Lưu ý khi xét nghiệm CMV

Cytomegalovirus là một loại virus rất phổ biến, bình thường CMV không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tuy nhiên với một số đối tượng, đặc biệt là phụ nữ mang thai nhiễm CMV có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho thai nhi. Vậy xét nghiệm CMV là gì?

1. Xét nghiệm CMV là gì?

CMV là tên viết tắt của Cytomegalovirus, một loại virus rất phổ biến nhưng những người nhiễm bệnh lại hiếm khi xuất hiện triệu chứng đặc trưng. Thống kê tại Hoa Kỳ cho thấy có đến 50 – 85% người nhiễm CMV, đối tượng gặp phổ biến là trẻ em hoặc thanh thiếu niên.

CMV cùng họ với các loại virus như Epstein-Barr, herpes và varicella (tác nhân gây bệnh thủy đậu, giời leo). Khi xâm nhập vào tế bào, virus sao chép và nhân lên trong nhân tế bào. Quá trình sao chép tạo nên các hạt vùi lớn trong nhân và nhiều hạt vùi nhỏ hơn ở bào tương.

Ở người, CMV được phát hiện nhân lên trong tế bào của nhiều cơ quan khác nhau như tuyến nước bọt, gan, thận, phổi, tế bào lymphocyte. Ở những bệnh nhân nhiễm CMV, virus được tìm thấy ở nhiều dịch tiết cơ thể như nước tiểu, máu, nước bọt, tinh dịch, sữa mẹ, dịch não tủy, dịch tiết âm đạo... Do đó chúng dễ dàng lây nhiễm cho người khác thông qua những con đường như tiếp xúc với máu hoặc các loại dịch tiết, quan hệ tình dục hoặc truyền từ mẹ sang con.

Sau khi trải qua giai đoạn nhiễm virus nguyên phát, CMV có thể chuyển sang thể bất hoạt động (giai đoạn tiềm ẩn) để tồn tại trong cơ thể người đến suốt cuộc đời mà không gây bất cứ triệu chứng nào và có nguy cơ tái phát trở lại khi hệ miễn dịch cơ thể bị suy yếu đáng kể.

Xét nghiệm CMV là xét nghiệm kiểm tra sự hiện diện của Cytomegalovirus trong máu bệnh nhân. Do bệnh không gây quá nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe nếu người nhiễm CMV là thanh thiếu niên, người khỏe mạnh nên thường không cần xét nghiệm. Hầu hết trường hợp cần làm xét nghiệm CMV là phụ nữ đang mang thai, người suy giảm miễn dịch hoặc bệnh nhân cần ghép tạng.

Đặc biệt những phụ nữ mới nhiễm hoặc đã nhiễm CMV từ trước và bị tái phát có nguy cơ rất cao gây nhiễm trùng bẩm sinh cho trẻ. Thống kê cho thấy, có đến 10% trẻ sơ sinh nhiễm CMV bẩm sinh dẫn đến các tổn thương vĩnh viễn như chậm phát triển trí tuệ và bất thường về thính giác. Bên cạnh đó, nhiễm CMV bào thai có thể dẫn đến tật bại não, đầu nhỏ, não úng thủy, chậm phát triển, thậm chí tử vong.

Những tác nhân gây bệnh nhiễm trùng ảnh hưởng bất lợi lên thai nhi được gọi chung bằng thuật ngữ TORCH, bao gồm nhiễm Toxoplasma, bệnh khác (Other), Rubella, CMV, Herpes.

2. Cytomegalovirus lây qua con đường nào?

CMV có thể lây cho người thông qua nhiều con đường khác nhau nhưng thường gặp trong các trường hợp sau:

  • Truyền máu, ghép tạng: Quá trình lây nhiễm CMV có thể do virus tồn tại trong máu, chế phẩm máu hoặc trong tạng của người hiến;
  • Mẹ nhiễm CMV và truyền sang con trong quá trình mang thai và trong khi sinh do virus tồn tại trong dịch tiết âm đạo hoặc truyền qua sữa mẹ khi cho con bú; ngoài ra trong giai đoạn sơ sinh, trẻ có thể bị nhiễm CMV thông qua các hoạt động chăm sóc hàng ngày.
  • Tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết cơ thể người nhiễm bệnh như nước bọt, phân, nước tiểu, nước mắt, máu, tinh dịch, dịch âm đạo...
Cytomegalovirus lây qua đường truyền máu, vì vậy cần xét nghiệm CMV giúp phát hiện và điều trị kịp thời
Cytomegalovirus lây qua đường truyền máu, vì vậy cần xét nghiệm CMV giúp phát hiện và điều trị kịp thời

3. Ai cần xét nghiệm CMV?

3.1. Xét nghiệm CMV cho người nghi nhiễm

Xét nghiệm CMV sẽ được thực hiện khi một người có dấu hiệu nghi ngờ đã nhiễm CMV. Virus thường gặp ở phụ nữ mang thai, trẻ em, trẻ vị thành niên và một số đối tượng nguy cơ cao như đồng tính nam, người được cấy ghép nội tạng và bệnh nhân mắc HIV/AIDS.

Hệ miễn dịch suy giảm là cơ hội để các loại virus tấn công và xâm nhập cơ thể, trong đó có virus CMV và gây ra nhiều bệnh lý, biến chứng khác nhau. Những người bị suy giảm miễn dịch thường là bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, người cấy ghép nội tạng, cấy ghép tủy xương...

Nếu có những triệu chứng nghi nhiễm CMV, xét nghiệm CMV sẽ giúp xác định chính xác có thực sự mắc bệnh hay không. Xét nghiệm CMV có thể thực hiện bằng các phương pháp khác nhau như miễn dịch tự động, PCR với mẫu bệnh phẩm là máu hoặc các loại dịch tiết cơ thể.

3.2. Xét nghiệm CMV với phụ nữ mang thai

Xét nghiệm CMV rất cần thiết đối với phụ nữ mang thai, đặc biệt nếu có sự xuất hiện của kháng thể IgM dù rất nhỏ đều có thể gợi ý tình trạng tái hoạt động virus và gây nhiễm virus cho thai nhi.

Những sản phụ phát hiện nhiễm CMV trong tam cá nguyệt đầu tiên của thai kỳ sẽ được bác sĩ cân nhắc và chỉ định chọc dịch ối thai nhi để xét nghiệm có nhiễm CMV hay không. Bên cạnh đó, xét nghiệm dịch ối còn có thể giúp phát hiện tình trạng nhiễm các loại virus khác.

3.3. Xét nghiệm CMV với trẻ sơ sinh

Nếu bác sĩ nghi ngờ trẻ bị nhiễm virus bẩm sinh sẽ chỉ định xét nghiệm CMV trong 3 tuần đầu tiên sau sinh. Xét nghiệm này cần được thực hiện càng sớm càng tốt để xác định trẻ nhiễm virus bẩm sinh hay do nhiễm virus từ môi trường xung quanh.

4. Lưu ý khi xét nghiệm CMV

Có nhiều phương pháp xét nghiệm CMV khác nhau bao gồm:

  • Quan sát trực tiếp dưới kính hiển vi;
  • Phân lập virus;
  • Xét nghiệm CMV - DNA bằng kỹ thuật PCR;
  • Xét nghiệm tìm kháng thể IgM/IgG bằng phương pháp huyết thanh học, kỹ thuật này có thể thực hiện đồng thời để phát hiện nhiễm các virus khác như cúm, Epstein-Barr virus... khi người bệnh có triệu chứng cúm (bao gồm mệt mỏi, viêm họng, nổi hạch, đau đầu, đau nhức cơ, khớp...)
Xét nghiệm CMV
Xét nghiệm CMV có thể được thực hiện bằng cách quan sát trực tiếp dưới kính hiển vi

Đầu tiên, để xác định nhiễm CMV hay không, bác sĩ sẽ thực hiện cấy, phân lập và định danh CMV bằng mẫu bệnh phẩm từ các loại dịch tiết cơ thể. Tuy nhiên, phương pháp xét nghiệm CMV này không phân biệt được nhiễm CMV cấp tính hay mạn tính, virus đang hoạt động hay không hoạt động.

Khi đó, xét nghiệm CMV tìm kháng thể cần thực hiện để xác định chính xác tình trạng nhiễm virus. Tuy nhiên, giá thành xét nghiệm kháng thể virus CMV tương đối cao và thường tìm kháng thể IgG và IgM.

Hiện nay, kỹ thuật xét nghiệm CMV bằng phương pháp PCR có độ nhạy, độ đặc hiệu cao, được áp dụng để chẩn đoán chính xác tình trạng nhiễm virus.

Mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm CMV:

  • Với xét nghiệm nuôi cấy phân lập virus, mẫu bệnh phẩm có thể là nước tiểu, đờm hoặc nước bọt. Quá trình nuôi cấy virus trong phòng thí nghiệm virus thường mất khoảng từ 3 – 7 ngày;
  • Đối với xét nghiệm kháng thể hoặc PCR, bác sĩ sẽ lấy mẫu bệnh phẩm là máu tĩnh mạch.

Đặc biệt, đối với xét nghiệm CMV tìm kháng thể IgG/IgM, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh quay lại sau 2 đến 4 tuần từ lần lấy mẫu đầu tiên để lấy mẫu bệnh phẩm bổ sung.

Sự hiện diện của kháng thể kháng CMV ở mẫu bệnh phẩm đầu tiên gợi ý có tình trạng đã hoặc đang nhiễm CMV. Nếu số lượng kháng thể (được gọi là hiệu giá kháng thể) tăng lên trong vòng 2-4 tuần ở lần xét nghiệm bổ sung giúp xác định bệnh nhân đang nhiễm hoặc mới bị nhiễm CMV gần đây.

Nếu nhiễm CMV mạn tính (kháng thể kháng CMV hiện diện nhưng không thay đổi trong một thời gian dài) có thể tái phát ở những bệnh nhân suy giảm miễn dịch. Những người nhiễm CMV tiên phát, kháng thể IgM có thể tìm thấy rất sớm sau 4 - 7 tuần nhiễm virus và tồn tại khoảng 16 - 20 tuần, còn kháng thể IgG xuất hiện muộn hơn nhưng tồn tại lâu hơn (có thể kéo dài nhiều năm).

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: