Làm thế nào để thoát khỏi cơn chóng mặt?

Chóng mặt là một triệu chứng do rất nhiều nguyên nhân gây ra. Triệu chứng này có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu, đôi khi bị chấn thương do ngã và khó khăn trong các hoạt động sống. Vì vậy, khi thường xuyên chóng mặt, bạn cần có phương pháp cải thiện tình trạng này.

1. Chóng mặt là gì?

Chóng mặt là cảm giác mất cân bằng hoặc lâng lâng, như thể sắp ngất đi hay thấy mọi thứ xung quanh đang chuyển động xung quanh bạn.

Chóng mặt thường kèm theo cảm giác buồn nôn hoặc nôn. Đây là những triệu chứng do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, chứ không phải là một bệnh. Một số nguyên nhân có thể dẫn tới chóng mặt bao gồm:

  • Do thay đổi tư thế: Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra chóng mặt. Người ta chưa tìm được nguyên nhân cụ thể gây ra tình trạng này. Có thể thấy được mối liên quan giữa chóng mặt và chứng đau nửa đầu;
  • Hạ đường huyết: Khi bạn bị hạ đường huyết thì các phần trong cơ thể không được cung cấp năng lượng cho sự hoạt động tối thiểu. Từ đó có thể cũng dẫn tới chóng mặt. Hạ đường huyết có thể do bạn quá đói, không cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể hoặc sử dụng các thuốc hạ đường huyết khi đói hay không đúng liều;
  • Hạ huyết áp: Khi huyết áp dưới ngưỡng cho phép cũng khiến cho bạn không được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng tới não. Huyết áp thấp có thể do việc sử dụng một số loại thuốc có tác dụng an thần...;
  • Các bệnh lý về tai trong: Một số bệnh lý về tai trong cũng là nguyên nhân gây ra chóng mặt như nhiễm trùng hoặc tích tụ chất lỏng, có thể ảnh hưởng đến sự thăng bằng;
  • Mất nước: Khi mất nước, sẽ làm giảm khối lượng tuần hoàn ảnh hưởng tới việc cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể;
  • Bị say nóng: Khi làm việc hay hoạt động trong môi trường nhiệt độ quá cao ở thời gian dài có thể dẫn tới say nóng với các biểu hiện như chóng mặt, buồn nôn, nôn,...;
  • Chấn thương vùng đầu cổ;
  • Bệnh lý cột sống cổ như thoái hóa, thoát vị cũng làm giảm lượng máu cung cấp cho cơ thể. Từ đó gây ảnh hưởng tới vùng tiền đình ốc tai dẫn tới chóng mặt.
  • Bệnh thiếu máu: Thiếu máu là một nguyên nhân bệnh lý có thể gây ra chóng mặt, nhất là chóng mặt do thay đổi tư thế. Ngoài ra còn thấy da xanh, niêm mạc nhợt, hồi hộp trống ngực...
  • Một số bệnh lý khác cũng gây ra chóng mặt như: Rối loạn lo âu, parkinson, rối loạn chức năng thần kinh, đau nửa đầu mạn tính...;
  • Các loại thuốc cũng gây ra chóng mặt như chống động kinh, chống trầm cảm...;

Nói chung, chóng mặt là một triệu chứng bệnh gặp ở nhiều bệnh khác nhau. Để điều trị hiệu quả nhất thì cần tìm được nguyên nhân gây bệnh.

thường xuyên chóng mặt
Thường xuyên chóng mặt có thể do bệnh hạ huyết áp gây ra

2. Khi bị chóng mặt phải làm sao?

Đầu tiên, khi bạn bắt đầu cảm thấy chóng mặt thì bạn cần nằm xuống càng sớm càng tốt. Nếu bạn bị chóng mặt quá mức, hãy nhắm mắt khi nằm xuống. Nếu đang bị quá nóng, hãy uống một ly nước mát và di chuyển đến khu vực có bóng râm, điều hòa nhiệt độ.

Tiếp theo, có thể sử dụng một số biện pháp như dùng một số thực phẩm, thuốc và các biện pháp tập luyện để hạn chế sự chóng mặt.

2.1. Những biện pháp cải thiện chóng mặt

Bạn có thể dùng một số thực phẩm dưới đây để cải thiện một phần cảm giác chóng mặt, bao gồm:

  • Nước: Mất nước là nguyên nhân phổ biến gây ra chóng mặt. Nếu cảm thấy mệt mỏi, đói, khát nước và đi tiểu ít hơn khi chóng mặt, hãy thử uống nước ấm để bổ sung đủ nước cho cơ thể.
  • Dùng gừng: Gừng là một loại gia vị và vị thuốc được dùng để làm ấm bụng, giảm cảm giác buồn nôn. Ngoài ra, gừng có thể giúp tránh tình trạng chóng mặt do hạ huyết áp, hạ đường huyết và giảm nuôi dưỡng cho não bộ. Bạn có thể dùng gừng dưới nhiều cách như thêm vào thức ăn hàng ngày hoặc làm trà uống. Đặc biệt, khi bị chóng mặt bạn có thể pha một cốc trà gừng thêm chút đường uống để giảm cảm giác buồn nôn.
  • Vitamin C: Sử dụng vitamin C có thể làm giảm chóng mặt nếu bạn mắc bệnh Meniere (một rối loạn tai trong gây ra triệu chứng chóng mặt). Thực phẩm giàu vitamin C bao gồm quả họ cam quýt, bưởi, dâu tây, ổi...
  • Vitamin E: Vitamin E giúp duy trì độ đàn hồi của các mạch máu. Từ đó giúp ngăn ngừa các vấn đề liên quan tới tuần hoàn. Vitamin E có thể được tìm thấy trong các thực phẩm như mầm lúa mì, các loại hạt, kiwi, rau bina
  • Vitamin D: Vitamin D đã được chứng minh là có thể giúp bạn cải thiện sau các cuộc tấn công của cơn chóng mặt lành tính do thay đổi tư thế đầu. Bạn nên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời mỗi ngày để giúp cơ thể tổng hợp đủ vitamin D cần thiết cho cơ thể.
  • Bổ sung sắt cho cơ thể: Nếu như nguyên nhân gây thiếu máu do thiếu sắt thì nên sử dụng các loại thực phẩm có chứa chất sắt để bổ sung cho cơ thể. Sắt có thể được tìm thấy trong các loại thực phẩm như các loại thịt đỏ, đậu, thịt gia cầm, gan động vật, rau có màu xanh đậm... Nguồn cung cấp sắt từ động vật sẽ dễ hấp thu hơn so với từ thực vật.

2.2. Dùng thuốc khi thường xuyên chóng mặt

Khi tình trạng không cải thiện, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc để điều trị tình trạng chóng mặt thường gặp. Việc sử dụng thuốc sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh. Thiếu máu thì cần dùng các loại thuốc bổ sung sắt, mất nước cần bổ sung thêm nước...

2.3. Một số phương pháp khác

Bài tập Epley có thể thực hiện tại nhà giúp điều trị chóng mặt. Các bước thực hiện như sau:

  • Ngồi trên giường và quay nửa đầu sang bên phải. Sau đó, nằm ngửa trên giường trong khi vẫn quay đầu. Bạn chỉ nên kê một chiếc gối dưới vai với tư thế ngả đầu ra sau. Giữ tư thế này trong khoảng 30 giây.
  • Quay đầu mà không ngẩng cao để nhìn sang trái và giữ trong 30 giây. Giữ đầu quay, xoay người sang trái để nằm nghiêng. Chờ 30 giây.
  • Ngồi lên theo hướng phía bên trái. Nên thực hiện bài tập này mỗi ngày để nâng cao hiệu quả.

Phòng ngừa nguy cơ té ngã:

  • Nếu bạn thường xuyên chóng mặt hãy nói với bác sĩ để biết tình trạng của mình do đâu, điều này khiến bạn cảm thấy yên tâm hơn. Hơn nữa, cần biết rằng bạn có thể bị ngã bất cứ lúc nào khi bị chóng mặt. Vì vậy, cần chuẩn bị kỹ hơn để tránh bị chấn thương.

Xoa bóp bấm huyệtchâm cứu:

  • Châm cứu là một biện pháp có thể giúp giảm chóng mặt. Bạn có thể dùng một số huyệt như ấn đường, bách hội, phong trì, thái dương, xuất cốc, thần đình... day ấn hay châm cứu giúp giảm chóng mặt.

Vật lý trị liệu:

  • Phục hồi chức năng tiền đình cũng rất hữu hiệu để cải thiện chức năng thăng bằng của cơ thể.
thường xuyên chóng mặt
Người bệnh thường xuyên chóng mặt có thể tham khảo phương pháp xoa bóp bấm huyệt

3. Ngăn ngừa chóng mặt

Một lối sống lành mạnh có thể giúp điều trị và ngăn ngừa chóng mặt. Dưới đây là các biện pháp thay đổi giúp hạn chế chóng mặt:

  • Cố gắng giảm bớt căng thẳng bằng các bài tập hay thư giãn;
  • Chế độ ăn uống đủ dinh dưỡng, bổ sung đủ nước và tránh các thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn sẵn hay thức uống có chứa cồn;
  • Sắp xếp thời gian ngủ và nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc khuya khiến cơ thể mệt mỏi;
  • Nên tập các bài tập cải thiện chức năng tiền đình, thường xuyên vận động giúp tăng cường lưu thông máu đến cơ quan.

Trên đây là một số biện pháp giúp bạn cải thiện triệu chứng chóng mắt. Trường hợp thường xuyên chóng mặt không rõ nguyên nhân thì cách tốt nhất là bạn nên tới các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

171 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan