Tại sao một số người không bao giờ tăng cân?

Trong khi nhiều người phải vật lộn để giảm cân thì cũng có không ít người gặp khó khăn trong vấn đề tăng cân. Nguyên nhân khó tăng cân đôi khi có thể đến từ di truyền, thói quen sinh hoạt hay thậm chí là vấn đề bệnh lý.

1. Những lý do khiến bạn khó tăng cân

Nếu bạn là người có thể trạng khó tăng cân, bạn có thể tìm hiểu những lý do chính sau đây:

1.1. Cường giáp khiến bạn khó tăng cân

Tuyến giáp hoạt động quá mức hay còn gọi là cường giáp, gây ra tình trạng dư thừa hormon tuyến giáp trong cơ thể. Hormon tuyến giáp chịu trách nhiệm cho nhiều yếu tố của quá trình trao đổi chất con người, bao gồm cả việc điều chỉnh tốc độ trao đổi chất.

Những người bị cường giáp có quá trình trao đổi chất hoạt động quá mức và thường đốt cháy nhiều calo hơn trong ngày. Nếu không có thuốc điều trị thích hợp, cường giáp có thể khiến bạn khó tăng cân, ăn nhiều mà vẫn không béo.

1.2. Bệnh tiểu đường type 1 khiến bạn khó tăng cân

Bệnh tiểu đường type 1 là một tình trạng tự miễn dịch, trong đó cơ thể phá hủy các tế bào trong tuyến tụy chịu trách nhiệm sản xuất insulin.

Insulin là hormone chịu trách nhiệm chuyển hóa glucose. Khi bệnh tiểu đường type 1 diễn ra và không được kiểm soát, sẽ khiến lượng đường trong máu tăng cao, sau đó được bài tiết qua nước tiểu. Quá trình bài tiết glucose dư thừa này có thể dẫn đến giảm cân không chủ ý.

1.3. Bệnh viêm ruột có thể làm cho bạn khó tăng cân

Bệnh viêm ruột là một thuật ngữ chung để chỉ một loạt các tình trạng đặc trưng bởi tình trạng viêm ruột. Những tình trạng này bao gồm bệnh Crohn và viêm loét đại tràng, có thể có tác động tiêu cực đến khả năng duy trì cân nặng của bạn.

Những điều kiện này có thể hạn chế các loại và số lượng thực phẩm mà bạn ăn. Chúng cũng có thể gây tiêu chảy thường xuyên, có thể làm giảm cân trong một số trường hợp.

Đau bụng giữa , ợ hơi là bệnh gì
Một số bệnh lý đường tiêu hóa có thể làm cho bạn khó tăng cân

1.4. Rối loạn ăn uống khiến bạn khó tăng cân

Có nhiều dạng rối loạn ăn uống khác nhau, những người bị rối loạn ăn uống kiểu hạn chế ăn có thể gặp khó khăn trong việc duy trì cân nặng hợp lý.

Dạng rối loạn ăn uống tồi tệ nhất là chán ăn tâm thần gây giảm cân cực độ và đôi khi bệnh nhân hoàn toàn không thể tăng cân. Các tình trạng khác, chẳng hạn như chứng ăn vô độ, có thể khiến một người khó giữ đủ calo để duy trì cân nặng.

1.5. Thuốc và phương pháp điều trị có thể làm bạn khó tăng cân

Một số loại thuốc và phương pháp điều trị gây chán ăn, buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy có thể khiến bạn khó duy trì cân nặng hợp lý.

Ví dụ, các loại thuốc như kháng sinh và phương pháp điều trị như hóa trị thường được biết đến là gây ra các phản ứng phụ về đường tiêu hóa, khiến cho bệnh nhân có thể bị sụt cân và khó tăng cân trong suốt quá trình điều trị.

2. Các chiến lược tăng cân dành cho người khó tăng cân

Ngoài tình trạng bệnh lý có từ trước, vẫn có một số người khó tăng cân hơn những người khác. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc tăng cân, bạn có thể thực hiện một số thay đổi lối sống nhất định, tạo cho mình cơ hội tốt để tăng trọng lượng cơ thể một cách lành mạnh.

2.1. Tập luyện để tăng lượng cơ trong cơ thể

Tập luyện tăng cơ và tăng trọng lượng cơ thể rất quan trọng cho sức khỏe tổng thể, nhưng bạn cần tuyệt đối tuân thủ chế độ tập luyện do các chuyên gia, người hướng dẫn đưa ra.

Vì cơ nặng hơn mỡ nên tập tạ có thể giúp bạn tăng trọng lượng tổng thể mà không làm tăng lượng mỡ.

2.2. Ăn các món ăn nhiều calo

Các bữa ăn với nhiều ngũ cốc nguyên hạt và chất béo lành mạnh có xu hướng cung cấp nhiều calo hơn các bữa ăn bao gồm các thực phẩm chứa ít calo hơn, chẳng hạn như thịt nạc và rau.

Bắt đầu mỗi bữa ăn với ít nhất một chén ngũ cốc và cố gắng kết hợp nhiều chất béo khác nhau, chẳng hạn như dầu, các loại hạt hoặc thêm các loại gia vị khác. Cuối cùng, kết thúc bữa ăn với một số protein và ít nhất một vài khẩu phần rau.

Ngũ cốc nguyên hạt và tinh chế
Ngũ cốc nguyên hạt và chất béo lành mạnh có thể cung cấp nhiều calo hơn cho người dùng

2.3. Đồ uống và chất bổ sung

Nếu bạn vẫn đang vất vả để đạt được mục tiêu về lượng calo hàng ngày của mình thì một số loại đồ uống và thực phẩm bổ sung có thể giúp bạn bổ sung thêm calo hàng ngày.

Một số loại đồ uống có xu hướng chứa nhiều calo hơn và nhằm mục đích duy trì cân nặng cho những người không thể tiêu thụ thức ăn thông thường. Ngoài ra, một số đồ uống được pha chế đặc biệt để tăng khối lượng cơ thể.

2.4. Đừng uống nhiều nước trước bữa ăn

Đối với nhiều người, uống nước trước bữa ăn có thể giúp họ tránh việc ăn quá nhiều, nhưng cách này có thể phản tác dụng nếu bạn đang cố gắng tăng cân.

Điều quan trọng là bạn phải uống nước thường xuyên trong ngày, nhưng nếu bạn khó ăn vì no, hãy tránh uống quá nhiều nước trước bữa ăn.

3. Làm thế nào để biết bạn có thiếu cân hay không?

Chỉ số khối cơ thể (BMI) là một công cụ kiểm tra sức khỏe thường được sử dụng để xác định thành phần cơ thể tổng thể của một người nào đó dựa trên chiều cao và cân nặng của họ.

Theo trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), bạn được coi là thiếu cân nếu chỉ số BMI của bạn dưới 18,5.

Điều quan trọng cần lưu ý là có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể và chỉ số BMI không nên được sử dụng như một cách đơn độc để đánh giá về sức khỏe của một người nào đó. Ngay cả khi bạn “nhẹ cân” theo biểu đồ BMI, điều đó không đồng nghĩa là bạn “không khỏe mạnh”. Tuy nhiên, nếu bạn thiếu cân và khó tăng cân, có lẽ đã đến lúc bạn nên đến gặp bác sĩ.

Chỉ số BMI
Dựa vào bảng chỉ số khối cơ thể (BMI) có thể biết bạn có thiếu cân hay không

4. Đi khám nếu bạn khó tăng cân

Trọng lượng cơ thể bạn dao động trong một khoảng nhỏ là bình thường. Tuy nhiên, nếu bạn nhận thấy bạn sụt cân không rõ nguyên nhân không phải là kết quả của việc thay đổi lối sống hoặc chế độ ăn uống có chủ đích, bạn nên đi khám để tìm hiểu nguyên nhân.

Bác sĩ có thể xem xét lịch sử sức khỏe của bạn và thực hiện các xét nghiệm thích hợp để xác định xem liệu tình trạng sức khỏe có gây ra thay đổi về cân nặng hay không. Nếu không có tình trạng sức khỏe nào khiến bạn giảm cân hoặc khó tăng cân, bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến gặp chuyên gia dinh dưỡng. Các chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp tạo ra một kế hoạch ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để giúp bạn tăng cân một cách lành mạnh.

Tăng cân lành mạnh thường liên quan đến việc lựa chọn một sự cân bằng hợp lý giữa các loại thực phẩm có hàm lượng calo cao lành mạnh và tăng cơ bắp thông qua tập tạ. Đối với nhiều người, thực hiện những thay đổi đơn giản này là đủ để bắt đầu thấy cân nặng và chỉ số BMI tăng lên.

Tuy nhiên, nếu bạn gặp khó khăn trong việc tăng cân hoặc giữ cân, ngay cả khi đã thay đổi chế độ ăn uống, hãy lên lịch đi khám. Bác sĩ có thể giúp bạn xác định xem liệu có bất kỳ bệnh lý tiềm ẩn nào khiến bạn khó tăng cân không và có thể giới thiệu bạn đến bác sĩ dinh dưỡng nếu cần.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: livescience.com - healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan