Tập luyện phục hồi chức năng cho người bị rối loạn vận động

Rối loạn vận động là bệnh lý thuộc hệ thần kinh khiến các cơ trên cơ thể suy giảm hoặc mất hoàn toàn khả năng kiểm soát. Chứng bệnh này nếu không điều trị kịp thời sẽ có những ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống của người bệnh.

1. Rối loạn vận động là gì?

Rối loạn vận động là dạng vận động không chủ ý, đây là một bệnh lý thuộc hệ thần kinh. Nguyên nhân là do sự tổn thương nào của não bộ tại trung khu điều khiển vận động của cơ thể. Rối loạn vận động khiến các cơ trên cơ thể (lưỡi, môi, mặt, thân, các chi,...) suy giảm hoặc mất hoàn toàn khả năng kiểm soát, khiến người bệnh gặp khó khăn trong sinh hoạt.. Tình trạng này còn phụ thuộc vào mức độ và vị trí não bộ bị tổn thương.

Dưới đây là các rối loạn vận động thường gặp:

  • Tổn thương cắt ngang tủy: Có thể dẫn đến liệt trung ương, mất cảm giác, rối loạn cơ vòng.
  • Tổn thương nửa tủy: Bên tổn thương liệt chi thể, mất cảm giác sâu; bên đối diện sẽ mất cảm giác nông hơn.
  • Tổn thương ở bán cầu đại não; tổn thương ở cuống cầu, hành não
  • Tổn thương sừng trước tủy sống
  • Tổn thương đám rối thần kinh, tổn thương rễ dây thần kinh:
  • Tổn thương nhiều dây thần kinh hay một dây thần kinh.
Rối loạn vận động
Rối loạn vận động là dạng vận động không chủ ý, đây là một bệnh lý thuộc hệ thần kinh

2. Nguyên nhân, biểu hiện của rối loạn vận động

2.1. Nguyên nhân gây rối loạn vận động

Não có vai trò là trung tâm điều khiển hệ thần kinh trung ương để chỉ huy mọi hoạt động của con người. Nếu một vùng não bộ bị tổn thương, chức năng mà nó điều khiển sẽ bị suy giảm hoặc mất đi. Vì vậy, nguyên nhân chính gây nên rối loạn vận động là do não bộ bị tổn thương. Cụ thể:

  • Đột quỵ não: Do tắc mạch máu não hoặc vỡ mạch máu não gây thiếu oxy hoặc bị chèn ép dẫn đến hoại tử ở não bộ. Xơ vữa động mạch, đái tháo đường, cao huyết áp là những bệnh lý gây đột quỵ não.
  • Chấn thương não bộ: Chấn thương sọ não do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, va đập mạnh vùng đầu... khiến hộp sọ bị nứt vỡ, xoắn vào trục.. gây đứt các đường truyền thần kinh.
  • U não: U có thể khởi phát ở não hoặc do ung thư ở một bộ phận khác và di căn lên não gây rối loạn vận động cho người bệnh.
  • Bệnh Parkinson: Parkinson gây nên triệu chứng run tay, run chân, cử động chậm, khó giữ thăng bằng... khiến người bệnh khó khăn trong sinh hoạt.
  • Các bệnh lý não bộ khác: Viêm não, viêm màng não, thoái hóa tế bào thần kinh...
Cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua
U não có thể khởi phát ở não hoặc do ung thư ở một bộ phận khác và di căn lên não gây rối loạn vận động

2.2. Biểu hiện của rối loạn vận động

  • Run tay, chân: Biểu hiện của run tay chân sẽ từ nhẹ và ít đến mạnh và run ở nhiều bộ phận cơ thể một lúc như chân, cổ, đầu,... thậm chí run toàn thân khi bệnh trở nặng.
  • Co cứng các cơ: Cơ sẽ bị cứng kể cả khi không hoạt động.
  • Cứng khớp – biến dạng khớp: Khớp vai và cánh tay bị khép chặt vào thân, khi cử động lên phía trên đầu sẽ rất đau. Cổ chân duỗi cảm giác như đi nhón gót.
  • Yếu nửa người: Ở biểu hiện này, người bệnh có thể đi lại được nhưng rất khó khăn và mọi hoạt động của cơ thể đều sẽ gặp nhiều trở ngại.
  • Liệt nửa người: Nếu bị liệt nửa người, người bệnh gần như mất hoàn toàn khả năng vận động một bên cơ thể và cần tới sự giúp đỡ của người khác. Đôi khi kèm theo rối loạn ngôn ngữ.
  • Liệt toàn thân: Đây là trường hợp rối loạn vận động nặng nhất. Người bệnh mất hoàn toàn khả năng di chuyển, cử động khiến họ có những cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực. Nếu không điều trị và can thiệp kịp thời bởi phương pháp phục hồi chức năng rối loạn vận động, người bệnh sẽ dần suy kiệt về sức khỏe và tinh thần.

3. Phục hồi chức năng rối loạn vận động

Để phục hồi chức năng rối loạn vận động, các bác sĩ có thể:

  • Điều trị nội khoa: Bác sĩ sẽ xem xét các dấu hiệu về tình hình sức khỏe của người bệnh để chỉ định sử dụng thuốc. Một số loại thuốc có thể được sử dụng để điều trị rối loạn vận động gồm: Cerebrolysin, nootropyl, ginkgo biloba...
  • Điều trị ngoại khoa: Nếu cần thiết, cần phải phẫu thuật để giám áp hộp sọ, lấy khối máu tụ, loại bỏ khối u,... là những nguyên nhân gây rối loạn vận động.
  • Tập luyện phục hồi chức năng rối loạn vận động: Tập luyện phục hồi chức năng rối loạn vận động mang lại hiệu quả cao nhất trong vòng 6 tháng khi khởi phát bệnh. Mục đích là giữ tư thế tốt và đúng để tránh cứng và biến dạng khớp, duy trì sức mạnh cơ, giúp người bệnh có thể tự sinh hoạt hàng ngày. Thời gian tập luyện tối thiểu mỗi tuần là 6 tiếng.
  • Chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý: Giờ giấc sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong việc phục hồi chức năng rối loạn vận động bằng cách bổ sung dinh dưỡng một cách đầy đủ với 4 nhóm chất:
  • Chất đạm: Người bị rối loạn vận động tránh ăn những thức ăn có chứa cholesterol cao.
  • Vitamin: Vitamin có trong tất cả các loại thực phẩm, nhiều nhất là rau xanh và hoa quả. Mỗi bữa nên có một loại rau xanh và có hoa quả để ăn tráng miệng. Chất béo: Các chất béo từ thực vật sẽ giúp người bị rối loạn vận động giảm lượng mỡ thừa trong cơ thể, hạn chế bệnh xơ vữa và giảm nguy cơ tái phát bệnh lần 2.
Phục hồi chức năng
Tập luyện phục hồi chức năng rối loạn vận động mang lại hiệu quả cao nhất trong vòng 6 tháng khi khởi phát bệnh

Lưu ý: Thức ăn nên ở dạng mềm, lỏng, xay nhuyễn hoặc cắt nhỏ để người bệnh dễ dàng ăn uống. Tuyệt đối không sử dụng các gia vị cay nóng, chất kích thích như cafe, rượu bia, thuốc lá,...; hạn chế bệnh nhân ăn quá nhiều trong cùng một bữa, mỗi khẩu phần ăn chỉ nên sử dụng 4-5g muối – tương đương với 1 muỗng cafe.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan