Nhận biết viêm màng sụn ở vành tai

Viêm màng sụn vành tai là bệnh lý viêm tai ngoài thường gặp bởi nguyên nhân chính do nhiễm khuẩn gây đau, mưng mủ, thậm chí là thay đổi cấu trúc tai nếu không được điều trị kịp thời. Vậy làm sao để nhận biết căn bệnh này cũng như có các biện pháp điều trị kịp thời?

1. Viêm màng sụn vành tai là bệnh gì?

Tình trạng nhiễm trùng mô bao quanh và nuôi dưỡng sụn ở bên ngoài vành tai được gọi là viêm màng sụn vành tai. Viêm sụn tai mặc dù chỉ là tình trạng viêm tai ngoài không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng về lâu dài các tổn thương này nếu không được điều trị sẽ làm ảnh hưởng đến yếu tố thẩm mỹ.

Ngoài ra, viêm màng sụn vành tai có thể gây hoại tử vành tai do dịch mủ nhiễm trùng, gây cản trở quá trình nuôi dưỡng sụn ở vành tai. Người bệnh viêm màng sụn vành tai thường có những dấu hiệu nhận biết như sau:

  • Cảm thấy ngứa ngáy trong ống tai, sau đó sẽ cảm thấy tai nóng hơn, cảm thấy rát và đau dữ dội sau vài ngày.
  • Tai nghe kém hơn, không thể nghe rõ như bình thường, đôi khi cảm thấy ù tai
  • Khi chạm vào vành tai, đặc biệt lúc kéo hoặc gập vành tai, người bệnh sẽ cảm thấy đau rát dữ dội
  • Vành tai sưng đỏ, chảy dịch màu vàng hoặc xanh, đôi khi có máu kèm theo, xung quanh chỗ sưng có thể bong ra các biểu bì màu trắng hoặc hơi vàng
  • Khi để quá lâu không điều trị, vị trí viêm sụn vành tai có thể tạo thành sẹo chít hẹp, ảnh hưởng đến thẩm mỹ của đôi tai, thậm chí là thay đổi cấu trúc tai.
  • Đôi khi người bệnh sẽ bị sốt do tai bị nhiễm trùng

Ngoài ra, một vài dấu hiệu ít phổ biến như chóng mặt, chảy dịch tai, giảm khả năng giữ thăng bằng cơ thể... cũng có thể xảy ra ở người bệnh

Ù tai khi mang thai
Ù tai là một dấu hiệu của viêm màng sụn vành tai

2. Nguyên nhân hình thành viêm màng sụn tai

Vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa hay còn có tên gọi khác là trực khuẩn mủ xanh, đây chính là nguyên nhân chủ yếu gây ra viêm màng sụn vành tai. Trực khuẩn mủ xanh dạng trực khuẩn gram âm hiếu khí có dạng hình que nhỏ và có thể đứng riêng lẻ, thành đôi hoặc xếp thành chuỗi.

Trực khuẩn mủ xanh sẽ gây ra các nhiễm trùng, sưng đỏ, có mủ màu xanh lá cây nhạt, vàng hoặc lẫn máu bên trong mủ. Bệnh nhân cảm thấy đau đớn tại vị trí sưng viêm. Ngoài ra các trường hợp sau cũng có thể gây ra viêm màng sụn vành tai:

  • Người bệnh vừa trải qua phẫu thuật tai
  • Vị trí xỏ lỗ tai
  • Chơi các môn thể thao có tính đối kháng cao, dễ xảy ra chấn thương va đập ở vành tai hay các vết xước, tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh
  • Chấn thương một bên đầu
  • Côn trùng đốt
Xỏ khuyên
Xỏ khuyên tai có thể hình thành viêm màng sụn tai

3. Chẩn đoán và điều trị viêm sụn tai

Điều trị viêm sụn tai chủ yếu là sử dụng các loại thuốc kháng sinh khác nhau để ngăn chặn tình trạng viêm nhiễm. Sau khi kiểm tra và thăm khám tình trạng thực tế của bệnh nhân, bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất đối với người bệnh:

Phương pháp thường được sử dụng trong điều trị viêm màng sụn vành tai là sử dụng kháng sinh, cụ thể là thuốc levofloxacin. Tuy nhiên, để tình trạng viêm nhanh khỏi hơn, bác sĩ sẽ kê thêm một số loại kháng sinh khác để người bệnh sử dụng. Tùy vào tình trạng sức khỏe, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh sử dụng kháng sinh thông qua đường tiêm tĩnh mạch hoặc đường uống.

Trường hợp tai bệnh nhân có mủ bên trong, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện tiểu phẫu để dẫn lưu dịch bên trong ra ngoài. Tại vị trí viêm sụn tai, bác sĩ sẽ rạch ra và ống dẫn lưu sẽ được để lại tại chỗ từ 2-3 ngày. Bác sĩ sẽ kê thêm cho bệnh nhân thuốc kháng sinh để chống viêm sau khi thực hiện tiểu phẫu.

Trường hợp bệnh nhân mắc viêm màng sụn vành tai tự miễn, các thuốc thuộc nhóm steroid sẽ được chỉ định sử dụng như prednisone giúp ức chế phản ứng miễn dịch và ngăn chặn tấn công đến sụn tai cũng như những bộ phận khác của cơ thể.

Nếu tình trạng bệnh gây ra tai súp lơ ảnh hưởng đến thẩm mỹ, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên về việc phẫu thuật thẩm mỹ nếu bệnh nhân có yêu cầu.

Thời gian phục hồi sau điều trị phụ thuộc nhiều vào việc người bệnh có sớm phát hiện và điều trị bệnh hay không. Tốt nhất là người bệnh nên điều trị càng sớm càng tốt, tránh để lâu gây ra nhiều biến chứng cũng như những khó khăn cho việc điều trị.

Dùng thuốc kháng sinh có ảnh hưởng đến thai nhi
Thuốc kháng sinh được áp dụng có tác dụng điều trị viêm sụn tai

4. Có thể phòng tránh bệnh viêm màng sụn vành tai hay không?

Không phải lúc nào bạn cũng phòng tránh được viêm màng sụn vành tai, nhất là khi nguyên nhân gây ra bởi chấn thương tai. Mặc dù, không tránh được chấn thương ở tai nhưng bạn vẫn có thể giữ vệ sinh vùng chấn thương, hạn chế tối đa nhiễm trùng sụn tai, gây ra biến chứng nguy hiểm.

Theo đó, bạn có thể phòng tránh căn bệnh này bằng cách hạn chế tối đa việc xỏ khuyên ở vành tai, đặc biệt ở các vị trí sụn tai.Tuy nhiên, nếu bạn vẫn muốn xỏ khuyên ở những vị trí này thì nên rửa bằng nước muối hằng ngày để tránh nhiễm trùng. Trong trường hợp có hiện tượng nhiễm trùng thì bạn nên thăm khám và uống kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ sớm, tránh để tình trạng bệnh tiến triển nặng hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan