Những biến chứng nguy hiểm ở bệnh lý tân mạch hắc mạc

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ mắt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Tân mạch hắc mạc là một trong những biến chứng nguy hiểm của nhiều bệnh lý khác nhau như (bệnh võng mạc tiểu đường, bệnh võng mạc tăng huyết áp ....).Những tân mạch này ít chức năng và dễ vỡ gây ra những biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị lực của người bệnh.

1. Bệnh tân mạch hắc mạc là gì?

Trong cấu tạo của vỏ nhãn cầu có 3 lớp màng, trong đó màng bồ đào hay gọi là màng mạch có chứa nhiều mạch máu nuôi dưỡng nhãn cầu, tiết thủy dịch, điều hòa nhãn áp, chỉnh lượng ánh sáng vào trong nhãn cầu, tạo buồng tối để hình ảnh rõ nét hơn.

Màng bồ đào gồm có ba phần là mống mắt, thể mi và hắc mạc. Trong đó mống mắt và thể mi gọi là màng bồ đào trước, còn hắc mạc gọi là màng bồ đào sau.

Hắc mạc là phần sau của màng bồ đào, có chứa nhiều mạch máu để nuôi dưỡng cho nhãn cầu và có nhiều tế bào mang sắc tố đen để tạo cho buồng tối cho mắt giúp vật ngoài in rõ nét trên võng mạc.

Tân mạch hắc mạc là tình trạng xuất hiện thêm các mạch máu tại hắc mạc, các mạch máu này ít chức năng nhưng lại dễ vỡ.

Phân loại cận thị
Bệnh nhân cận thị nặng tăng nguy cơ mắc tân mạch hắc mạc

2. Các triệu chứng tân mạch hắc mạc

Khi gặp tình trạng tân mạch hắc mạc người bệnh có thể xuất hiện các dấu hiệu như:

  • Giảm thị lực nhanh chóng, người bệnh thấy nhìn hình ảnh mờ, không rõ vật.
  • Không phân biệt rõ màu sắc của vật.
  • Hình ảnh bị biến dạng, đặc biệt là thấy hiện tượng hình đường thẳng sẽ thành các đường cong.
  • Lóa mắt.
  • Có ám điểm trung tâm hay ngoại biên. Tức là thấy đám đen ở trước mắt.

Các biểu hiện do tân mạch hắc mạc làm giảm chức năng hoàng điểm, gọi chung là hội chứng hoàng điểm.

Suy giảm thị lực
Giảm thị lực là triệu chứng phổ biến của bệnh

3. Biến chứng nguy hiểm của tân sinh hắc mạc

Một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của tân mạch hắc mạc là gây xuất huyết võng mạc kèm theo phù của vùng trung tâm hoàng điểm. Biến chứng này ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị lực của người bệnh. Đây cũng là một trong nguyên nhân dẫn tới mù lòa

Khi xuất hiện biến chứng này người bệnh sẽ thấy các biểu hiện như: Thấy thị lực giảm nhanh, ruồi bay...

Khi bị xuất huyết võng mạc thì khả năng phục hồi chức năng tiếp nhận ánh sáng rất thấp và phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ nặng của bệnh, độ tuổi, bệnh lý kèm theo...

Biến chứng có ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị lực nên cần được điều trị, điều trị giúp giảm tái phát bệnh và giúp tăng thị lực.

4. Điều trị tân mạch hắc mạc như thế nào?

Điều trị tân sinh mạch có các phương pháp như:

4.1 Phẫu thuật

Phẫu thuật được tiến hành để điều trị tân mạch hắc mạc tuy nhiên đây là phẫu thuật đòi hỏi chuyên môn cao và phẫu thuật vẫn có nguy cơ tái phát.

Các phẫu thuật mắt được thực hiện ở bệnh viện Vinmec
Phẫu thuật mắt được thực hiện ở bệnh viện Vinmec

4.2 Phương pháp tiêm nội nhãn

Phương pháp tiêm nội nhãn là phương pháp mới được sử dụng các năm gần đây với nhiều ưu điểm hơn so với các phương pháp cũ.

  • Phương pháp này sử dụng loại thuốc có tác dụng ức chế yếu tố tân sinh mạch.
  • Các thuốc được sử dụng như avastin, lucentis. Sau khi tiêm đã cho thấy những kết quả tốt do khả năng cải thiện thị lực sau điều trị cho bệnh nhân.
  • Phương pháp này giúp cải thiện thị lực tốt và giảm nguy cơ tái phát bệnh. Ngoài ra còn giúp hạn chế các di chứng do các phương pháp cũ gây ra.
  • Quy trình tiêm nội nhãn khá đơn giản, người bệnh được kiểm tra, sử dụng các loại thuốc cần thiết trước tiêm. Sau đó tiêm thuốc và theo dõi các dấu hiệu sau khi tiêm nội nhãn khoảng 30 phút. Người bệnh được ra về ngày sua khi theo dõi và sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Liệu trình tiêm bao nhiêu lần còn tùy thuộc vào từng bệnh nhân cụ thể.
  • Ngoài các phương pháp trên thì phương pháp laser quang động cũng được thực hiện ở một số nước tiên tiến. Tuy nhiên chỉ có khoảng 20-30% bệnh nhân cải thiện thị lực sau khi sử dụng phương pháp này.

Tân mạch hắc mạc có thể gặp ở nhiều bệnh lý khác nhau, tình trạng này có thể gây ra biến chứng nặng nề làm cho bệnh nhân có nguy cơ mất thị lực. Khi xảy ra biến chứng thì khả năng phục hồi thị lực kém hơn, nên ở những người có yếu tố nguy cơ mắc tình trạng này nên thường xuyên thăm khám và theo dõi bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan