Những câu hỏi thường gặp khi siêu âm ổ bụng tổng quát

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lưu Thị Bích Ngọc - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Bác sĩ có 06 năm kinh nghiệm làm trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh.

Hiện nay siêu âm ổ bụng là một trong những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh có giá trị cao giúp phát hiện nhiều bệnh lý quan trọng tại các cơ quan nội tạng, tiết niệu, sinh dục...của con người. Đây cũng là phương pháp thăm khám, kiểm tra sức khỏe nên được thực hiện định kỳ tối thiểu 1 năm 1 lần theo đề xuất của các bác sĩ.

1. Siêu âm ổ bụng là gì?

Siêu âm ổ bụng tổng quát là kỹ thuật chẩn đoán cận lâm sàng đang được áp dụng rất phổ biến trong y học ngày nay. Siêu âm ổ bụng giúp thu lại hình ảnh ổ bụng tại thời gian thực, giúp bác sĩ thăm khám, kiểm tra, đánh giá những tổn thương ở các cơ quan nội tạng như: thận, gan, mật, lá lách, bàng quang, tụy, buồng trứng, tử cung... và phát hiện tình trạng bất thường (nếu có).

Ưu điểm của siêu âm ổ bụng tổng quát:

  • Quá trình siêu âm ổ bụng diễn ra nhanh chóng (dưới 20 phút).
  • Không gây đau đớn và an toàn với sức khỏe con người.
  • Kết quả chính xác, giá trị chẩn đoán cao.
  • Áp dụng cho mọi bệnh nhân ở mọi lứa tuổi, giới tính.
  • Giúp phát hiện các bệnh lý quan trọng.
ổ bụng
Siêu âm ổ bụng là một trong những chẩn đoán hình ảnh có giá trị cao

2. Vai trò của siêu âm ổ bụng

Ngoài vai trò kiểm tra sức khỏe định kỳ thông thường, siêu âm ổ bụng tổng quát còn giúp bác sĩ chẩn đoán và xác định các bệnh lý cụ thể như:

Ngoài ra siêu âm ổ bụng tổng quát còn giúp phát hiện nhiều bệnh lý khác như: phình động mạch chủ bụng, đánh giá dịch trong bụng, màng ngoài tim, khoang màng phổi...

3. Khi nào nên siêu âm ổ bụng?

Siêu âm ổ bụng tổng quát là phương pháp được đánh giá là khá an toàn và hiệu quả nên các bác sĩ đều khuyến cáo mỗi người nên chủ động thăm khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ (có siêu âm ổ bụng tổng quát) tối thiểu mỗi năm 1 lần.

Siêu âm ổ bụng
Mỗi người nên chủ động đi siêu âm ổ bụng tổng quát định kỳ hàng năm

Tuy nhiên để mang lại kết quả chẩn đoán tốt nhất và giúp phát hiện bệnh kịp thời, bệnh nhân cũng nên chủ động theo dõi và đến siêu âm khi thấy các dấu hiệu:

  • Đau bụng kéo dài, có khi dữ dội.
  • Cảm thấy khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, nôn ói...dẫn đến sụt giảm cân nặng nghiêm trọng.
  • Tinh thần mệt mỏi, chán ăn không rõ nguyên nhân.
  • Sờ thấy hoặc nghi ngờ có khối u ở vùng bụng.

4. Quy trình siêu âm ổ bụng

Siêu âm ổ bụng sẽ được tiến hành lần lượt theo các bước:

  • Bệnh nhân nằm lên giường khám, kéo áo cao lên ngang ngực và kéo quần thấp xuống ngang xương mu để thuận tiện cho việc siêu âm. (Lưu ý: phụ nữ không nên mặc váy khi đi siêu âm ổ bụng).
  • Bác sĩ bôi gel đều lên bụng, thoa đều và đặt đầu dò siêu âm lên vùng bụng. Đầu dò phát sóng siêu âm tần số cao và thu lại hình ảnh hiển thị liên tục trên màn hình giúp quan sát ổ bụng và nội tạng ở nhiều góc độ.
  • Thời gian thực hiện siêu âm ổ bụng chưa đầy 20 phút và không có đau đớn hay rủi ro nào.
Siêu âm ổ bụng phát hiện bệnh phụ khoa
Siêu âm ổ bụng diễn ra nhanh và không gây đau đớn

5. Một số lưu ý khi siêu âm ổ bụng tổng quát

Với những bệnh nhân chưa từng thực hiện siêu âm ổ bụng, sẽ có một chút lo lắng nhất định. Để quá trình siêu âm diễn ra nhanh chóng, chính xác, bạn có thể lưu ý những điều sau:

  • Trước khi siêu âm ổ bụng nên nhịn ăn từ 6-8 giờ nên thời điểm tốt nhất để thực hiện siêu âm ổ bụng là vào buổi sáng.
  • Khi siêu âm ổ bụng, bệnh nhân nên mặc đồ thoải mái để dễ dàng thực hiện.
  • Bệnh nhân cũng cần uống nhiều nước và nhịn tiểu ngay trước khi siêu âm. Việc nhịn tiểu giúp căng bang quang và giúp siêu âm đánh giá cấu trúc bàng quang, tuyến tiền liệt, tử cung dễ dàng hơn.
  • Với bệnh nhân bị béo phì, thừa cân, để kết quả siêu âm chính xác người bệnh nên hạn chế ăn những đồ nhiều dầu mỡ, khó tiêu và dễ gây đầy bụng.
  • Siêu âm đầu dò âm đạo chỉ áp dụng đối với những phụ nữ đã có quan hệ tình dục, trước đó bệnh nhân cần đi tiểu hết để bàng quang trống khi siêu âm.

Những kỹ thuật siêu âm ở vùng khác như siêu âm tim, mạch máu, vùng mặt cổ, mắt, tuyến vú, cơ khớp...có thể thực hiện ngay mà ít cần chuẩn bị. Tuy nhiên với siêu âm ổ bụng, nếu không chuẩn bị trước sẽ khiến cho việc thăm khám kéo dài, phải lặp lại nhiều lần gây cảm giác không thoải mái cho bác sĩ lẫn bệnh nhân, vì vậy người bệnh nên lưu ý chuẩn bị trước để quá trình siêu âm diễn ra suôn sẻ, hiệu quả nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

410 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan