Tìm hiểu hoạt tính tế bào NK

Trong cơ thể con người có khoảng 70 ngàn tỷ tế bào. Trong số đó tế bào NK là một thành phần đóng vai trò quan trọng trong khả năng miễn dịch của cơ thể. Vậy tế bào NK là gì và hoạt tính tế bào NK như thế nào?

1.Tế bào NK là gì?

Hệ thống miễn dịch của cơ thể phụ thuộc phần lớn vào các tế bào lympho. Trong cơ thể chúng ta có 3 loại tế bào lympho là: lympho T, lympho B và tế bào NK (hay còn gọi là tế bào diệt tự nhiên).

Trong khi lympho T và B thuộc hệ miễn dịch đặc hiệu thì tế bào NK thuộc hệ miễn dịch bẩm sinh, không đặc hiệu. Vậy tế bào NK là gì?

Đúng với tên gọi của nó (tế bào diệt tự nhiên), các tế bào NK có khả năng phát hiện và tiêu diệt một cách không đặc hiệu các tác nhân như vi khuẩn, virus hoặc tế bào ngoại lai... khi chúng xâm nhập vào cơ thể. Do đó, tế bào NK là một thành phần quan trọng trong khả năng đáp ứng miễn dịch.

Bình thường, mỗi người có khoảng 2-5 tỷ tế bào NK trong cơ thể. Tỷ lệ tế bào diệt tự nhiên ở mỗi cá thể là khác nhau, có người nhiều nhưng cũng có người ít. Một số đối tượng có số lượng tế bào NK suy giảm như: người cao tuổi, người suy dinh dưỡng, mất ngủ hoặc stress kéo dài... ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm và hình thành khối u. Vậy hoạt tính tế bào NK như thế nào?

2.Hoạt tính tế bào NK

Tế bào ung thư
Tế bào NK giúp ức chế các tế bào ung thư hình thành và phát triển

Tế bào NK là các tế bào có khả năng diệt tự nhiên những vi sinh vật hoặc các mô bất thường. Do đó, hoạt tính tế bào NK giúp ích cho cơ thể ở các mặt sau:

  • Ức chế các tế bào ung thư hình thành, phát triển và di căn đến cơ quan khác;
  • Giảm khả năng tái phát ung thư sau điều trị;
  • Tiêu diệt các vi sinh vật ngoại lai như vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng, vi nấm...
  • Ngăn ngừa quá trình lão hóa.

Tế bào NK có 2 cơ chế hoạt động chính:

  • Tiết ra các cytokine, góp phần vào khả năng đáp ứng miễn dịch;
  • Tế bào NK tiết ra các chất có khả năng phá hủy trực tiếp các khối u, các tế bào nhiễm vi rút, vi khuẩn...

Trong cơ thể con người, tế bào NK xuất hiện ở nhiều cơ quan khác nhau, ứng với mỗi loại sẽ có những nhiệm vụ riêng biệt. Trong đó, tế bào NK hay gặp nhất chủ yếu ở máu ngoại vi (hay còn gọi là tế bào CD56dim và CD16+), số còn lại tồn tại ở các vị trí khác như: hạch lympho, tuyến ức, lách, gan và tử cung (uNK, CD56 Super bright, CD16-).

Đặc biệt trong lĩnh vực sản phụ khoa, hoạt tính tế bào NK ở lớp nội mạc tử cung đóng vai trò quan trọng trong khả năng duy trì và ngăn ngừa bong tróc lớp niêm mạc tử cung. Khi phôi thai đã được thụ tinh và làm tổ trong tử cung thì tỷ lệ tế bào NK tăng dần.

Ở chu kỳ không mang thai, tế bào NK trong niêm mạc tử cung tăng cao ở chu kỳ rụng trứng và đạt tỷ lệ cao nhất ở pha hoàng thể. Các tế bào này chết đi ở khoảng thời gian 2 ngày cuối cùng trước khi hành kinh.

3.Xét nghiệm tế bào NK là gì?

Xét nghiệm tế bào NK có thể thực hiện với bệnh phẩm là máu tĩnh mạch ngoại vi hoặc mẫu sinh thiết nội mạc tử cung. Tuy nhiên, hay gặp hơn cả là xét nghiệm đo hoạt tính tế bào NK trong máu ngoại vi vì mẫu sinh thiết tử cung rất khó thực hiện, không được ứng dụng rộng rãi.

Với các chức năng quan trọng nêu trên, nếu hoạt tính tế bào NK suy giảm chính là cơ hội để các vi khuẩn, virus xâm nhập, cũng như tăng khả năng hình thành các khối u.

Do đó, xét nghiệm tế bào NK đóng vai trò tương đối quan trọng, giúp bác sĩ phát hiện các bệnh nhiễm trùng hoặc gợi ý khả năng mắc ung thư của bệnh nhân. Xác định hoạt tính tế bào NK thông qua xét nghiệm có 3 mức độ khác nhau, bao gồm:

  • Hoạt tính tế bào NK ở mức rất thấp (<200 pg/ml): Cần ngay lập tức tìm nguyên nhân gây nên vấn đề này;
  • Hoạt tính tế bào NK ở mức thấp (200-500 pg/ml): Bệnh nhân nên gặp bác sĩ để được tư vấn trong quá trình sinh hoạt, có thể được cho các loại thuốc hỗ trợ khả năng miễn dịch;
  • Hoạt tính tế bào NK bình thường (>500pg/ml): Ở mức này thì các tế bào NK đủ đáp ứng yêu cầu cơ thể, bệnh nhân nên duy trì chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt điều độ.

4.Trường hợp cần xét nghiệm tế bào NK

Sảy thai
Trường hợp bệnh nhân sảy thai không rõ nguyên nhân cần thực hiện xét nghiệm tế bào NK

Các trường hợp cần xét nghiệm tế bào NK không nhiều, hay gặp nhất là ở những bệnh nhân nguy cơ cao mắc ung thư hoặc đang trong quá trình điều trị ung thư. Đây được xem là xét nghiệm hỗ trợ hiệu quả cho khả năng điều trị ung thư.

Xét nghiệm tế bào NK ở những bệnh nhân ung thư không còn xa lạ nhưng hiện nay, một chỉ định khác của xét nghiệm này là ở những phụ nữ sảy thai không rõ nguyên nhân hoặc sảy thai liên tiếp... Hoạt tính tế bào NK tăng cao có thể dẫn đến các phản ứng viêm và gây sảy thai liên tiếp, tuy nhiên hiện nay vấn đề này được giải thích rõ ràng hơn như sau:

  • Trong quá trình mang thai, nồng độ hormone Progesterone trong máu khoảng 125-200 ng/ml. Đây là chất quan trọng để duy trì thai kỳ;
  • Mặt khác, progesterone còn kích thích cơ thể sản phụ sản xuất ra một chất có tên gọi là PIBF (progesterone induced blocking factor) giúp cho phôi thai tồn tại và phát triển. Đồng thời, quá trình nay còn đáp ứng miễn dịch với tế bào lympho T hỗ trợ (Th2);
  • Do đó, nếu nồng độ progesterone đủ để sản xuất PIBF thì đồng thời tế bào Th2 cũng nhiều và mạnh hơn. Chính tế bào lympho T này sẽ ức chế hoạt động tế bào NK và từ đó hạn chế sảy thai, giúp thai phát triển bình thường.

5.Trường hợp không nên làm xét nghiệm tế bào NK

Xét nghiệm ANA trong chẩn đoán bệnh tự miễn
Nếu bạn đang điều trị bệnh tự miễn không nên làm xét nghiệm tế bào NK

Một số trường hợp không nên làm xét nghiệm tế bào NK vì có khả năng đánh giá sai ở các đối tượng như:

  • Đang điều trị các bệnh tự miễn;
  • Phụ nữ có thai kỳ bình thường;
  • Đang sử dụng các kháng sinh nhóm Macrolid (Erythromycin, Clarithromycin, Azithromycin...) hoặc các thuốc ức chế miễn dịch;
  • Các bệnh nhân mắc ung thư tủy, bạch cầu cấp dòng lympho.

Tế bào NK đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch bẩm sinh của cơ thể, có khả năng sản xuất chất gây viêm (IFN-γ) và chất gây hoại tử khối u (TNF-α), đóng vai trò lớn trong khả năng chống lại vi khuẩn và thực hiện giám sát miễn dịch các khối u. Xét nghiệm tế bào NK giúp biết được khả năng tự bảo vệ của cơ thể trước những tác nhân gây bệnh, đặc biệt là khả năng loại bỏ các tế bào ung thư.

Hiện nay, xét nghiệm đo hoạt tính tế bào NK hiện vẫn đang là một kỹ thuật xét nghiệm mới, hiện đại và không phải cơ sở y tế nào cũng có thể thực hiện phương pháp này. Vì thế, để đảm bảo tính chính xác và chắc chắn thì bạn nên đến những bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh lớn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan