và điều trị tích cực các bệnh lý ở thận. Vì vậy, nếu có nguy cơ cao mắc bệnh thận hoặc có dấu hiệu cảnh báo suy thận, bệnh nhân nên sớm tìm đến các cơ sở y tế uy tín để thực hiện xét nghiệm nồng độ Creatinin và các phương pháp chẩn đoán khác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

107.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan