Siêu âm ruột thừa được chỉ định trong trường hợp nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Văn Làn Đức - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Bác sĩ có trên 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh đặc biệt trong chẩn đoán với các bệnh lý cấp cứu nội, ngoại khoa, ổ bụng, lồng ngực, cơ xương khớp, thần kinh và các tuyến giáp, vú,...

Siêu âm ruột thừa là một trong những kỹ thuật chẩn đoán và phát hiện bệnh lý viêm ruột thừa. Chỉ định siêu âm ruột thừa đối với những trường hợp có triệu chứng lâm sàng của bệnh viêm ruột thừa.

1. Viêm ruột thừa là bệnh gì? Nguyên nhân gây bệnh

Trong cơ thể người, ở hệ tiêu hóa, ruột thừa là một đoạn ruột tịt, nhỏ, dính vào manh tràng, dài khoảng vài cm. Ruột thừa nằm ở bụng dưới phải, tại vị trí nối tiếp ruột non và ruột già.

Hiện tại, chức năng và tác dụng của ruột thừa chưa được xác định rõ, tuy nhiên, khi ruột thừa bị viêm sẽ khiến người bệnh có một số triệu chứng như đau bụng, sốt, nếu không phẫu thuật có thể vỡ, gây apxe, viêm phúc mạc và có thể dẫn tới tử vong.

Viêm ruột thừa là tình trạng tắc nghẽn trong lòng ruột thừa, vi khuẩn được tạo điều kiện để phát triển nhanh chóng, khiến cho ruột thừa bị viêm nhiễm, sưng phù nề, thậm chí có thể hóa mủ. Viêm ruột thừa nếu không được xử trí cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tình trạng vỡ ruột thừa, áp xe, viêm phúc mạc, thậm chí có thể gây tử vong.

Nguyên nhân gây viêm ruột thừa được xác định là do dị vật, sỏi phân, ... gây tắc nghẽn trong lòng ruột thừa.

2. Chỉ định siêu âm ruột thừa trong trường hợp nào?

Chỉ định siêu âm ruột thừa trong những trường hợp xuất hiện triệu chứng lâm sàng của bệnh viêm ruột thừa như:

  • Đau vùng bụng dưới phải (hay còn gọi là hố chậu phải). Cơn đau có thể bắt đầu từ xung quanh rốn trước, sau đó dần lan xuống bụng dưới phải, đau liên tục, âm ỉ với mức độ dữ dội tăng dần.
  • Có thể nôn hoặc buồn nôn, tiêu chảy hoặc táo bón, tùy vào mỗi người.
  • Chán ăn, hôi miệng, lưỡi trắng.
  • Có thể có sốt với các mức độ khác nhau từ nhẹ tới sốt cao.
  • Chướng bụng là dấu hiệu của viêm ruột thừa giai đoạn muộn hoặc biến chứng.

Khi thấy bất kỳ một trong những dấu hiệu nêu trên và nghi ngờ ruột thừa bị viêm, người bệnh cần đến cơ sở y tế sớm để được thăm khám, siêu âm ổ bụng cấp cứu nhằm phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.

Kết quả siêu âm ổ bụng có thể cho biết điều gì?
Siêu âm ruột thừa nhằm phát hiện và điều trị bệnh kịp thời

3. Vai trò của siêu âm ruột thừa

Siêu âm ruột thừa là một trong những phương pháp chẩn đoán hình ảnh phổ biến, được áp dụng nhiều trong phát hiện bệnh lý viêm ruột thừa vì tỷ lệ chính xác cao (>98%), không xâm lấn, không gây đau, chi phí thấp.

Siêu âm ruột thừa được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ sẽ sử dụng đầu dò tần số cao để đè ép lên vùng bụng dưới phải bị đau để thăm dò, khảo sát và đánh giá ruột thừa có bị viêm hay không, mức độ tổn thương như thế nào.

Cụ thể, siêu âm ruột thừa có vai trò sau:

  • Khi đè ép đầu dò để siêu âm sẽ đẩy hơi trong các quai ruột non và ruột già để khảo sát và đánh giá.
  • Tùy vào tình trạng và mức độ viêm ruột thừa, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp như phẫu thuật hoặc dùng thuốc, ...

4. Biến chứng của viêm ruột thừa

Viêm ruột thừa nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như:

  • Vỡ ruột thừa: Khi ruột thừa bị vỡ có thể gây viêm phúc mạc toàn bộ. Khi ruột thừa bị vỡ, người bệnh cần được cấp cứu phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa và vệ sinh khoang bụng sạch sẽ.
  • Áp xe ruột thừa: Khi ruột thừa bị vỡ sẽ hình thành ổ áp xe trong khoang bụng và gây nhiễm trùng. Người bệnh bị viêm ruột thừa có biến chứng áp xe cần được phẫu thuật để dẫn lưu mủ ra ngoài và dùng kháng sinh để chống nhiễm trùng. Khi tình trạng nhiễm trùng được chấm dứt, người bệnh mới được phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa, hoặc cũng có thể thực hiện cùng lúc dẫn lưu khối áp xe và phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa.
viêm phúc mạc trong ổ bụng
Khi ruột thừa bị vỡ sẽ hình thành ổ áp xe trong khoang bụng và gây nhiễm trùng

5. Điều trị viêm ruột thừa như thế nào?

Thông thường, viêm ruột thừa được điều trị bằng phương pháp ngoại khoa, tức là phẫu thuật cắt bỏ phần ruột thừa bị viêm. Tuy nhiên, trước khi phẫu thuật, có thể điều trị ngăn ngừa nhiễm trùng bằng cách cho người bệnh dùng kháng sinh.

5.1 Điều trị ngoại khoa viêm ruột thừa

Điều trị ngoại khoa viêm ruột thừa bằng phương pháp phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa bị viêm gồm có:

  • Phẫu thuật mổ hở: Thực hiện phẫu thuật mở bằng cách rạch một đoạn da ở vùng bụng có chiều dài từ 5 - 10 cm và cắt bỏ phần ruột thừa bị viêm. Phẫu thuật mổ hở được áp dụng trong những trường hợp ruột thừa bị vỡ và tình trạng nhiễm trùng lan ra ngoài hoặc biến chứng áp xe ruột thừa. Khi đó, phẫu thuật mổ hở được thực hiện để có thể cắt bỏ ruột thừa và vệ sinh khoang bụng.
  • Phẫu thuật nội soi: Thực hiện phẫu thuật nội soi bằng cách đưa vào ổ bụng thông qua lỗ nhỏ ở thành bụng một camera để quan sát, theo dõi và thiết bị để phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa bị viêm. Hiện nay, phẫu thuật nội soi dần trở nên phổ biến trong điều trị viêm ruột thừa vì xâm lấn ít, ít gây đau và người bệnh nhanh chóng hồi phục. Với những ưu điểm này, phẫu thuật nội soi phù hợp với người bệnh bị béo phì hoặc lớn tuổi.

Đối với các trường hợp áp xe ruột thừa có thể thực hiện dẫn lưu khối áp xe trước khi phẫu thuật. Kỹ thuật dẫn lưu được tiến hành bằng cách đặt ống thông qua thành bụng để dẫn lưu dịch mủ từ khối áp xe ra ngoài, khi ruột thừa bị vỡ và ổ áp xe hình thành xung quanh ruột thừa. Sau khi dẫn lưu và điều trị kiểm soát nhiễm trùng mới tiến hành phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa.

5.2 Điều trị không phẫu thuật viêm ruột thừa.

Theo một số nghiên cứu, những trường hợp viêm ruột thừa cấp không biến chứng có thể điều trị với kháng sinh tỷ lệ thành công hơn 80 - 90%. Tuy nhiên tỷ lệ tái phát sau điều trị bảo tồn không mổ sau 1 năm là khá cao hơn 30%. Do đó cho đến nay phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa viêm vẫn là tiêu chuẩn vàng cho điều trị viêm ruột thừa cấp.

thuốc
Điều trị nội khoa bằng thuốc có thể mang lại hiệu quả trong một số trường hợp viêm ruột thừa chưa tiến triển phức tạp

Với những trường hợp viêm ruột thừa có biến chứng vỡ gây áp xe ruột thừa. Bệnh nhân sẽ được điều trị với chọc dẫn lưu áp xe dưới siêu âm và phối hợp với kháng sinh điều trị. Sau đó sẽ xét cắt ruột thừa sau 6 tháng khi bệnh nhân ổn định.

Với những trường hợp viêm ruột thừa không có biến chứng trong những trường hợp tình trạng bệnh nhân không đảm bảo cho phẫu thuật như: bệnh nhân rối loạn đông máu nặng, bệnh nhân có bệnh nội khoa kèm rất nặng không thể chịu đựng được cuộc phẫu thuật có thể cân nhắc áp dụng điều trị bảo tồn với kháng sinh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

919 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan