Mất nước: Chẩn đoán và điều trị

Nhận biết được sớm các dấu hiệu để chẩn đoán tình trạng mất nước của cơ thể là chìa khóa quan trọng để đưa ra phương án điều trị kịp thời, tránh những tác hại tới sức khỏe. Bởi mất trong một thời gian dài có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí tử vong.

1. Chẩn đoán mất nước

Mất nước là tình trạng tương đối nguy hiểm đối với cơ thể, vì thế việc chẩn đoán để đưa ra hướng xử trí trong trường hợp mất nước rất quan trọng. Dựa vào một số triệu chứng xuất hiện trên cơ thể hoặc các kết quả xét nghiệm có thể chẩn đoán liệu bạn có đang trong tình trạng mất nước hay không?

1.1. Chẩn đoán mất nước qua các triệu chứng

Ở mức độ mất nước nhẹ, cơ thể có thể xuất hiện các triệu chứng sau:

  • Khát nước
  • Môi khô hoặc dính
  • Tiểu ít, nước tiểu màu vàng đậm
  • Da khô, lạnh
  • Đau đầu
  • Đôi khi có thể xuất hiện tình trạng chuột rút

Các triệu chứng của mất nước nghiêm trọng bao gồm:

  • Không đi tiểu hoặc đi tiểu rất ít, nước tiểu màu vàng đậm
  • Da khô, lạnh
  • Chóng mặt, tim đập nhanh
  • Thở nhanh
  • Mắt trũng, buồn ngủ, biểu hiện mệt mỏi, dễ bị kích thích
  • Huyết áp tụt, có thể dẫn đến ngất.

Đối với mất nước ở trẻ em, các triệu chứng của mất nước có thể khác với người trưởng thành:

  • Môi và lưỡi khô
  • Trẻ khóc không ra nước mắt
  • Tã trẻ không bị ướt trong khoảng 2 đến 3 giờ
  • Mắt và má trũng
  • Có dấu hiệu mệt mỏi, buồn ngủ
  • Trong trường hợp mất nước nghiêm trọng trẻ có thể ngủ li bì, phản xạ uống nước kém hoặc không uống được, khi véo da, nếp véo mất đi rất chậm...

Da khô là một trong những biểu hiện của mất nước
Da khô là một trong những biểu hiện của mất nước

1.2. Chẩn đoán mất nước bằng các xét nghiệm

Trước khi tiến hành xét nghiệm, các bác sĩ sẽ kiểm tra các triệu chứng thực thể để loại trừ nguyên nhân đến từ các bệnh khác. Sau đó sẽ tiến hành đo nhịp tim và huyết áp vì nhịp tim nhanh kết hợp với huyết áp giảm cũng có thể là biểu hiện của việc mất nước.

Một số xét nghiệm có thể giúp xác định tình trạng mất nước:

  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu giúp kiểm tra hàm lượng chất điện giải đặc biệt là Kali và Natri trong máu. Hàm lượng chất điện giải giảm chính là biểu hiện của mất nước. Ngoài ra xét nghiệm máu cũng có thể xác định hàm lượng creatinin trong máu qua đó đánh giá được mức độ hoạt động của thận. Một trong các nguyên nhân khiến thận hoạt động không bình thường chính là mất nước
  • Xét nghiệm nước tiểu: Xét nghiệm nước tiểu nhằm kiểm tra hàm lượng chất điện giải trong nước tiểu qua đó giúp các bác sĩ chẩn đoán được bạn có bị mất nước hay không? Và mất nước ở mức độ nào? Bên cạnh đó màu sắc của nước tiểu cũng có thể cho biết tình trạng mất nước của cơ thể. Nước tiểu sẫm màu là cơ sở để chẩn đoán mất nước.

Xét nghiệm nước tiểu giúp chẩn đoán tình trạng mất nước
Xét nghiệm nước tiểu giúp chẩn đoán tình trạng mất nước

2. Điều trị mất nước

Phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho mất nước chính là bù nước và điện giải kịp thời. Tuy nhiên cần lưu ý đến độ tuổi, nguyên nhân và mức độ mất nước để bù nước một cách phù hợp.

2.1. Bù nước cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Trong trường hợp trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ mất nước do tiêu chảy, có biểu hiện nôn hoặc sốt có thể sử dụng dung dịch oresol (nếu có) hoặc nước cháo muối. Đó là những dung dịch bù nước và điện giải rất tốt.

Trên mỗi gói oresol đều hướng dẫn cách pha chế cụ thể. Pha oresol với nước đun sôi để nguội và cho trẻ uống theo công thức sau:

  • Trẻ dưới 2 tuổi : Uống 50-100 ml oresol sau mỗi lần đi ngoài
  • Trẻ 2-10 tuổi : Uống 100-200 ml oresol sau mỗi lần đi ngoài
  • Trẻ trên 10 tuổi : Uống đến khi hết khát sau mỗi lần đi ngoài.

Trong trường hợp không có dung dịch oresol, có thể nấu nước cháo muối cho trẻ uống. Pha một nắm gạo, một nhúm muối với khoảng 1,2 lít nước sạch, đun nhừ, lọc lấy khoảng 1 lít nước cho trẻ uống dần. Việc bù nước cho trẻ cần được thực hiện cho đến khi trẻ đi ngoài phân sệt mới được dừng lại.

2.2. Bù nước cho người trưởng thành trong trường hợp mất nước nhẹ

Trường hợp lao động hoặc chơi thể thao trong điều kiện thời tiết nắng nóng có thể bù nước bằng nước mát hoặc đồ uống chứa chất điện giải. Đối với trường hợp mất nước nhẹ do tiêu chảy, nôn hoặc sốt chỉ cần uống nhiều nước để bù lại lượng nước mất đi. Lưu ý tuyệt đối không sử dụng nước trái cây hay nước ngọt vì có thể khiến tình trạng bệnh tệ hơn.


Uống nước là một cách bù nước trong trường hợp mất nước nhẹ
Uống nước là một cách bù nước trong trường hợp mất nước nhẹ

2.3. Bù nước trong trường hợp mất nước nghiêm trọng

Trong trường hợp mất nước nghiêm trọng kể cả đối với trẻ em hay người lớn đều là tình trạng cấp cứu và cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhân để có hướng xử trí kịp thời.

Bù nước và điện giải theo cách thông thường sẽ không hiệu quả bằng truyền trực tiếp qua đường tĩnh mạch. Nước, muối và các chất điện giải truyền qua đường tĩnh mạch sẽ được hấp thu nhanh hơn do đó tăng tốc độ hồi phục của cơ thể.

Mất nước là tình trạng nguy hiểm đối với sức khỏe. Trường hợp mất nước nhẹ có thể được bù lại bằng nước hoặc các loại đồ uống có chứa chất điện giải tuy nhiên nếu các triệu chứng của việc mất nước nghiêm trọng hơn bạn cần tìm đến các cơ sở y tế để có những giải pháp điều trị phù hợp.

Nguồn tham khảo: mayoclinic.org, webmd.com, healthline.com, nhs.uk

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe